Hà Nội mùa vắng những nụ hôn

Hà Nội mùa vắng những nụ hôn

Và chưa bao giờ những ý nhạc về Hà Nội lại mang hơi thở thời đại như thế. Dịch bệnh Covid-19 đã đảo lộn, chi phối toàn bộ khung cảnh và cuộc sống của mọi người...

Một Hà Nội vắng...

Ai đó nói rằng, người Hà Nội vốn ưa cuộc sống bình lặng, luôn chỉ muốn rút nhanh khỏi nhịp độ hối hả tranh đua, xô bồ của đời thường. Vì thế, Hà Nội là câu chuyện của những con ngõ khuất chìm, những quán quen hút nẻo, những “huyền thoại phố phường” (chữ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp). 

Một người chưa từng cảm nhận được những điều ấy thì khó có thể nói rằng đã chạm được đến tinh thần Hà Nội.

Thế nhưng, vào những ngày này, Hà Nội vốn thường náu mình sau dòng xe cộ tấp nập, những cao ốc vô danh và hữu danh nay bỗng nhiên lại hiện ra đầy đủ nét cổ kính thơ mộng, không giấu giếm. 

Mùa đại dịch Covid-19 kì lạ và hung hiểm dường như đã làm thời gian chậm lại. Những người Hà Nội nghiêm chỉnh thực hiện khuyến cáo cộng đồng đã lui về nơi tổ ấm. Vào những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi người thậm chí không thể tìm thấy cả quán cafe cóc. 

Ai trót mang tâm hồn lãng khách, có công cán phải bước chân ra đường vào chiều muộn sẽ không khỏi rơi vào cảm giác chênh vênh khó tả: Đây rõ ràng là yên bình rồi, nhưng không phải thứ yên bình ta hằng kiếm tìm, thèm ước. 

“Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” là hoàn toàn có thực. Nhưng tất nhiên, người nghệ sĩ sẽ không quên việc chụp lại vài bức ảnh để đăng lên Facebook cùng nỗi niềm và những cảm nghiệm bùi ngùi, trăn trở.

“Hà Nội mùa này vắng những nụ hôn. Hà Nội mùa này không còn những cái nắm tay thân mật, không còn thấy môi cười của nhau. Những đôi uyên ương trẻ ngay trong cùng thành phố bỗng nhiên thành “yêu xa”. Tôi cứ nôn nao nhớ câu hát trứ danh của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn:

“Tháp Rùa yêu dấu còn đó nên thơ/ Lớp người đổi mới khác xưa”.

Thế mà trong biến động này, lớp người mới của Hà Nội đâu có khác gì xưa: Chẳng nắm tay, chẳng hò hẹn, chẳng dám qua thăm nhà. Chỉ còn những tin nhắn thay cho tình thư”, nhà báo, nhà thơ Đỗ Huy Chí chia sẻ.

Hà Nội mùa này vắng những nụ hôn. Người Hà Nội không vui, nhiều nỗi buồn và bộn bề lo lắng. Người Hà Nội hiểu rằng những gì tự nhiên đến thì tự nhiên đi. Cái dấu ấn sau cùng mới là điều đáng nói, để nhiều năm sau câu chuyện về Hà Nội sẽ được bồi đắp thêm một tầng lũy mới. 

Vì đời sống lắng lại, nên âm nhạc về Hà Nội có cơ hội vang lên, trong từng góc khu tập thể cũ, qua từng phên cửa sổ đã không còn phải chịu áp lực tiếng ồn. Và nhất là vang lên trong trí óc người Hà Nội.

Âm nhạc: Giải pháp “cứu đói” tâm hồn

“Hà Nội ơi mắt huyền tha thướt đê mê/ Tóc thề thả gió lê thê/ Cứ tin ngày ấy anh về”.

Không hiểu sao, những ngày này tôi và một vài người bạn lại có chung một sở thích nghe “Hướng về Hà Nội”. Ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Dương cất tiếng trong một ngữ cảnh quá ư kì lạ, làm mở thêm biên độ nghĩa mới cho ca từ. Không phải cuộc chiến dữ dội với trùng vây lửa khói năm xưa nhưng ta vẫn đang trong một cuộc chiến, một kẻ thù vô hình mà nguy hiểm. 

Người Hà Nội nằm ngay trong vòng tay thành phố, nhưng vẫn thao thức nhớ Hà Nội. Và “ngày ấy anh về” mang hàm nghĩa: Được trở lại những ngày yên bình cũ, nhà văn Đào Bá Đoàn trầm tư phân tích.

Những ngày này tôi, mỗi lần đi từ cơ quan về nhà, câu hát “Chợt nhớ ngày ấy, khi em qua phố một chiều...” cứ văng vẳng đâu đây: Lúc này khi đợt rét nàng Bân vừa lướt đến, nghe “Lãng đãng chiều đông Hà Nội (nhạc Phú Quang, thơ Tạ Quốc Chương) – một bài hát không hề có tên Hà Nội trong ca từ nhưng lại làm tôi ngộ ra một kỷ niệm nghĩa là như thế nào. 

Ngày hôm qua chính là kỷ niệm. Từng giây phút ta đang sống chính là đang trở thành kỷ niệm. Không một triết lý nào giúp ta hiểu đời sống này rõ hơn thế. Vì Hà Nội chứng kiến quãng đời đẹp nhất của ta, bao gồm những lúc chênh vênh, rách nát (“Có những lúc tâm hồn tôi rách nát” – thơ Lưu Quang Vũ), chị Mai Dung – Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội tâm sự.

Cũng là một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phú Quang, có ai đó đã mở lên “Anh lang thang một mình trên phố vắng… Ở nơi xa và với bao ngày tháng/ Khoảng xa em giờ đã bao tháng ngày”. Những ca từ này có lẽ không nổi danh bằng “Em ơi Hà Nội phố” hay “Im lặng đêm Hà Nội”, nhưng lại làm nhiều người rùng mình. Vì khúc nhạc ấy xuất hiện quá đúng thời điểm. Ngày nay, được mấy khi Hà Nội thực sự là phố vắng? Internet cũng đâu bù đắp nổi sự cách xa.

Những nỗi buồn riêng trong ý nhạc giờ đây đã được “chuyển hóa” thành nỗi buồn chung, như nhạc sĩ Thanh Tùng đã viết “Bài hát cho em giờ đã hát cho mọi người”. 

Trong những ngày chống dịch, người người vẫn mang nặng nỗi lo vật chất. Cho dù chúng ta thuộc ngành nghề nào đi nữa, Covid-19 đều ít nhiều làm thiệt hại, tác động mạnh mẽ đến câu chuyện “miếng cơm manh áo”.

Nhưng bên cạnh đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng hết sức quan trọng. Giờ đây khi Hà Nội đang là thời “khẩu trang lên ngôi” đã vắng những nụ hôn, ta mới thấy được thi ca và âm nhạc chính là những người bạn chung thủy nhất, khiến gian nhà bớt quạnh quẽ, khiến ta kết nối được với những tâm hồn khác, vượt qua mọi khoảng cách. 

Nên hãy mở nhạc thật nhẹ nhàng vì ô cửa xanh vẫn còn đó. Miễn là ta đừng gây ồn ào cho cộng đồng bởi tiếng nhạc karaoke quá lớn. Giờ đây những trái tim yêu Hà Nội đều đồng điệu, hướng đến một mục tiêu chung: Đánh bại Covid-19 để được trở về với “Hà Nội lúc nào cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè” (Trần Tiến).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ