Hà Nội: Một số trường mầm non vẫn quá tải

Hà Nội: Một số trường mầm non vẫn quá tải

Tại hội nghị, bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội)  cho biết: Trong học kỳ I, cấp học mầm non Hà Nội cơ bản đã thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả nhiệm vụ năm học.

Tốc độ đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia được đặc biệt quan tâm với số trường được công nhận mới và công nhận lại CQG trong năm 2019 là 109 trường, đạt 61,17%, vượt 18% kế hoạch giao.

Tỉ lệ huy động trẻ đi học tăng, đạt 99% với trẻ mẫu giáo và 100% với trẻ 5 tuổi. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên, rút ngắn khoảng cách vùng miền.

Các cấp quản lí có nhiều giải pháp đổi mới quản lí chỉ đạo thực hiện chương trình GDMN ứng dụng phương pháp giáo dục quốc tế, xây dựng môi trường giáo dục sáng, xanh, sạch đẹp, hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm.

Thực hiện chương trình sữa học đường, trường công lập đạt 95,5%, trường tư thục đạt 71,5%, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục đạt 76,1%.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là tuy mạng lưới trường, lớp học ở cấp học mầm non được quan tâm đầu tư xây dựng, bổ sung nhiều, song do quy mô trẻ mầm non tăng nhanh nên tại một số nơi có tỉ lệ trẻ/lớp cao hơn so với Điều lệ trường học. Hiện tượng này tồn tại ở một số quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Tại hội nghị, ý kiến của đại diện lãnh đạo các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã đã nêu những kết quả nổi bật đạt được trong học kỳ I và thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập và thể hiện quyết tâm khắc phục trong học kỳ II năm học 2019-2020.

Phát biểu tại hội nghị, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD&ĐT, các nhà trường tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại, quan tâm rà soát mạng lưới trường học, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, vui chơi cho trẻ.

Các đơn vị chú trọng hơn nữa đến việc thực hiện Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020”, nhất là tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhằm giúp trẻ mầm non, tiểu học có cơ hội nâng cao sức khỏe.

Ngoài ra, các đơn vị cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT; quan tâm đổi mới hình thức, nội dung các hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ; đảm bảo an toàn trường học, vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ