GS Phạm Minh Hạc: Bồi đắp truyền thống tôn sư trọng đạo

GD&TĐ - GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho biết: Từ năm 1982, Chính phủ đã quyết định ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 20/11 hàng năm trở thành ngày “Tết” của đội ngũ nhà giáo. Trong ngày này, phụ huynh, học sinh thường gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo.

GS Phạm Minh Hạc. Ảnh: Minh Phong
GS Phạm Minh Hạc. Ảnh: Minh Phong

Giáo dục Việt Nam đang phát triển

GS Phạm Minh Hạc nhớ lại: “Dịp 20/11/1984, tôi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Phạm Văn Đồng giao chắp bút viết bài diễn văn về Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đúng ngày 20/11, Hội đồng Bộ trưởng có tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Hội trường Ba Đình. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có giao cho tôi đọc bài diễn văn đó.

Đây là vinh dự và là kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên. Bài viết nêu lên tính chất của nhà trường phổ thông. Tức là, trường phổ thông không chỉ dạy văn hóa, kiến thức phổ thông mà còn dạy chữ, dạy người và đi liền với hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh. Phải làm sao để trường ra trường, thầy ra thầy và trò ra trò. Mỗi người thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhà trường phải tổ chức thành nhà trường tử tế”.

Khẳng định Giáo dục Việt Nam rất phát triển, GS Phạm Minh Hạc viện dẫn, giữa thế kỷ 20 (năm 1945), nước ta có khoảng 5% người dân biết chữ và có học; số người học hết tú tài rất ít; nay con số này đã phát triển lên gấp nhiều lần. Có thể nói, từ năm 1945 đến nay, nước ta trải qua nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề về giáo dục. Chúng ta đã phát triển cả về chất và lượng, từ bậc mầm non cho đến đại học.

Điển hình nhất là chất lượng GD-ĐT và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có 4 đại học có tên trong bảng xếp hạng Đại học của The World University Rankings 2020, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Ngoài ra, theo Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (Vương quốc Anh), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong bảng xếp hạng 500 trường đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới. Có thể nói, thành tích của giáo dục có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ thầy cô giáo.

Trên thế giới có 192 nước và vùng lãnh thổ, giáo dục của nước ta đứng ở vị trí trên trung bình. Trong đó đáng chú ý là, số học sinh nữ ngày càng phát triển mạnh. Có nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chúng ta nhưng ở đất nước họ, tỷ trẻ em gái thất học nhiều hơn so với Việt Nam. “Tôi có nói chuyện với nhiều người nước ngoài, họ rất ngạc nhiên và khâm phục tinh thần hiếu học của Việt Nam. Suy cho cùng, đó là lòng yêu nước từ hàng ngàn năm nay của dân tộc ta. Đó không chỉ là niềm vui về sự phát triển mà còn là niềm tự hào dân tộc” - GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

Truyền thống tôn sư trọng đạo ngày càng được bồi đắp. Ảnh: Minh Phong
 Truyền thống tôn sư trọng đạo ngày càng được bồi đắp. Ảnh: Minh Phong

Không để giáo viên thiệt thòi

Theo GS Phạm Minh Hạc, bước vào thế kỷ 21, đứng trước yêu cầu của thời đại mới, giáo dục cũng góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhắc đến tư tưởng, quan điểm mà Đảng ta thực hiện từ mấy thập kỷ qua, đó là: Coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Hơn bao giờ hết, giáo dục càng cần phải được quan tâm sâu sắc.

“Bây giờ nhiều nơi, trường lớp vẫn còn thiếu. Có địa phương sĩ số học sinh lên đến 60 em/lớp. Vì vậy, cần nhìn vào thực tế để giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay. Chúng ta chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, tôi mong rằng, hội nghị sẽ có những quyết sách mới để phát triển giáo dục nước nhà. Trước mắt, chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học, đặc biệt là phải chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới” - GS Phạm Minh Hạc trao đổi.

Cũng theo GS Phạm Minh Hạc, đất nước ta có truyền thống hiếu học và “tôn sư trọng đạo”. Đó là đặc điểm nổi bật của dân tộc ta. Từ xưa, đã có nhiều gia đình dù không khá giả nhưng họ sẵn sàng nuôi thầy đồ để dạy chữ cho con em mình. Truyền thống đó luôn được kế thừa và phát huy bởi các thế hệ nối tiếp nhau. Chẳng thế mà ngay từ 1952, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã quan tâm, phát triển trường đại học sư phạm.

Quay lại với tư tưởng, giáo viên là yếu tố quan trọng trong đổi mới giáo dục, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, việc đổi mới các trường sư phạm, coi trọng các trường sư phạm cần được quan tâm đặc biệt. “Nhân đây tôi tha thiết đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm đến điều kiện sống của thầy cô giáo. Các ngành khác lương và phụ cấp rất cao, nhưng riêng đối với giáo viên thì rất eo hẹp. Một giáo viên THPT mới ra trường thu nhập hơn 3 triệu/tháng. Đó là thực tế! Điều kiện khó khăn thiếu thốn cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng giáo dục” - GS Phạm Minh Hạc trăn trở.

GS Phạm Minh Hạc đề xuất: Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội cần xem xét cụ thể về lao động đặc thù của đội ngũ nhà giáo, không nên để các thầy cô giáo quá thiệt thòi. Làm sao để các thầy, cô giáo được tạo điều kiện tốt nhất có thể. Làm sao để các thầy cô có động lực, đem hết tài năng, trí tuệ để phục vụ sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà. “Giáo dục có phát triển thì đất nước mới phát triển. Giáo dục có phát triển thì đất nước mới văn mình, hiện đại. Giàu có mà không có giáo dục thì nguy hiểm” - GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

“Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ hàng nghìn năm nay. Truyền thống đó ngày càng được bồi đắp và ngày nay được các trường tổ chức lễ mít tinh, kỷ niệm trang trọng ngày “tết” của nhà giáo; các thế hệ học sinh từ mọi miền của Tổ quốc đều thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thầy, cô giáo của mình… Là người trong ngành Giáo dục, chúng tôi thấy rất cảm động, rất vui và rất tự hào” - GS Phạm Minh Hạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ