Nhóm nghiên cứu ATAP (Advanced Technology and Projects) là bộ phận của Motorola, được duy trì sau khi Google mua lại. Đây là nơi hỗ trợ các dự án nghiên cứu công nghệ nội bộ của Google nhưng các dự án thuộc ATAP đều có thời gian ngắn hạn, chỉ khoảng 2 năm để chuyển dự án từ mức ý tưởng sang sản phẩm khả thi.
Việc chuyển dự án điện thoại lắp ghép Project Ara ra khỏi nhóm ATAP có thể hiểu là Google đã coi đó là dự án dài hạn. Cùng với động thái đó, Google cũng thông báo chiếc điện thoại lắp ghép Ara dành cho người tiêu dùng đầu tiên sẽ ra mắt vào năm 2017, được xem là chiếc điện thoại đầu tiên Google tự làm phần cứng. Các máy Nexus hiện nay được sản xuất bởi các công ty đối tác như Huawei, LG và HTC.
Hình phiên bản thử nghiệm của điện thoại Ara
Theo trang công nghệ The Verge, điện thoại Ara hiện đã có phiên bản thử nghiệm cho phép người dùng tháo lắp các thành phần cứng như camera, loa giống như mảnh ghép vào khung máy. Thậm chí, bạn có thể ra lệnh "Ok, Google, eject the camera" để máy nhả module camera, khá thú vị. Sản phẩm hiện có 6 khe cắm module – mỗi khe đều có cắm bất kỳ module nào vào bởi chúng được liên kết với nhau qua tiêu chuẩn mở mới được gọi là Unipro có khả năng chuyển 11,9 gigabit dữ liệu theo hai chiều.
Phiên bản Ara dành cho các nhà phát triển dự kiến sẽ ra mắt vào mùa thu năm nay, còn bản thương mại dành cho người tiêu dùng sẽ ra mắt vào năm 2017. Các nhà phát triển ngay từ bây giờ có thể đăng ký phát triển các module cho Ara với Google.
Liệu Ara có phải là smartphone duy nhất dành cho người tiêu dùng của Google hay sẽ còn nhiều mẫu khác nữa? Điện thoại lắp ghép đã là ước mơ từ lâu của nhiều người. Hệ thống phụ kiện "Những người bạn" của LG G5 là bước khởi đầu của điện thoại lắp ghép, song trải nghiệm thực tế chưa gây nhiều ấn tượng. Nhưng nếu Google có thể đưa Ara theo đúng hướng, đây sẽ là bước nhảy lớn trong thị trường smartphone tương lai và là một cách để cạnh tranh hiệu quả với iPhone.