Sẽ không lo thiếu xe bởi hiện tại, các đơn vị kinh doanh vận tải đã có các phương án phục vụ tốt nhất cho thí sinh và người nhà trong kỳ thi đại học.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 96 trường đại học và cao đẳng.
Dự kiến, số thí sinh đăng ký dự thi giảm khoảng 30% so với năm 2013 và chủ yếu từ các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang.
Kỳ thi ĐH - CĐ sắp tới sẽ kéo dài 3 đợt, số thí sinh lên thành phố thi sẽ đi rải rác trước kỳ thi nên không gây áp lực cho các bến xe của công ty. Mỗi thí sinh lên thi đại học, cao đẳng thường có một phụ huynh hoặc người nhà đi cùng. Do đó, số lượng khách là thí sinh và người nhà thí sinh, cộng với lượng khách có nhu cầu đi lại sẽ tăng lên rất nhiều.
Cụ thể, lượng khách này sẽ tập trung đi về (sau khi thi xong) chủ yếu trong đợt 1 vào 2 vào chiều các ngày 5-6/7 và đợt 2 vào chiều 10-11/7. Lượng khách đi về sau đợt thi cao đẳng là không lớn.
Tuy nhiên, ngoài lượng khách đi lại thường ngày trên tuyến, các bến xe sẽ phải phục vụ thêm lượng thí sinh và người nhà, đặc biệt vào các thời gian cao điểm ngay sau các đợt thi.
Theo dự báo của Công ty bến xe Hà Nội, trong các dịp cao điểm, lượng khách sẽ tăng thêm khoảng 100-130% tại bến xe Mỹ Đình, tương ứng với bến xe Giáp Bát là 80-90%, bến xe Gia Lâm là từ 60-70%.
Trên cơ sở lượng khách đến bến để đi về trong các ngày sau mỗi đợt thi và căn cứ vào lượng xe hiện đang phục vụ trên các bến, Công ty yêu cầu các xí nghiệp quản lý bến, các doanh nghiệp vận tải lên kế hoạch, dự kiến tăng cường thêm 510 lượt xe vận chuyển khách trong 3 đợt thi.
Cụ thể, Bến xe phía Nam (Giáp Bát) tăng cường thêm 230 lượt xe, Bến xe Mỹ Đình tăng cường 205 lượt xe, Gia Lâm tăng thêm 75 lượt xe.
Phối hợp với các cơ quan như công an địa phương, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và Ban Thanh tra Giao thông vận tải Hà Nội trong việc kiểm tra, kiểm soát đảm bảo tốt an ninh trật tự trên các tuyến vận tải hành khách, chống các bến “cóc”, xe “dù” chạy vòng vo ngoài bến.