Hà Nội ghi danh trên bản đồ đường đua công thức 1

GD&TĐ - TP Hà Nội chính thức trở thành thành viên thứ 22 đăng cai giải đua xe F1 vào tháng 4/2020. Đường đua Công thức 1 không chỉ mở ra những cơ hội lớn trong quảng bá, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch mà còn tác động tích cực đến các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế… của Thủ đô và đất nước.

Sơ đồ đường đua công thức 1 Hà Nội - Việt Nam
Sơ đồ đường đua công thức 1 Hà Nội - Việt Nam

Sức hấp dẫn khó tả

Phát biểu tại Lễ công bố giải đua xe công thức 1 Hà Nội - Việt Nam được UBND TP Hà Nội tổ chức tại Hoàng thành Hà Nội tối 7/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Hà Nội đăng cai một giải thể thao mang tầm vóc quốc tế. Giải đua F1 có sức hấp dẫn lớn không chỉ với các vận động viên mà còn với ngành công nghiệp xe hơi, du khách và truyền thông.

Sự kiện thể thao này khẳng định vị thế, năng lực của Việt Nam và sẽ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước. Chính phủ ủng hộ, sẵn sàng hỗ trợ các điều kiện cần thiết để Tập đoàn Formula One triển khai thành công dự án hợp tác tại TP Hà Nội”.

Vài năm trước, công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) ước tính, trong 10 năm tổ chức đua xe F1, Singapore được hưởng lợi tới hai tỷ đô la

Trong số 21 quốc gia đăng cai tổ chức giải công thức 1, có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức cuộc đua công thức 1. Sau hai mùa giải 1976 và 1977, Nhật Bản ngừng tổ chức và trở lại vào năm 1987. Năm quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Macau và Bahrain. 

Singapore. Trong đó, một tỷ đô la là tiền du khách mua sắm trực tiếp khi đi xem đua xe, 1 tỷ còn lại là từ dòng khách du lịch đổ về nhân sự kiện này. Những hình ảnh mang tính biểu tượng của một Singapore nhờ F1 đã được truyền đến hơn 780 triệu lượt người xem trên toàn thế giới.

Sau hai năm tìm hiểu kỹ lưỡng và thực hiện nhiều cuộc khảo sát, đàm phán, ông Chase Carey, Giám đốc Điều hành giải đua F1 đánh giá: Trong quá trình tìm kiếm địa điểm tổ chức, chúng tôi thấy TP Hà Nội hội tụ đủ các điều kiện như năng động, dân số trẻ, đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng. Việt Nam là một trong những quốc gia thú vị nhất thế giới để tổ chức giải đua xe, bởi không chỉ có bề dày lịch sử, văn hóa mà còn có đầy đủ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với giải đua, xứng danh “thành phố điểm đến”.

Chạy nước rút

Bên cạnh những đặc điểm chung, đường đua xe công thức 1 tại Hà Nội (do Tập đoàn Tilke của Đức thiết kế ) có một số điểm khác biệt so với 21 chặng đua trước đây: Đường đua duy nhất trên thế giới được tổ chức một nửa trên đường phố hiện tại, một nửa được xây dựng mới quanh khu Liên hợp Thể thao Mỹ Đình.

Đường đua dài 5,565km với 22 khúc cua. Tốc độ xe đua có thể lên tới hơn 300 km/giờ sẽ không chỉ là thử thách đối với các tay đua mà còn mang đến những màn trình diễn độc đáo.

Theo nhận định của các chuyên gia, đường đua này là một trong những cung đường có tốc độ cao nhất, hứa hẹn sẽ hấp dẫn bậc nhất trong tương lai.

“Chỉ còn 18 tháng để chuẩn bị cho vòng đua F1. Việc tổ chức chặng đua thành công sẽ góp phần quảng bá con người và văn hóa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới. Ngoài ra, sự kiện này sẽ giúp người dân có cơ hội trải nghiệm một môn thể thao hấp dẫn bậc nhất thế giới, tạo cơ hội phát triển và nâng cao cơ hội kinh doanh của các ngành du lịch, dịch vụ, logistics, giải trí...” - ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội bày tỏ sự lạc quan và khẳng định quyết tâm đồng hành cùng các đối tác để tổ chức thành công giải đấu này.

“Chúng tôi đã thống nhất những điều khoản có lợi cho cả 3 phía: Hà Nội - F1 - Tập đoàn Vin Group. Đơn vị tổ chức sẽ chi trả toàn bộ kinh phí cho BTC Formula1 chứ không sử dụng ngân sách từ thành phố. Nguồn thu dự kiến của giải đua này sẽ bao gồm doanh thu từ bán vé, dịch vụ cung cấp cho các đội đua F1, doanh thu quảng cáo và từ nguồn xã hội hóa từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, khẳng định.

Cũng trên tinh thần này, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup (đơn vị được Hà Nội giao quyền tổ chức) chia sẻ: “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận khi mong muốn mang tới cơ hội tiếp cận môn thể thao tốc độ này cho người dân trên cả nước, cũng như quảng bá văn hoá con người Hà Nội và Việt Nam ra thế giới.

Chắc chắn cuộc đua F1 sẽ thu hút khách du lịch, tạo ra cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư... và cũng giúp quảng bá thương hiệu ô tô Việt Nam non trẻ ra toàn thế giới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?