Hà Nội vinh danh 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2017

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng Thủ đô, sáng nay (8/10), UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2017.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.

Được biết, thành phố sẽ biểu dương 790 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và vinh danh 10 công dân ưu tú.

Năm 2017, TP Hà Nội phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” “Năm kỷ cương hành chính”, “Trật tự văn minh, đô thị”, “Xây dựng nông thôn mới”...

Thông qua phong trào "Người tốt, việc tốt" năm 2017, đã có 11.250 điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được khen thưởng từ cấp cơ sở, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khen thưởng điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt cho 790 cá nhân.

Đó là những tấm gương lao động sáng tạo, đề xuất nhiều mô hình, giải pháp trong mọi lĩnh vực như: khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính,… đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi ích xã hội to lớn. Hay như những tấm gương dũng cảm quên mình vì việc nghĩa, truy bắt kẻ gian để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trong 10 cá nhân được tặng danh hiệu cao quý Công dân Thủ đô ưu tú năm nay, người lớn tuổi nhất là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, người đã ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc khắp thủ đô Hà Nội qua những bức ảnh.

Một đời gắn bó với nhiếp ảnh, ông đã gặt hái được nhiều thành công, nhận được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong và ngoài nước như: Giải thưởng Bifota của Đức năm 1967, giải ACCU của Nhật Bản năm 1984...

Năm 2016, Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội được trao tặng cho ông là giải thưởng tinh thần vô giá, ghi nhận những đóng góp, tâm huyết cả đời của ông với Thủ đô Hà Nội.

Ông còn được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc...

Người trẻ tuổi nhất là vận động viên Dương Thúy Vi, thành viên đội tuyển wushu Hà Nội và đội tuyển quốc gia, từng nhiều lần đạt Huy chương Vàng cho đoàn thể thao Việt Nam tại các giải thi đấu quốc tế.

Dương Thúy Vi, thành viên đội tuyển wushu Hà Nội và đội tuyển quốc gia, từng nhiều lần đạt Huy chương Vàng cho đoàn thể thao Việt Nam tại các giải thi đấu quốc tế.

Trong sự nghiệp thi đấu, Thúy Vi đạt được nhiều thành tích: Huy chương Vàng vô địch trẻ châu Á năm 2009, 2011; Huy chương Vàng vô địch trẻ thế giới năm 2010; Huy chương Vàng SEAGAMES 2013, 2015, 2017; Huy chương Vàng vô địch thế giới 2013; Huy chương vàng ASIAD 2014.

Với đóng góp cho thể thao Thủ đô và đất nước, Thúy Vi đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (2015); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2014, 2015); Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (năm 2010, 2012, 2013, 2015); Bằng khen của T.Ư Đoàn (năm 2015); Bằng khen của Ủy ban Olympic Việt Nam (năm 2015).

Danh sách công dân Thủ đô ưu tú 2017 còn có PGS. TS Trần Xuân Bách - là người được công nhận PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2016 và được bổ nhiệm chức danh PGS kiêm nhiệm tại Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ. 

PGS. TS Trần Xuân Bách - Vị PGS.TS trẻ tuổi nhất Việt Nam năm 2016.

Với nỗ lực trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, PGS đã đạt nhiều danh hiệu tiêu biểu: Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016; Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016; Lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới của Liên Viện Hàn Lâm Quốc tế năm 2014, 2016... PGS là đại diện 20 nhà khoa học trẻ thế giới tham dự Đại hội đồng Y tế thế giới tại Geneva.

PGS, TS Nguyễn Thị Bích Thủy, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, từng tham gia tư vấn, thẩm định các công nghệ mới trong xây dựng công trình giao thông trong thành phố Hà Nội.

Với những đóng góp của cá nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ GTVT 3 lần tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua ngành, 4 lần được tặng Bằng khen; 2 lần được Bộ KH&CN tặng Bằng khen; Giải nhì Vifotec, Giải thưởng Kovalevskaia 2013; được vinh danh Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu; Phụ nữ Việt Nam Tự tin tiến bước.

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, người có nghiên cứu về khám, chữa bệnh kết hợp giữa đông y với Tây y.

Ông Siêm được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2013), Thầy thuốc Nhân dân (năm 2017), Bằng khen Chính phủ (năm 2010); Chiến sĩ Thi đua toàn quốc (năm 2016), 3 lần Chiến sĩ Thi đua cấp TP.

Được tặng nhiều Bằng khen, huy chương, kỷ niệm chương của Bộ Y tế, UBND TP, TƯ Hội Đông y Việt Nam, Hội Liên hiệp KHKT Việt Nam và các cấp, các ngành tặng.

Danh sách còn có ông Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng phòng thanh tra 6, Thanh tra Hà Nội, là người tham mưu và trực tiếp tham gia các cuộc thanh tra kinh tế xã hội, thanh tra hành chính, tham gia giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và phòng chống tham nhũng.

Liên tục từ năm 2009 – 2016, ông Lộc đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở; Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc năm 2012; Chiến sĩ Thi đua TP (năm 2009, 2011, 2014); Bằng khen của Thanh tra Chính phủ (năm 2008, 2011; 2016); Bằng khen Chủ tịch UBND TP Hà Nội (năm 2009, 2013, 2014; 2015); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2010), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2015).

Ông Đặng Cát, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, người khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân. Là thương binh chống Pháp hạng 4/4, được cử đi học và trở thành bác sĩ quân y thuộc Bộ đội Biên phòng. Năm 1969, ông là Chủ nhiệm quân y của Học viện Biên phòng. Năm 1989, sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu khám bệnh miễn phí cho mọi người.

Năm 2009, ông đã được Quận ủy Tây Hồ tôn vinh, khen thưởng vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2013, ông vinh dự được TP tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; năm 2014, ông được tôn vinh là 1 trong 124 gương điển hình tiên tiến tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức.

Nghệ nhân Lê Bá Chung, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, người đã có nhiều đóng góp trong công việc dát vàng, phục chế một số hiện vật trên địa bàn Thủ đô.

Với những đóng góp đó, ông được tặng thưởng nhiều danh hiệu: 2 lần được Bằng khen TP (năm 2012, 2015); Danh hiệu nghệ nhân Hà Nội (năm 2004); danh hiệu “Người tốt, việc tốt” TP (năm 2011); TP tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước (năm 2015); danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (năm 2016).

Anh Tạ Đình Huy, thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, có nhiều sáng chế giúp người dân đỡ vất vả trong công việc đồng áng.

Anh Huy được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp: năm 2015 đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở, Người tốt, việc tốt cấp huyện, Chiến sĩ Thi đua cấp TP, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Năm 2016 được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen; anh là Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu của Thành đoàn Hà Nội vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Là Gương điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước TP giai đoạn 2010 - 2015…

Thượng tá Đào Anh Tuấn, Phó trưởng phòng PC52, Công an thành phố Hà Nội, người trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy đội truy bắt đối tượng truy nã, điều tra khám phá thành công nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Thượng tá Đào Anh Tuấn đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng: Năm 2010: Chiến sĩ Thi đua toàn lực lượng; từ năm 2008 đến năm 2016 liên tục là Chiến sĩ Thi đua cơ sở; Năm 2008, 2013: Bằng khen Chính phủ; Năm 2010, 2011, 2013, 2015, 2016: Bằng khen của Bộ Công an; Năm 2012: Bằng khen Bộ LĐTB&XH; Năm 2014: Bằng khen của UBND TP…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.