(GD&TĐ) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 6,29% so với tháng 12 năm 2011. Còn tại TP.HCM, chỉ số này ước tính tăng 0,17% so với tháng trước, đưa mức tăng của cả năm khoảng 4,1%. Như vậy, lạm phát ở hai thành phố lớn trong năm nay thấp hơn nhiều so với mức tăng hai con số của năm 2011.
Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, đây là mức tăng so với tháng trước thấp nhất trong 8 năm qua tại Hà Nội. Bình quân 12 tháng năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội giữ ở mức 1 con số, tăng 8,57% so với năm ngoái.
Ảnh minh họa/internet |
Trong tháng này, những nhóm mặt hàng có mức tăng so với tháng trước là: may mặc, mũ nón, giày dép (+0,96%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,45%), văn hóa, giải trí và du lịch (+0,29%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,25%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,16%); giáo dục (+0,14%); nhà ở, điện, nước, chất đốt (+0,07%).
Mặt hàng có mức giảm là giao thông (-0,75%). Mặt hàng bưu chính viễn thông đứng giá so với tháng trước.
So với tháng trước, chỉ số giá vàng có mức tăng 0,94%, còn chỉ số giá đô la Mỹ có mức giảm 0,07%.
Riêng đối với giá lương thực chỉ biến động nhẹ với mức tăng không đáng kể (+0,20%) so với tháng trước, giá gạo liên tục tăng nhẹ kể từ tháng 8/2012 đến nay (chủ yếu là gạo ngon) do ảnh hưởng từ tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm tăng mạnh, đẩy giá bán lẻ từ tháng 8/2012 đến nay tăng nhẹ nhưng không tăng đột biến vì nguồn cung đang rất dồi dào.
Tuy vậy, nếu tính từ đầu năm đến nay thì giá gạo các loại nhìn chung đều giảm, nguyên nhân do các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam, Thái Lan, Mỹ… đều được mùa. Campuchia và Myanma bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo. Ngoài ra, Ấn Độ cũng xuất khẩu gạo trở lại từ cuối năm 2011. Do nguồn cung xuất khẩu dồi dào từ các nước dẫn đến áp lực giảm giá gạo trên thị trường khá lớn. Mặt khác, do lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện ở mức khá cao, nhằm giải phóng lượng hàng tồn kho nên nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận bán giá thấp. Từ tình hình trên cho thấy giá gạo bán lẻ trong nước có khả năng sẽ giảm nhẹ ở những tháng đầu năm 2013.
Nhóm thực phẩm cũng tăng nhẹ so tháng trước (+0,24%); trong đó, các nhóm mặt hàng biến động gồm thịt lợn (+0,51%), thịt gia cầm (+2,84%), thịt chế biến (+0,13%), trứng các loại (+1,54%), thủy sản tươi sống (+0,53%), rau các loại (-2,93%)…
So với đầu năm giá nhóm thực phẩm chỉ tăng nhẹ (+1,01%). Điều này cho thấy năm 2012 là năm có giá thực phẩm ổn định nhất tính từ năm 2009 đến nay. Đạt được kết quả này là có sự góp phần đáng kể của chương trình bình ổn giá trên địa bàn thành phố…
Đức Trí (TH)