Hà Nội: Tập huấn phòng tránh tai nạn thương tích cho giáo viên mầm non

GD&TĐ - Hơn 300 cán bộ quản lý, cán bộ y tế, giáo viên cốt cán của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa tham dự khóa tập huấn công tác “Phòng tránh tai nạn thương tích cấp học mầm non năm học 2019 - 2020”.

Bác sĩ giới thiệu các kĩ thuật sơ cấp cứu cơ bản
Bác sĩ giới thiệu các kĩ thuật sơ cấp cứu cơ bản

Phòng tránh các tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non trong môi trường giáo dục luôn là vấn đề quan tâm của toàn thể các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi mà liên tiếp những tai nạn thương tâm xảy ra trong các cơ sở giáo dục đã rung lên một hồi chuông cảnh báo về sự cấp thiết của việc phải nâng cao kiến thức và kĩ năng phòng ngừa và ứng phó với tai nạn thương tích trong các cơ sở mầm non. 

Trong những năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ cốt cán các trường điểm của quận, huyện, thị xã về công tác phòng tránh tai nạn thương tích - phòng cháy chữa cháy trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, Sở GDĐT chỉ đạo các phòng Giáo dục tiếp tục triển khai các lớp tập huấn nhân rộng tại quận, huyện, thị xã.

Các bác sĩ hướng dẫn thao tác kĩ thuật cho học viên
Các bác sĩ hướng dẫn thao tác kĩ thuật cho học viên

Năm học 2019-2020 với trọng tâm "Tập huấn sơ cấp cứu cho trẻ",  Sở GD&ĐT đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung Ương và Công ty CP Giáo dục Novastars tổ chức lớp tập huấn công tác "Phòng tránh tai nạn thương tích cấp học mầm non năm học 2019-2020" tại Trường mầm non Đại Mỗ B, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Với đội ngũ giảng viên là những bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp công tác tại Trung tâm cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương, khóa tập huấn "Phòng tránh tai nạn thương tích cấp học mầm non năm học 2019-2020" đã cung cấp cho các học viên những kiến thức về kĩ năng sơ cấp cứu và thực hành nâng cao kĩ năng về phòng tránh và ứng phó với các tai nạn thương tích thường gặp của trẻ mầm non.

Học viên thực hành kĩ thuật thổi ngạt
 Học viên thực hành kĩ thuật thổi ngạt

Từ đó học viên có tâm thế chủ động trong việc ngăn ngừa các tai nạn có thể xảy ra trong quá trình trẻ sinh hoạt, học tập, vui chơi tại cơ sở giáo dục. Đồng thời, khóa tập huấn còn trang bị kiến thức giúp các học viên bình tĩnh, tự tin xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra, giảm thiểu các hậu quả xuống mức thấp nhất có thể.

Tại khóa tập huấn, các giảng viên đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ những kĩ năng tự bảo vệ bản thân, tránh xa các tình huống có thể gây ra nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Đồng thời, hướng dẫn các học viên thực hành trên ma-nơ-canh nhiều kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng xử lý cấp cứu (bình tĩnh, xử lý trẻ, gọi cứu trợ), kỹ năng xử trí khi trẻ đuối nước, kỹ năng xử trí khi trẻ hóc dị vật; kỹ năng xử trí khi trẻ bị gãy xương (vùng tay, chân, cổ); kỹ năng băng bó cầm máu vết thương, kỹ năng xử trí các tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ…

Học viên thực hành kĩ thuật nẹp cố định vết thương
Học viên thực hành kĩ thuật nẹp cố định vết thương

Khóa tập huấn "Phòng tránh tai nạn thương tích cấp học mầm non năm học 2019-2020" mặc dù là năm đầu tiên triển khai nhưng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các học viên tham dự.

Sau khóa học, các học viên bày tỏ mong muốn Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tập huấn cho các cơ sở giáo dục mầm non thuộc quận, huyện, thị xã để gồm các cán bộ quản lý, cán bộ Y tế, giáo viên nâng cao kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích và kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng cấp cứu cho trẻ trong các cơ sở giáo dục Mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.