Hà Nội mộc mạc với mọi người…

GD&TĐ - Hà Nội đối với nhiều người già, người trẻ là kỉ niệm về quán trà đá vỉa hè, chiếc điếu cày bên cái ghế bệt.

Tác phẩm “Hanoi By Night” đoạt giải Nhì của Trần Phát.
Tác phẩm “Hanoi By Night” đoạt giải Nhì của Trần Phát.

Hà Nội cũng có thể là ấn tượng tráng lệ, lung linh sắc màu ở Bờ Hồ hay đơn giản là xuýt xoa nhớ về hương vị của bát bún ngan không đâu chuẩn vị hơn…

250 nghệ sĩ trẻ đến từ trong và ngoài nước đã đón nhận và hưởng ứng cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là...”. Cuộc thi do UNESCO và Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) tổ chức với sự đồng hành của nhóm Vietnam Local Artist Group (VLAG). 

Hà Nội vừa mới lại vừa cũ…

Trần Phát với tác phẩm “Hanoi By Night” đã đoạt giải Nhì cùng giải Bình chọn. Tác giả chia sẻ: “Em chưa từng ra Hà Nội. Tất cả những gì em biết về Hà Nội đều qua màn hình vào buổi tối trước khi ngủ.

Bởi ban ngày em đi học và đi làm. Tác phẩm phần lớn là do em theo dõi các bạn, các anh chị trên mạng xã hội và hình dung về Hà Nội theo những câu chuyện của họ. Có thể những gì em thể hiện đây không thực sự Hà Nội thật, nhưng đó là Hà Nội trong em”.

Hà Nội với giải Nhì của Hà Mạnh Hiếu là tên gọi đầy mới lạ: “Đầu óc trên mây”. Hiếu chia sẻ: “Mình chuyển tới sống tại Hà Nội được 4 năm để học và làm việc. Vì vậy có thể nói Hà Nội gắn bó với một phần tuổi trẻ của mình.

Cảm nhận về Hà Nội à? Vừa sầm uất lại vừa yên ắng, vừa mới lại vừa cũ… khó để miêu tả cụ thể. Với mình, Hà Nội là một nơi rộng mở với rất nhiều giá trị và cơ hội để chờ ai có đủ can đảm theo đuổi giấc mơ của bản thân”.

Nói rõ hơn về tên tác phẩm “Đầu óc trên mây”, Hiếu cho biết, ý tưởng này xuất hiện trong đầu cách đây 1 năm. Đó là những ấn tượng trước vẻ đẹp của những khu nhà tập thể cũ. Tác phẩm đoạt giải Nhì này cũng lấy cảm hứng từ bộ phim Howl’s Moving Castle và gần đây nhất là bộ Hà Nội Punk của Tú Na.

Chân thực hơn, giải Nhì của tác giả Tôn Nữ Thị Bích Trâm là bức tranh vẽ về lần gặp ông bà tháng 7/2020. Đó chính là lần được ông bà dẫn đi ăn bún ngan.

Tác giả chia sẻ: Mình đến Hà Nội lần đầu tiên vào dịp Tết năm 1996, khi chưa được hai tuổi, để thăm ông bà ngoại. Từ đó đến nay, mình được đi thêm nhiều lần nữa. Hà Nội đối với mình giản dị như nụ cười của ông bà khi con cháu đến thăm.

Đó là mùi hương cũ kĩ của căn nhà, góc phố, là chiếc bàn - ghế - tủ - kệ - rèm cửa đã trải qua bao tháng năm. Đó cũng là những quán chè nước đơn sơ trên hè phố, là món miến ngan ngon lành đặc trưng mà không thể tìm ở đâu có hương vị giống vậy trong Sài Gòn... Hà Nội - là một nửa tuổi thơ của mình”.

Tác giả Nguyễn Hữu Huyền Trân đã tạo nên tác phẩm “Hà Nội Collage” bằng kĩ thuật tranh cắt dán, không chỉ đơn giản là vẽ từng phần nhỏ và dán lại vào một tờ giấy trắng. Theo tác giả, đó là góp nhặt từng tinh hoa, từ những thứ mộc mạc nhất của Hà Nội và tổng hợp lại để trở thành một tác phẩm lớn.

“Hà Nội là... biết bao hình ảnh đơn sơ, cũ kĩ nhưng in sâu vào tiềm thức của con người Hà thành. Điều làm cho thành phố hoa lệ này luôn có một góc nhìn ấn tượng trong mắt tôi đến từ những thứ đời thường nhất.

Đó là những kiến trúc cổ kính như tháp Bút hồ Gươm, cây cổ thụ ven đường, hay những kiến trúc cổ điển của những khu tập thể, chung cư cũ và nhà ống từ thập niên 70. Đơn giản chỉ là những địa điểm đã nhuốm màu thời gian nhưng lại mang một chất rất Hà Nội” – Huyền Trân chia sẻ.

Tác phẩm “Hà Nội rong” đoạt giải Nhất của Đặng Thái Tuấn.
Tác phẩm “Hà Nội rong” đoạt giải Nhất của Đặng Thái Tuấn.

Những chuyến xe tìm hạnh phúc

Với Ngô Thị Linh Chi đoạt giải tác phẩm nổi bật thì “Hà Nội là hành trình”. Cô gái này đã gắn bó với Hà Nội 6 năm, cũng là khoảng thời gian gắn bó với xe bus. Với Chi, Hà Nội là hành trình đi học, đi làm, đi chơi của mỗi người.

Ở đó, ai nấy đều có cảm xúc khác nhau. Người thì vui vẻ vì sắp được ăn bữa cơm tối cùng gia đình. Có người thì mệt mỏi sau ngày dài làm việc. Đâu đó cũng có người khó chịu vì sự chật hẹp và nóng bức xung quanh…

“Còn tôi mang theo những cung bậc cảm xúc ấy lên những chuyến xe. Những chuyến xe đưa tôi đi học, đi vi vu khắp phố Hà thành và cùng tôi trở về bên mái ấm gia đình. Sẽ thật khó để quên cái cảm giác ngồi bên cạnh cửa sổ ngắm nhìn đường phố Hà Nội lúc tan tầm, đường xe đông đúc.

Sau cùng vẫn muốn gửi lời cảm ơn tới những chuyến xe, đã đưa tôi đi tìm kiếm giấc mơ của chính mình và đưa mọi người từ khắp nẻo đường cùng nhau đi tìm bến bờ hạnh phúc” – Linh Chi chia sẻ.

Độc đáo và ấn tượng, Nguyễn Thị Hương Giang nhớ về Hà Nội với hình ảnh của phố Hàng Mã.

Theo cô gái này, đốt vàng mã không còn là một điều gì xa lạ đối với người Việt, đặc biệt là người Hà Nội. Đây được coi là một cách ứng xử của người còn sống đối với người đã mất. Đó cũng là cách để gắn kết tâm linh giữa sống - chết, âm - dương bằng cách sử dụng những đồ cúng mang ý nghĩa tượng trưng để “gửi” đi.

“Bắt đầu bằng bài báo mình đọc được rằng: Đường phố Hà Nội “đỏ lửa” vì đốt vàng mã. Từ đó mình đã thắc mắc: Liệu những người đã khuất ấy có nhận được những đồ dùng mà dương gian đã đốt hay không? Mình đã vẽ ra bức tranh “Thủ đô vàng mã” với mong muốn, nếu tâm linh có thực thì người mất sẽ nhận được” – tác giả chia sẻ.

Hương Giang cũng cho biết thêm, cô ít có dịp lên Hà Nội, nhưng nơi đây luôn là vẻ đẹp xưa cũ khó tả, trong đó đặc biệt là phong tục đốt vàng mã. “Mong rằng mọi người luôn giữ được vẻ đẹp này, không cực đoan, không tàn phá môi trường... Đơn giản là chút lòng thành gửi đến nơi phương xa để cảm nhận được chút tình thương của người thân đã khuất, mỏng như sương, nhẹ nhàng bao quanh cuộc sống này” – Giang nhấn mạnh.

Và Hà Nội còn là nơi cất giữ kỉ niệm của rất nhiều người. Đó có thể là người đã sinh ra và lớn lên ở đây. Hoặc đơn giản chỉ là những lần ghé qua chớp nhoáng. Thế nhưng, với họ, Hà Nội dù vẫn còn tiếng còi xe tấp nập, những góc phố còn vứt rác chưa đúng nơi quy định… nhưng Hà thành vẫn là nơi để nhớ về.

Như tác giả đoạt giải Nhất - Đặng Thái Tuấn với tác phẩm “Hà Nội rong” thì ngắn gọn: Hà Nội là trải nghiệm cuộc sống giản dị qua từng con phố, tráng lệ đến mộc mạc….

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ