Hà Nội: Xem xét mở rộng chương trình đào tạo song bằng vào năm học 2020-2021

GD&TĐ - Ngày 24/10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2017-2018 đến nay.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích trong việc thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích trong việc thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng lãnh đạo các nhà trường tham gia chương trình, đại diện các tổ chức quốc tế.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Đến nay, toàn thành phố có 179 học sinh THPT và 775 học sinh THCS của 8 trường tham gia học chương trình song bằng, trong đó có 48 học sinh đang học lớp 12.

Có 8 trường THCS, THPT triển khai chương trình song bằng là Trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam (cả 2 khối THPT và THCS), trường THCS Chu Văn An, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Thanh Xuân.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Ban điều hành đề án, chỉ đạo các trường học thành lập hội đồng biên soạn chương trình giảng dạy tích hợp giữa hai chương trình học của Việt Nam và Cambridge; hướng dẫn biên soạn chương trình, thành lập các hội đồng thẩm định chương trình.

Công tác tuyển sinh vào các trường có tổ chức thực hiện chương trình song bằng được thực hiện nghiêm túc; học sinh có nguyện vọng tham gia học chương trình song bằng phải tham dự nhiều vòng thi chung do Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức.

Theo đánh giá sơ bộ về kết quả kỳ thi của học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ AS-Level vào tháng 6/2019, hầu hết học sinh đều đạt kết quả tốt. Các học sinh tham gia học chương trình đào tạo song bằng ở các trường THCS cũng đã đáp ứng tốt các yêu cầu của chương trình đào tạo.

Tại hội nghị, ý kiến của đại diện các trường tham gia thí điểm Đề án đều có chung nhận định, việc thực hiện chương trình song bằng tại các trường phổ thông là cơ sở để các nhà trường phát huy năng lực, tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học, đồng thời đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh hiện nay.

Các nhà trường cũng bày tỏ mong muốn chương trình song bằng tú tài tiếp tục được nhân rộng ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố, tạo thêm cơ hội cho học sinh được tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Việc triển khai chương trình song bằng ở các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố đã tạo ra môi trường học tập có chất lượng, tiệm cận với mô hình của các trường chuẩn quốc tế; giúp học sinh tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, đồng thời tạo hành trang cho học sinh tự tin bước vào các trường đại học quốc tế trong tương lai.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố có đủ điều kiện, báo cáo UBND thành phố để xem xét mở rộng việc thực hiện chương trình đào tạo song bằng vào năm học 2020-2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ