Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục: Cần có thang bảng lương riêng cho nhà giáo

GD&TĐ - Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất lương giáo viên phải cao nhất và cần có thang bảng riêng. Đây là ý kiến được đa số đại biểu đồng tình.

Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục: Cần có thang bảng lương riêng cho nhà giáo

Đề xuất có thang bảng lương riêng

GS Đào Trọng Thi cho biết, chủ trương xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã có từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII từ năm 1996. Nhưng 20 năm qua chúng ta vẫn chưa thực hiện được và ở Nghị quyết T.Ư 29 vừa rồi cũng khẳng định lại quan điểm đó.

GS Đào Trọng Thi cho rằng, công việc của người giáo viên là đào tạo ra con người, có ảnh hưởng lớn đến tương lai đất nước, chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập hiện chưa xứng đáng với vị trí và trách nhiệm được giao.

“Giáo viên hiện nay chỉ đang có thêm phụ cấp giảng dạy. Nhưng lương đảm bảo tính cố định và là niềm tự hào của giáo viên, còn phụ cấp chỉ là một cách cứu trợ, hỗ trợ mà thôi”.

Từ thực tiễn trên, GS Đào Trọng Thi không chỉ đề xuất xếp lương giáo viên phải cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp mà cần có thang bảng riêng cho ngành này bởi đây là một ngành đặc thù.

Theo GS Đào Trọng Thi, nếu nghề khác chỉ cần một trình độ thì nhà giáo phải có nhiều trình độ khác nhau để dạy từng cấp bậc. Ví dụ, giáo viên mầm non phải có bằng từ trung cấp trở lên. Giáo viên dạy THPT phải có bằng đại học. Giảng viên dạy các môn lý thuyết của chương trình đào tạo đại học phải có bằng thạc sĩ. Người có bằng tiến sĩ mới được làm giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án. Do đó, nếu áp dụng thang bảng lương của một chuyên viên đơn thuần hành chính để áp vào đây thì không thành thang bảng lương đặc thù của nhà giáo.

“Việc tăng lương cho nhà giáo là cuộc cách mạng, bởi đây là ý chí của Đảng và của nhân dân, khi Quốc hội đưa vào luật thì Chính phủ sẽ thực hiện” - GS Thi nhấn mạnh.

Đề xuất của GS Đào Trọng Thi cũng là ý kiến được đa số đại biểu tham dự hội nghị đồng tình. Ông Nguyễn Hoàng Quân, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đồng tình với nội dung Dự thảo trong tờ trình của Bộ GD&ĐT về “lương nhà giáo được xếp cao nhất trong trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp”.

Bà Phạm Thị Hồng Nga - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: Ở các nước phát triển, chế độ lương của nhà giáo phải đảm bảo tương xứng các vị trí cống hiến và hiệu quả giảng dạy. Còn ở Việt Nam, lương của giáo viên hiện rất nghèo nàn và hạn chế.

Chính sách ưu đãi nên bình đẳng

Về vấn đề việc miễn học phí cho học sinh THCS, GS Đào Trọng Thi cho rằng, nếu Nhà nước có khả năng đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục thì việc miễn học phí là chủ trương mang tính “cách mạng” bởi phổ cập ngoài việc mang tính chất bắt buộc, còn là nghĩa vụ của gia đình. Tuy nhiên, nếu thu học phí thì gia đình có thể nói không có tiền để đi học.

“Ở các nước, nếu không đi học là vi phạm pháp luật. Muốn thực hiện điều đó, Nhà nước phải miễn học phí. Tôi nghĩ nếu đã phổ cập, nên gắn với miễn học phí” - GS Thi nói.

TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội VN, cho rằng, mục tiêu quan trọng trong đạo luật này là đảm bảo mục tiêu cho mọi đối tượng có cơ hội học tập suốt đời. Nói chung hệ thống pháp luật của ta chưa đảm bảo sự công bằng giữa công lập và dân lập. Cần cơ chế để đảm bảo sự công bằng với người học. Nếu không, người đi học ngoài công lập sẽ không được hưởng bất cứ chính sách gì của Nhà nước.

“Việc cung cấp dịch vụ công về giáo dục, trước hết thuộc về trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước có thể ủy quyền cho tư nhân hoặc kết hợp công - tư. Cái chính là cơ chế tài chính cho các loại hình cung cấp dịch vụ công về giáo dục và cơ chế hỗ trợ tài chính cho đối tượng người học ở mức tối thiểu”, ông Hữu cho biết.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Hiện tại chúng ta có hai loại hình trường ngoài công lập. Đó là trường tư dịch vụ tư, trường này dành cho giới nhà giàu. Thứ hai là trường tư dịch vụ công. Tôi đồng ý không miễn học phí trường tư dịch vụ tư nhưng nếu trường tư dịch vụ công không được sự đầu tư của Nhà nước là không công bằng”.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, hướng đi đúng là chia đều ngân sách trên tổng số học sinh, cho cả những trường tư cung cấp dịch vụ công như trường công lập và Nhà nước sẽ can thiệp về mức học phí.

Còn với những trường tư cung cấp dịch vụ giáo dục cao thì Nhà nước không cần phải đầu tư, học phí là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

“Việc chi bao nhiêu phần trăm ngân sách cho giáo dục thì nhiều nước đã đưa vào luật. Ở nước ta, ngân sách chi cho giáo dục hiện nay khoảng 20%. Tỉ lệ này đã được xác định thì có thể khẳng định được không?” - ông Nguyễn Sĩ Dũng đề xuất.

Về điều này, ông Nguyễn Hoàng Quân, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho hay, ông đồng ý với việc miễn học phí cho cấp THCS. Tuy nhiên, đề xuất chính sách ưu tiên học phí cho học sinh các trường ngoài công lập để đảm bảo tính công bằng của người học.

Bà Phạm Thị Hồng Nga đề nghị nếu ngân sách không thể miễn học phí cho tất cả học sinh phổ thông thì nên miễn học phí cho đối tượng cần phổ cập - bao gồm học sinh tiểu học, THCS và mầm non 5 tuổi. “Đối tượng học sinh là con công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất có thu nhập thấp, không có điều kiện gửi con vào trường công, mà phải gửi con ở nhóm lớp tư thục nhỏ, lẻ. Đối tượng này cũng cần được xem xét hỗ trợ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ