(GD&TĐ) - Là nhà khoa học luôn tâm huyết, trăn trở về giáo dục và từng đưa ra nhiều kiến nghị chấn hưng, cải cách giáo dục, GS Hoàng Tụy luôn theo sát những bước đi của ngành Giáo dục. Khi được hỏi về Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT”, ông khẳng định với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại: “Tôi đồng ý với nhận xét của một số thức giả lâu nay thường quan tâm tới giáo dục: Đây là Đề án đổi mới giáo dục tốt nhất từ trước đến nay”.
Giáo sư Hoàng Tụy |
Mở đầu câu chuyện, GS Hoàng Tụy chia sẻ: Giáo dục hiện đang ở trong trạng thái có thể mô tả như một điểm chết của hệ thống. Mắc kẹt vào đó thì không cách gì thoát ra được nếu chỉ bằng biện pháp điều chỉnh, sửa đổi nửa vời. Chỉ có thể thoát ra bằng cách đột phá vào cấu trúc hệ thống, hay nói như trong kinh tế, phải tái cấu trúc, phải sửa ngay từ các lỗi hệ thống, chứ không phải sửa lặt vặt như đã làm lâu nay.
Chỉ với tinh thần ấy mới có thể bàn định rốt ráo việc đổi mới giáo dục. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng, kinh tế đang lâm vào vòng xoáy khủng hoảng, trong đó có phần quan trọng do sự yếu kém của giáo dục, thì nhiệm vụ bức thiết của chúng ta là phải đổi mới mạnh mẽ giáo dục để góp phần chấn hưng kinh tế. Rất may, Đề án lần này đã được xây dựng trên tinh thần tích cực đó.
GS có thể cho biết những điểm nào trong Đề án theo ông có tính chất đột phá?
- Trước hết, Đề án đã nêu trúng và giải quyết đúng những mắc mứu căn bản, mang tính hệ thống của mô hình trường phổ thông Việt Nam hiện nay.
Trên thế giới, ở hầu hết các nước văn minh, cấp học để bảo đảm học vấn phổ thông cơ bản chỉ có 9 năm, tương ứng với THCS của ta. Cấp học tiếp theo (2 hoặc 3 năm tùy nước) rẽ theo hai hướng:
1) Hoặc là trung học nghề để học một nghề lựa chọn, để nếu ra đời ngay thì có thể kiếm sống bằng nghề đó, đồng thời bổ sung học vấn phổ thông để nếu muốn vẫn có thể học tiếp lên cao đẳng hay đại học;
2) Hoặc là THPT với nhiệm vụ dứt khoát chuẩn bị cho ĐH (cho nên chương trình phải phân hóa phù hợp với các chuyên ngành chính ở ĐH). Khác với các nước, trường phổ thông 12 năm của ta tham vọng không thực tế vừa cung cấp học vấn phổ thông trình độ cao vừa chuẩn bị đồng loạt vào ĐH, CĐ.
Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT” là cơ hội để GD có những đột phá |
Do tính chất nửa vời đó mà sinh ra nhiều khó khăn và lãng phí lớn. Hàng năm một số lớn thanh niên tốt nghiệp THPT không qua lọt cánh cửa ĐH, CĐ, đành phải bước vào thị trường lao động mà trong tay không có nghề, dù đã tốn 12 năm đèn sách.
Trong khi đó vì thiếu công nhân lành nghề và kỹ thuật viên trung cấp thông thạo nên công nghiệp phụ trợ không phát triển nổi, sau mấy thập kỷ xây dựng công nghiệp mà cuối cùng chỉ có lắp ráp, xuất khẩu tài nguyên thô thì làm sao giàu được. Tình trạng đó vừa thiệt hại cho xã hội vừa tạo mầm mống bất ổn trong thanh niên.
Mặt khác, tính chất nửa vời như vậy buộc cách dạy ở THPT phải thiên về đồng loạt, ít chú ý đến sở thích, khả năng cá nhân, nên vừa quá tải cho mọi người - do ai cũng phải học kỹ nhiều môn không hợp sở thích và sẽ không cần đến sau này, vừa không đủ để chuẩn bị cho ĐH do mỗi người được học quá ít về những môn sẽ cần đến khi lên ĐH về chuyên ngành sẽ chọn.
Chính vì nội dung học quá tải cho mọi người nên dễ dẫn tới xu hướng học thuộc lòng máy móc, ít chịu khó đào sâu, suy nghĩ, tự học, tự tìm đến tri thức – những đức tính tối cần thiết để cạnh tranh thắng lợi trong thế giới ngày nay.
Cho nên, cải tổ lại hệ thống phổ thông theo hướng như trong Đề án là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Để có học vấn phổ thông cơ bản chỉ cần 9 năm là đủ, sau đó một số lớn học sinh (khoảng 2/3) sẽ vào trung học nghề, chỉ trên dưới 1/3 vào THPT.
Như vậy, sau THCS mỗi người được học sâu những môn ưa thích và không phải học quá kỹ nhiều thứ sau này chẳng bao giờ cần đến. Nhờ đó sẽ không có chuyện quá tải mà theo cách học hiện nay không có cách nào tránh được, năm nào cũng nói giảm tải mà chưa bao giờ ổn.
Thứ hai là chuyện thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH đang là vấn đề thời sự trong xã hội ta. Về nguyên tắc, sau THCS trở đi, mỗi cấp học đều phải đào tạo chuyên (ở mức độ thích hợp) một hoặc một vài ngành nghề hay lĩnh vực. Nội dung đào tạo ở đây vì thế gồm một số học phần phải nắm vững khi ra trường, cho nên học xong học phần nào phải thi ngay, cuối cấp không thi lại nữa. Nói có học có thi là phải hiểu như vậy, chứ không phải học môn gì thì cuối cấp phải thi lại tất.
Cũng giống như trong một nhà máy làm ra một sản phẩm gồm nhiều bộ phận chi tiết riêng rẽ (môđun) ghép lắp lại thì từng môđun phải được kiểm tra kỹ chất lượng ngay khi sản xuất, đến khi lắp ráp để có thành phẩm cuối cùng, nếu có kiểm tra thì chỉ kiểm tra chất lượng lắp ráp, không ai đến khi đó lại lôi từng môđun ra kiểm tra chất lượng lại.
Cho nên học môn nào, học phần nào phải kiểm tra, thi nghiêm túc ngay môn đó, học phần đó, đến cuối cấp không có kiểu thi lại từng môn, từng học phần như thi tốt nghiệp của ta, mà chỉ xét kết quả chung cả quá trình đào tạo (thường là qua các “tín chỉ” hoặc lấy trung bình có hệ số).
Và, nếu cần, phải làm một tiểu luận hoặc qua một kỳ thi nhẹ nhàng, với mục đích chủ yếu kiểm tra trình độ tổng hợp (giống như kiểm tra chất lượng lắp ráp các môđun).
Làm như thế tránh được rủi ro học tài thi phận, tránh được các tiêu cực thường xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp kiểu cũ. Còn tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì tùy từng trường, có thể chỉ căn cứ học bạ ở THPT và kết quả thi THPT, kết hợp với phỏng vấn hoặc cần có thêm thi tuyển sinh riêng của trường ấy.
Như vậy không phải là bỏ thi như một số người hiểu lầm mà là thay kiểu thi tốt nghiệp nặng nề cũ bằng một cách thi khác, hiệu quả và ít tốn kém hơn. Ở Pháp, kỳ thi tú tài số thí sinh ít hơn ta, mà thi cũng nhẹ nhàng hơn ta, thế mà các nhà kinh tế đã ước tính chi phí cả nước lên đến 1,5 tỉ Euro, cho nên mỗi mùa thi với hai kỳ thi liên tiếp như ta ắt phải tốn ít ra hàng chục nghìn tỉ đồng. Thay đổi cách thi như trong Đề án sẽ tiết kiệm công sức và một khoản tiền khá lớn, có thể để dành làm nhiều việc có ích hơn.
Sau cùng, nhưng quan trọng nhất là vấn đề chính sách đối với nhà giáo các cấp. Đề án có lý khi nhấn mạnh vấn đề này. Trong nhiều nét đặc biệt không giống ai của giáo dục VN nổi bật nhất chính là điểm này. Trên danh nghĩa nghề giáo rất được coi trọng, nhưng trên thực tế nghề giáo là một trong những nghề bị rẻ rúng nhất trong xã hội. Tôi đã phát biểu quá nhiều về vấn đề này rồi nên không muốn nói thêm gì nữa.
Chỉ mong sao song song với những đổi mới như trong Đề án thì cơ chế tài chính trong ngành Giáo dục cũng sẽ được cải tiến, các khoản chi tiêu sẽ hợp lý hơn để có thêm phương tiện hỗ trợ cuộc sống của nhà giáo, đảm bảo cho họ có thêm điều kiện toàn tâm toàn ý với nghề.
GS nhận định Đề án là một cuộc cải cách, đột phá về cơ cấu và đổi mới tư duy giáo dục. Vậy GS có nhận xét gì về tính khả thi của Đề án và ông có cho rằng những sự thay đổi mạnh mẽ nêu ra sẽ dễ dàng được chấp nhận?
- Tôi nghĩ Đề án hoàn toàn khả thi vì đây chẳng qua là đưa giáo dục của ta trở lại quỹ đạo chung của thế giới. Người ta đã có kinh nghiệm, không lẽ họ làm được mà ta lại chịu thua. Nếu có khó khăn thì chỉ là khó khăn về tư tưởng chứ không thể có khó khăn về vật chất, vì như đã phân tích ở trên những đổi mới này chỉ có thể giúp tiết kiệm chứ không đòi hỏi chi phí tốn kém.
Mà khó khăn tư tưởng thì chắc chắn khó tránh, vì gì chứ về tính bảo thủ thì dân ta cũng chẳng kém ai đâu! Ngay như việc thay đổi cách thi cử cho nhẹ nhàng, có hiệu quả và ít tốn kém hơn thì cũng không phải ai cũng dễ dàng đồng tình ngay.
Có người phản đối vì hiểu nhầm là bỏ thi nhưng cũng không loại trừ có người chỉ phản đối xuất phát từ những tính toán cá nhân theo lợi ích nhóm. Ngoài ra cũng có tâm lý cầu an của một số cán bộ quản lý luôn ngại thay đổi vì dù thay đổi kiểu gì cũng khó tránh được một số phiền toái nhất định khi khởi động.
Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!
Nếu Đề án được thông qua, sau đó sẽ còn rất nhiều việc cần làm để bảo đảm thành công. Đương nhiên những ai có tâm huyết và tinh thần trách nhiệm sẽ không ngại, vì đây là cơ hội tốt nhất để giáo dục lột xác và lấy lại niềm tin của nhân dân. Giáo sư Hoàng Tụy |
Gia Hân thực hiện