Hà Nội: Thông tin mới nhất vụ ngăn cản học sinh Ninh Hiệp đến trường

GD&TĐ - Chiều nay (23/12), gần 1.200 trong tổng số 2.586 học sinh Tiểu học và THCS Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) đã trở lại lớp học nhưng vẫn bị nhiều phụ huynh gây sức ép phía ngoài cổng trường.

Nhiều đối tượng lôi kéo các em học sinh tụ tập trước cổng trường THCS Ninh Hiệp
Nhiều đối tượng lôi kéo các em học sinh tụ tập trước cổng trường THCS Ninh Hiệp

Cổng trường đã bình yên hơn

Bà Nguyễn Thị Thanh Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Hiệp - cho biết: Đã có 867 trên tổng số 1.646 em đã quay trở lại trường sau khi bị bố mẹ ép nghỉ học 2 ngày qua để phản đối chính quyền xây trung tâm thương mại.

Cổng trường đã bình yên hơn so với những hôm trước nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một số người tập trung đánh trống, gõ chiêng làm ồn, ngoài phụ huynh còn rất đông học sinh mặc đồng phục, tay cầm cờ.

Còn ông Nguyễn Thọ Bắc - Hiệu trưởng THCS Ninh Hiệp – trao đổi thông tin: Đã có hơn 300 học sinh trên tổng số 940 học sinh đã đi học. Các cháu đi học đông hơn, nề nếp được ổn định. Tuy nhiên, phía ngoài cổng trường vẫn có rất đông phụ huynh tập trung gây ồn ào, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Cổng trường tiểu học Ninh Hiệp đã bình yên hơn so với 2 ngày trước
Cổng trường tiểu học Ninh Hiệp đã bình yên hơn so với 2 ngày trước 

Theo ghi nhận của phóng viên báo Giáo dục và Thời đại, điểm nóng nhất chiều nay chỉ diễn ra trước cổng trường THCS Ninh Hiệp với khoảng gần 100 em học sinh mặc đồng phục với sự chỉ đạo của một số phụ huynh đã cầm cờ, đánh trống, gõ chiêng, gây mất trật tự trước cổng trường trong khoảng thời gian từ lúc 1h chiều đến 2h30 chiều. Các đối tượng đe dọa sẽ cho con họ nghỉ học nếu chính quyền tiếp tục dự án xây trung tâm thương mại.

Một số học sinh muốn đi học cũng không được vào trong trường do bị ngăn cản. Em N.T.H (lớp 6, trường THCS Ninh Hiệp) cho biết: Em không muốn nghỉ học, vì chúng em còn ôn tập để làm bài kiểm tra tiếng Anh. Hơn nữa, nếu nghỉ học nhiều, chúng em sẽ phải đi học bù. Mỗi buổi đứng ở cổng trường như thế này cũng khiến chúng em rất mệt mỏi.

Khác với H, một nam sinh lớp 7 lên tiếng: Chúng em đi biểu tình phản đối chính quyền vì các bác bảo rằng nếu không biểu tình thì người ta sẽ xây dựng Trung tâm thương mại, bố mẹ em sẽ không có đất để kiếm tiền, chúng em cũng không có tiền đi học.

Những thông tin thất thiệt mà người lớn tiêm nhiễm cho con em họ đã gây ra những hậu quả nặng nề, mà rõ nhất là việc phải nghỉ học đúng vào thời điểm quan trọng nhất của năm học, tạo ra áp lực rất lớn cho các thầy cô giáo.

Trong ngày 23/12, vẫn có một số đối tượng đứng chặn ở cổng trường để ngăn cản không cho học sinh vào trường học. Tuy nhiên, phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm đã báo cáo với lãnh đạo chính quyền địa phương để điều động lực lượng an ninh đến giải tán đối tượng này.

Bằng mọi cách phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh

Ông Hoàng Việt Cường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm giãi bày: Sự cố ở các trường học trên địa bàn xã Ninh Hiệp trong 3 ngày vừa qua là rất đáng tiếc, gây ảnh hưởng lớn đến các thầy cô giáo, các em học sinh và ảnh hưởng đến kế hoạch năm học.

Chúng tôi mong muốn những mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền sẽ sớm được giải quyết để các em học sinh sớm được đi học, các học sinh đến trường sẽ tăng từng ngày để đảm bảo việc dạy học không bị ảnh hưởng quá nặng nề.

Ông Cường cho biết thêm: Cả ngày hôm qua đến sáng sớm hôm nay, chúng tôi tuyên truyền trên loa phát thanh đến từng thôn xóm, nêu rõ quyền trẻ em được đến lớp.

Phòng GD&ĐT đã họp cùng Hội đồng Sư phạm nhà trường, Ban đại diện phụ huynh, phân công giáo viên đến gặp trực tiếp và có thư ngỏ vận động từng học sinh đến trường. Trách nhiệm của các thầy cô giáo là nhắn tin qua sổ liên lạc điện tử để tuyên truyền bố mẹ cho con đi học trở lại.

Được biết, sau khi xảy ra sự việc, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, Phòng Công tác học sinh sinh viên và Phòng Giáo dục trung học xuống tận cơ sở để nắm bắt tình hình an ninh trật tự và sĩ số học sinh của các trường để đưa ra hướng giải quyết.

Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Chúng tôi đặt mục tiêu bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho học sinh và đảm bảo môi trường sư phạm trong các nhà trường. Tuyệt đối không để học sinh bị lôi kéo tham gia các cuộc tụ tập đông người gây rối loạn, mất trật tự an ninh địa phương.

Lãnh đạo phòng GD&ĐT, các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp và toàn thể cán bộ giáo viên cần nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cha mẹ học sinh và tìm mọi biện pháp vận động, thuyết phục cha mẹ học sinh cho các em đi học. Kịp thời báo cáo ngay với chính quyền huyện và xã để phát hiện và ngăn ngừa những cá nhân cố tình cản trở, ngăn cấm không cho học sinh đến trường.

Các thầy cô cũng cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương như mặt trận, chính quyền, hội khuyến học, hội người cao tuổi đến từng nhà học sinh để vận động nêu rõ sự thiệt thòi trước mắt cho các em nếu không được đi học vào thời điểm kết thúc học kỳ I sẽ rất bất lợi.

Trong những ngày qua, Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Gia Lâm, lãnh đạo các nhà trường đã đến tận gia đình để vận động phụ huynh đưa các em học sinh đến trường học tập, và công tác tuyên truyền vận động vẫn được tiếp tục thường xuyên liên tục.

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.