Hà Giang tự hào với Di tích Quốc gia - Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Hà Giang tự hào với Di tích Quốc gia - Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

(GD&TĐ ) - Đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, tỉnh, thành trên cả nước; lãnh đạo các sở, ban, ngành và đông đảo nhân dân địa phương đã tới dự Lễ đón nhận Bằng Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, được UBND tỉnh Hà Giang tổ chức long trọng vào tối 16/9/2012.

Hà Giang tự hào với Di tích Quốc gia - Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ảnh 1
Vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Ảnh:Internet)

Hoàng Su Phì là một trong ba huyện vùng cao núi đất, nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trồng lúa nước trên ruộng bậc thang và canh tác nương rẫy là nghề chính của 60.700 người thuộc 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, lao động sản xuất trên địa bàn. 

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì xuất hiện từ hàng trăm năm trước. Việc làm nương rẫy, canh tác trên những mảnh đất hẹp bìa rừng, ven sông suối không mang lại nhiều thóc gạo và ngô, người dân địa phương đã tìm đến hình thức canh tác ruộng bậc thang trên các sườn đồi. 

Trải qua nhiều thế hệ, con người tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc canh tác cũng như bảo tồn và phát triển ruộng bậc thang từ các khâu lựa chọn đất, khai phá ruộng, làm bờ ruộng, lấy nước tưới tiêu… 

Ngày nay, mỗi năm, ruộng bậc thang đem lại từ 25.000-27.000 tấn thóc; trên 3.000ha đậu tương và hàng nghìn ha ngô, đậu các loại khác làm tăng tổng sản lượng lương thực của địa phương đạt con số từ 37-38.000 tấn. Ruộng bậc thang góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực cho trên 60.000 người dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.

Ruộng bậc thang, một hình thức canh tác mang đặc trưng riêng của đồng bào vùng cao trong khu vực Đông Nam Á. Ruộng bậc thang Hoàng Su phì ở Hà Giang nói riêng hay ở một số địa phương vùng cao phía Bắc Việt Nam nói chung mang ý nghĩa lịch sử, minh chứng rõ nét nhất về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của bà con các dân tộc thiểu số trong vùng.

Giá trị văn hóa của ruộng bậc thang được thể hiện ở kinh nghiệm canh tác, tập quán sản xuất, hình thành các thửa ruộng bậc thang của mỗi dân tộc in đậm những nét đặc trưng khác nhau, tạo nên văn hóa canh tác trên ruộng bậc thang của cộng đồng bà con các dân tộc.

Ruộng bậc thang còn mang lại giá trị cảnh quan mà không phải là kết quả lao động trong một thời gian nhất định là có được. Những thửa ruộng bậc thang là một bức tranh kỳ vĩ, một vẻ đẹp hoang sơ trên nền không gian thiên nhiên hùng vĩ của núi đồi vùng cao. Ruộng bậc thang, một bức tranh thiên nhiên đẹp có giá trị phát triển du lịch bền vững.

Được sự ủy quyền của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Đàm Văn Bông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã trao Bằng Di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cho đại diện lãnh đạo chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì.

Lộc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ