Hà Nội khẩn trương chống bão số 3 đổ bộ

Trước diễn biến của bão số 3 - Thần Sét, TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại.

Hà Nội khẩn trương chống bão số 3 đổ bộ

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Thế Hùng vừa có Công điện khẩn yêu cầu các đơn vị của TP chủ động đối phó cơn bão số 3 (tên quốc tế là Dianmu) hay bão Thần Sét đang tiến sâu vào đất liền.

Bão đang gần bờ, ảnh hưởng diện rộng

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vào hồi 4h sáng ngày 18/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc, 112,2 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Ninh - Thanh Hóa khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12-14.

Ha Noi khan truong chong bao so 3 do bo - Anh 1

Bão số 3 - Thần Sét đang tiến vào đất liền.

Từ chiều nay (18/8) đến hết ngày 20/8, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi cao và ngập lụt ở vùng trũng thấp.

Do ảnh hưởng của bão số 3 nhiều tỉnh thành phía Bắc sẽ có mưa lớn kèm theo gió giật mạnh. Riêng Hà Nội khi bão đổ bộ, ngày 19/8 sẽ có gió cấp 6-7, giật cấp 9-10. Lượng mưa phổ biến 200mm, nguy cơ xảy ra ngập lụt.

Chủ động đối phó bão trên toàn Thủ đô

Để chủ động đối phó với bão số 3, TP Hà Nội yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp .

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện giữ mực nước trên các hồ chứa theo quy trình vận hành công trình. Tăng cường công tác kiểm tra hồ đập, hệ thống tiêu thoát nước trên toàn TP. Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, sẵn sàng lực lượng vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra. Triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, kiểm tra thiết bị, máy móc, chủ động tiêu nước đệm và triển khai phương án tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống úng ngập cho diện tích lúa mùa, cây mầu vụ hè thu và các dự án, công trình.

Sở GTVT phối hợp với Công an hướng dẫn và đảm bảo giao thông, đặc biệt là khu vực nội đô, các đường giao thông huyết mạch và các điểm thường xảy ra úng ngập đã có trong phương án để đảm bảo giao thông.

Sở Xây dựng, lãnh đạo các quận, huyện, các đơn vị quản lý nhà, chủ đầu tư các công trình xây dựng tăng cường kiểm tra các công trình xây dựng, nhà ở, cơ sở sản xuất, các vùng có nguy cơ sạt lở; thực hiện ngay các phương án phòng, chống lụt bão.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thường xuyên kiểm tra an toàn cơ sở vật chất trường lớp, theo dõi diễn biến mưa bão, chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho học sinh khi xảy ra mưa, bão.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức lực lượng kiểm tra các cây đã được khôi phục do bị ảnh hưởng sau cơn bão số 1 để có biện pháp đảm bảo an toàn cho cây phát triển và có kế hoạch tổ chức lực lượng sẵn sàng giải tỏa cây đổ khi có mưa dông lớn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.

Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội kiểm tra hệ thống các cột và đường dây đặc biệt là các cột điện và đường dây đã được khôi phục do ảnh hưởng sau cơn bão số 1, cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng, đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố.

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn an ninh trật tự khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT Thành phố theo quy định.

Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các công việc chủ động đối phó với bão số 3.

Nhất Nam

Theo Người Đưa Tin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.