Hà Nội: Bày bán công khai hàng hóa không rõ nguồn gốc

GD&TĐ - Kiểm tra 4 cửa hàng nằm ở các phố cổ của Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện nhiều món hàng hóa có dấu hiệu vi phạm ngay thời điểm gần Tết Nguyên đán.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm được bán và trữ tại một cửa hàng ngay mặt phố
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm được bán và trữ tại một cửa hàng ngay mặt phố

Luôn phát hiện vi phạm

Những ngày cuối năm, Tổng cục Quản lý Thị trường và lực lượng quản lý thị trường của Hà Nội đã tập trung kiểm tra tình hình vi phạm hàng giả, hàng nhái tại một số cửa hàng thuộc khu vực phố cổ, địa bàn trọng điểm, tập trung buôn bán lâu năm. Tiếp cận 4 cửa hàng nằm ở các phố Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Dầu, Hàng Buồm, lực lượng chức năng đã kiểm tra các mặt hàng quần áo, giầy dép, rượu, bia... và phát hiện các dấu hiệu vi phạm của hàng hóa được bày bán. Trong đó, các vi phạm chủ yếu như thiếu hóa đơn, chứng từ, nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa như không ghi nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Sau khi kiểm kê, xác minh thông tin, tùy mức độ, hình thức vi phạm, lực lượng quản lý thị trường sẽ xử lý theo quy định.

Các cửa hàng ở mặt tiền những phố cổ có nhiều thuận lợi, kinh doanh lâu năm, nhiều khách quen đến mua lẻ, mua buôn. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng tại phố Hàng Đào thường xuyên bày bán những sản phẩm đính nhãn mác các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, nhưng chất lượng và nguồn gốc không rõ ràng.

Một chủ cửa hàng kinh doanh lâu năm trong khu vực này cho biết, phần lớn các mặt hàng được bày bán mang nhãn mác thương hiệu nổi tiếng thế giới là hàng nhái được làm từ Trung Quốc. Tiểu thương nhập về Hà Nội rồi lại bán buôn cho những người kinh doanh nhỏ lẻ ở nhiều địa phương.

Đáng chú ý, mặc dù lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên, nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang vẫn luôn có dấu hiệu vi phạm. Trong khi đó, các cửa hàng bán bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, khi quản lý thị trường kiểm tra thì vẫn có hóa đơn chứng từ của hàng hóa, nhưng vẫn còn một số sản phẩm chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, nguồn gốc không rõ ràng.

Nhiều sản phẩm giày dép bày bán bị kiểm tra
  • Nhiều sản phẩm giày dép bày bán bị kiểm tra

Không có “vùng cấm”

Bộ Công Thương cho biết, không chỉ tập trung vào những đợt cao điểm thời điểm trước Tết Nguyên đán, hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường sẽ tiếp tục đến sau Tết. Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường, Cục Quản lý Thị trường các tỉnh (thành phố) sẽ căn cứ thực tế của địa phương để lập kế hoạch, phương án triển khai phù hợp.

Bên cạnh tăng cường kiểm tra những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng lớn thời gian này, sẽ có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hoá và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh nhằm phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý kịp thời.

Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; cao điểm tập trung kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn đối với những mặt hàng thiết yếu dịp Tết (thực phẩm, bánh kẹo, bột ngọt, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng), các loại hàng hóa giả nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. 

Thêm nữa, Bộ Công Thương cũng khẳng định có sự tăng cường quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, xử lý kiên quyết không có “vùng cấm”.

Gần nhất, Bộ này đã thông tin về việc Cục Quản lý Thị trường tỉnh Nghệ An ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 4 công chức của Đội Quản lý Thị trường số 8 do bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Tổng cục Quản lý Thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý Thị trường tỉnh Nghệ An khẩn trương báo cáo các nội dung liên quan đến vụ việc,nếu phát hiện có hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ sẽ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.

Ngay với lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng khẳng định không có “vùng cấm”, đồng thời trong thực thi kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng được yêu cầu thực hiện phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; Việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, không gây phiền hà, trở ngại và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ