GS Nguyễn Minh Thuyết: Ba chung phải gắn với điểm sàn

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ba chung phải gắn với điểm sàn

(GD&TĐ) - Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, một khi Bộ GD&ĐT vẫn thực hiện kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án ba chung thì vẫn phải có điểm sàn. Để đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh, Nhà nước có thể điều tiết bằng cách xem điểm đầu vào như một tiêu chí quan trọng để phân tầng các trường ĐH.

GS Nguyễn Minh Thuyết nói: Về lâu về dài, Bộ GD&ĐT nên giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường để họ chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về sản phẩm đào tạo của mình. Tuy nhiên, trước mắt, cụ thể là năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án ba chung thì vẫn phải có điểm sàn. 

Thí sinh thảo luận kết quả sau buổi thi
Thí sinh thảo luận kết quả sau buổi thi

Có lẽ hiện nay Bộ GD&ĐT đang băn khoăn vì nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập và một số trường ĐH, CĐ công lập mới thành lập không hấp dẫn người học nên nguồn tuyển ít, các trường này muốn hạ điểm sàn để lấy được nhiều sinh viên hơn. Thật ra yếu tố đầu vào chỉ quyết định phần nào chất lượng đào tạo nếu chúng ta có điều kiện và phương thức đào tạo tốt như các nước tiên tiến. Nhưng đào tạo như ở nước ta hiện nay, nhất là ở những trường còn thiếu nhiều điều kiện đảm bảo chất lượng thì không thể có chuyện đầu vào kém mà đầu ra tốt được.  Điểm sàn mọi năm khoảng 13 – 15 điểm/3 môn thi, nghĩa là bình quân mỗi môn chỉ khoảng 4 – 5 điểm. Nếu vì các trường khó khăn nguồn tuyển mà hạ xuống nữa để họ lấy đủ chỉ tiêu thì hạ đến tận đâu? 

Thưa giáo sư, nhưng nếu duy trì điểm sàn, các trường ngoài công lập sẽ cho rằng họ bị rơi vào thế yếu khi phải cạnh tranh với các trường công lập trong vấn đề tuyển sinh? 

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ba chung phải gắn với điểm sàn ảnh 2
GS Nguyễn Minh Thuyết

- Không phải trường ngoài công lập nào cũng khó khăn trong việc thu hút thí sinh. Vẫn còn nhiều trường hấp dẫn vì họ có những ngành đào tạo hợp với yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội và chất lượng đào tạo đảm bảo, sinh viên ra trường dễ tìm được việc làm. Ngay từ khi tham gia vào hoạt động đào tạo thì các trường ngoài công lập phải xác định họ bắt đầu một cuộc chơi mà sự tồn tại, phát triển phụ thuộc vào chính họ. Họ phải làm sao để trường mình ngày càng hấp dẫn người học thì mới tồn tại được. Nếu đào tạo mà điều kiện không đảm bảo, trường lớp phải đi thuê, giảng viên cũng phải đi thuê, không có những ngành nghề hợp nhu cầu xã hội, chất lượng đào tạo không cao thì làm sao người ta tin tưởng để theo học? 

Tôi cho rằng những trường chưa hấp dẫn thí sinh, dù công lập hay ngoài công lập, chỉ có cách đổi mới điều kiện, chương trình, phương thức đào tạo để làm sao chất lượng đào tạo đảm bảo ở mức cao nhất. Ngoài ra, các trường có thể học tập các doanh nghiệp, liên kết với nhau thành một trường ĐH bề thế hơn, có tiềm lực mạnh mẽ hơn, để có nhiều người học đến với mình hơn. 

Có ý kiến cho rằng nên mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra, kiểm soát chất lượng bằng chất lượng đầu ra và quy trình đảm bảo chất lượng?

- Được thế thì còn gì bằng! Nhưng ở Việt Nam, cho đến  nay, tôi không tin rằng đầu vào không có ý nghĩa quyết định. Điều kiện, phương thức đào tạo của mình còn kém và phần lớn các trường ĐH của mình không có sự sàng lọc sinh viên. Vào bao nhiêu ra bấy nhiêu! Luận văn tốt nghiệp nào cũng điểm 9 điểm 10, làm sao có chất lượng? Thực tế đã có nhiều đơn vị sử dụng lao động chê sản phẩm của các trường ĐH, CĐ trong nước, đặc biệt là các trường ngoài công lập. 

Nhiều ý kiến cho rằng nói điểm sàn thấp hay cao cũng chỉ là ý kiến chủ quan vì nó phụ thuộc vào mức độ khó dễ của đề. Cũng chưa bao giờ  đề thi được đem ra để đánh giá là tương thích với chương trình học phổ thông ở mức độ nào. Do đó việc đặt ra điểm sàn phải chăng để đánh đố các trường khó khăn nguồn tuyển? 

- Chúng ta cũng có thể bàn về chuyện đề thi, cách thi. Nhưng theo tôi mỗi kỳ thi đều có những yêu cầu của nó, kết quả thi của một thí sinh được đặt trong tương quan chung với các thí sinh cùng thi kỳ thi đó (cùng một chương trình học tập, cùng làm một đề thi). Vì thế trong tình hình cụ thể này tôi cho rằng dựa vào điểm sàn là đúng. Tất nhiên trong thực tế vẫn có chuyện “học tài thi phận” nhưng xét về đại trà thì kết quả thi bao giờ cũng phản ánh được tương quan giữa các thí sinh. 

Những thí sinh nộp bài trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012
Những thí sinh nộp bài trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012

Vậy khi chấp nhận giải pháp điểm sàn thì mình phải dựa vào những nguyên tắc nào để các trường ngoài công lập vẫn có nguồn tuyển dồi dào mà chất lượng đầu vào vẫn đạt đến ngưỡng chấp nhận được, thưa giáo sư?

- Có ý kiến đặt ra và tôi thấy hợp lý, đó là không chấp nhận việc nhiều trường trọng điểm xác định điểm chuẩn quá thấp để tuyển bằng đủ chỉ tiêu. Rõ ràng trường trọng điểm nào cũng hạ điểm chuẩn đến sát sàn thì ảnh hưởng đến các trường khác, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Nhưng chúng ta lại không có căn cứ pháp lý để dùng biện pháp hành chính quy định các trường trọng điểm phải có điểm tuyển cao hơn điểm sàn bao nhiêu. Chỉ có một cách Bộ GD&ĐT có thể thực hiện được là lấy điểm chuẩn tuyển sinh như một tiêu chí quan trọng để phân tầng các trường. Với những trường lấy điểm chuẩn thấp quá, ngang sàn hoặc hơn sàn chút ít thì không thể xếp vào hàng trường trọng điểm quốc gia, theo đó không được nhận ưu đãi của Nhà nước. Có làm thế thì các trường mới phải xác định nhiệm vụ của mình là đào tạo đối tượng nào, từ đó xác định điểm chuẩn phù hợp với vị thế của mình. Nhưng chuyện này phải làm ngay. Cứ bàn rồi để đó thì những trường thiếu nguồn tuyển còn phải chịu bất công trong tuyển sinh dài dài. 

Những trường trọng điểm thường có một số ngành về lâu dài nền kinh tế - xã hội cần nhưng kén thí sinh. Nếu lấy điểm chuẩn cao thì những ngành đó sẽ tuyển được ít thí sinh trong khi đầu tư của nhà nước lại căn cứ vào đầu sinh viên? 

- Đây là chỗ cần có bàn tay điều tiết của Nhà nước. Nhà nước phải đầu tư làm sao để tránh tình trạng các trường trọng điểm hoạt động chưa đúng tầm trọng điểm như hiện nay, nghĩa là vẫn ham tuyển sinh quá nhiều, ham đào tạo tại chức, ham làm những việc lặt vặt. Chúng ta hiểu họ buộc phải làm thế vì dù được tiếng là trọng điểm nhưng đầu tư cho họ chẳng đáng bao nhiêu, đã vậy lại chỉ đầu tư vào cơ sở vật chất chứ không đầu tư cho con người. Có tuyển sinh nhiều thì mới thu được học phí và mới được Nhà nước rót nhiều tiền. Lãnh đạo các trường ĐH cũng phải lo đời sống cho giảng viên, nếu không họ bỏ trường đi hết thì hết cả trọng điểm! Vì vậy, theo tôi, Nhà nước nên tránh đầu tư theo kiểu cào bằng và đầu tư theo định suất sinh viên máy móc. 

Cảm ơn giáo sư!

Từ ngày 02/3, Báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) và Báo Dân trí (dantri.vn) mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”. Các phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên Báo để trao đổi, tranh luận. Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: diemsan2013@gmail.com.

Thư Hiên (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.