Hà Nội gặp khó khi xây trường tại các khu đô thị

GD&TĐ - Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, công tác xây dựng trường học trong các khu đô thị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng ở một số khu đất để xây dựng nhà trẻ, trường học.

Hà Nội gặp khó khi xây trường tại các khu đô thị

Chiều 24/4, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với 66.376 phòng học, 58.422 nhóm lớp, 1.983.435 học sinh (bình quân 34 học sinh/lớp). Trong đó, công lập 43.911 nhóm lớp, 1.717.416 học sinh (bình quân 39 học sinh/lớp).

Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã xây mới được 194 trường và cải tạo 436 trường (cải tạo, sửa chữa và xây mới 11.211 phòng học), với kinh phí khoảng 14.351 tỷ đồng.

Số lượng trường học xây dựng mới và cải tạo so với Nghị quyết 05 về Quy hoạch mạng lưới trường học từ tháng 7/2012 đến nay, thành phố đã đạt tăng trưởng 75%. Số lượng trường học, phòng học cũng tăng trưởng mạnh so với năm 2012; diện tích sàn/học sinh nhìn chung tăng đều ở các cấp, đạt 9,1m2/học sinh, tăng gấp 3 lần so với năm 2012.

Công tác quản lý, sử dụng và bảo dưỡng thiết bị dạy học, phần lớn đều được các trường thực hiện đúng quy định. Trang thiết bị được đưa vào sử dụng có hiệu quả, phục vụ tốt hoạt động dạy học ở các nhà trường. Các trường thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc sử dụng thiết bị của dạy học của giáo viên cũng như bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ phụ trách thiết bị dạy học.

Từ năm 2016 đến hết 2018, TP đã công nhận mới được 354 trường đạt chuẩn Quốc gia. Các trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2016 đến nay cũng được bổ sung nhiều thiết bị dạy học chất lượng, tiên tiến, hiện đại và đồng bộ.

Đối với công tác xây dựng trường học trong các khu đô thị vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng ở một số khu đất để xây dựng nhà trẻ, trường học. Một số dự án thiếu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung; quỹ đất xây dựng trường tại các khu đô thị chưa được triển khai.

Ghi nhận của Đoàn giám sát cho thấy, cơ bản các đơn vị đều thực hiện theo đúng quy định về công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập. Khó khăn lớn nhất đối với các trường là quỹ đất xây dựng, cải tạo trường, lớp và kinh phí, nguồn ngân sách Nhà nước cho công tác trên.

Việc phát triển các trường học vẫn chưa đồng đều. Ở một số quận, huyện như: Cầu Giấy, Thanh Trì, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định với hơn 60 học sinh/lớp. Nguyên nhân một phần do thiếu cục bộ, một phần do phụ huynh chọn trường điểm.

Đặc biệt, cấp học mầm non, tiểu học khu vực ngoại thành vẫn còn nhiều điểm lẻ, gây khó khăn trong quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học dàn trải. Đáng lưu ý, ở các khu đô thị mới chỉ chú trọng xây dựng trường tư thục; một số khu đất xây dựng nhà trẻ, trường học công lập còn khó khăn trong giải phóng mặt bằng…

Đoàn giám sát đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội thời gian tới tăng cường công tác xã hội hóa; tham mưu cho UBND TP điều chỉnh vấn đề quá tải cục bộ; có giải pháp về tài chính cụ thể mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy và học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ