Sức hút từ Hồng Kông
Bên cạnh môi trường sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ số 1 tại Hồng Kông, các trường đại học Hồng Kông cũng thăng tiến nhanh trên các bảng xếp hạng thế giới.
Trong Bảng xếp hạng 200 trường đại học hàng đầu thế giới THE 2016, Hồng Kông có 5 đại diện. ĐH Hồng Kông (HKU) là trường ĐH số 1 Hồng Kông với vị trí thứ 43 trong tốp 200. Đặc biệt, Hồng Kông là vùng lãnh thổ có nhiều đại diện nhất trong tốp 200. Cả 5 đại diện gồm HKU, ĐH Khoa học và Công nghệ, ĐH Trung Quốc, ĐH City và ĐH Bách khoa – đều thăng hạng so với năm ngoái.
Hồng Kông chi 79 tỉ HK$, 18,5%, tổng chi ngân sách, cho giáo dục trong năm tài chính gần đây nhất. Khoảng 1/3 là chi cho sau GD trung học.
Trong thập kỉ qua, các trường đại học Hồng Kông ngày càng dựa nhiều vào nguồn học phí từ du học sinh Trung Quốc đại lục, tuy nhiên khảo sát mới đây cho thấy nhiều du học sinh cảm thấy thành phố này “nước ngoài hơn cả một quốc gia nước ngoài”.
Tránh xu hướng “xung đột”
Khảo sát đối với hơn 50 sinh viên Trung Quốc đại lục đang học tại 4 trường đại học ở Hồng Kông cho thấy họ cảm thấy bị đối xử thiếu thân thiện bởi những người bán hàng khi họ không thể nói tiếng Quảng Đông – ngữ âm được nói tại Hồng Kông và khu vực phía Nam Trung Quốc.
“Một lần mẹ tôi đến Hồng Kông thăm tôi và 2 mẹ con tôi đi mua sắm cùng nhau” – một sinh viên đại lục kể - “Vào thời điểm đó, tôi chưa nói được tiếng Quảng Đông vì thế phải nói tiếng Putonghua (tiếng Trung chuẩn được sử dụng tại hầu khắp Trung Quốc) với người bán hàng trong một trung tâm mua sắm. Tuy nhiên khi tôi còn chưa nói dứt câu thì người bán hàng đã quay lưng đi mất”.
Cũng có thể nguồn cơn phân biệt đối xử đến từ những căng thẳng chính trị sâu hơn. Trong khi người dân và giới trẻ Hồng Kông lo lắng Bắc Kinh sẽ tăng kiểm soát với thành phố tự trị này – và đã xuống đường biểu tình lớn hồi năm 2014, thì sinh viên Trung Quốc đại lục lại nghĩ khác hẳn.
“Khi sống tại đại lục, tôi được dạy rằng Hồng Kông là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Hồng Kông, sinh viên địa phương thường sử dụng “Trung Quốc” thay vì “Trung Quốc đại lục” - một sinh viên Trung Quốc đại lục chia sẻ - “Đối với tôi điều này không thể chấp nhận được bởi Hồng Kông là phần không thể tách rời của Trung Quốc, vì thế tôi và các bạn SV Hồng Kông xung đột về quan điểm”.
Để tránh xu hướng “xung đột” giữa SV Hồng Kông và Trung Quốc đại lục trong tương lai, khảo sát nói trên gợi ý các trường ĐH Hồng Kông kéo dài các khóa học tiếng Quảng Đông lên ít nhất 2 học kì và tổ chức các “hội thảo trao đổi văn hóa” làm cầu nối sinh viên. Trong khi đó, sinh viên Trung Quốc đại lục cần coi trọng tiếng Quảng Đông hơn cũng như tôn trọng khác biệt văn hóa và tư tưởng của người Hồng Kông.