Gồng mình dọn trường sau lũ

GD&TĐ - Sau ngày khai giảng, học sinh, giáo viên nhiều trường tại Hà Tĩnh vẫn không thể tới trường, thay vào đó họ gồng mình chống lũ. Khi nước dâng cao, trường lớp ngập nặng, giáo viên lội nước đến “giữ trường”. Chờ mưa ngớt, nước rút, giáo viên lại thành “lao công” đến dọn rửa sạch sẽ, chào đón học sinh trở lại trường.

Trường Mầm non Hà Linh bị ngập nặng trong mưa lũ
Trường Mầm non Hà Linh bị ngập nặng trong mưa lũ

Trăn trở, lo lắng cho hoạt động dạy học, sinh hoạt tập thể, giáo viên mất ăn, mất ngủ… canh ngày, canh giờ chờ trời ngừng mưa để học sinh của mình đến trường như bao bè bạn.

Lội nước “giữ trường”

Tháng 9 mùa khai giảng, đó là thời điểm để giáo viên, học sinh hội tụ, đón chào năm học mới. Đây cũng là mùa vào thu, mùa của những cơn mưa nặng hạt, miền Trung đón những cơn bão, lũ lụt. Hà Tĩnh cũng vậy, liên tiếp mấy ngày qua mưa lớn kéo dài kèm theo hàng loạt thủy điện xả lũ, khiến các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang ngập lụt nặng; vùng hạ du Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà cũng chịu ảnh hưởng. Hàng nghìn nhà dân chìm trong biển nước. Tại nhiều trường học, nước dâng cao tới hơn 1m. Mọi sinh hoạt, học tập tại nhiều ngôi trường miền núi Hương Khê hoàn toàn bị ngừng trệ.

Khi nước lũ dâng cao, giáo viên ở vùng lũ Hương Khê lội nước đến “giữ trường”. Và chỉ khi thấy tài sản của trường đang được an toàn, lúc đó họ mới lội nước trở về nhà. Trường ngập lụt, ngày hội đón học sinh tới trường không thể thực hiện. Nhiều cô giáo đã khóc vì lo lắng, một nỗi niềm không trọn vẹn. Sáng 5/9, trong khi các trường học trên cả nước rộn ràng tổ chức lễ khai giảng thì 61 trường học ở Hương Khê phải gác niềm vui chào đón năm học mới 2019 – 2020 do ngập lũ. Tính đến ngày 6/9, có ít nhất 10 trường học trên địa bàn huyện phải di dời tài sản để tránh ngập lụt.

Phụ huynh, học sinh Trường Tiểu học Trung Lộc (Can Lộc) tập trung dọn vệ sinh sau mưa lũ
Phụ huynh, học sinh Trường Tiểu học Trung Lộc (Can Lộc) tập trung dọn vệ sinh sau mưa lũ 

Con đường dẫn tới Trường Mầm non Hà Linh (xã Hà Linh, huyện Hương Khê) vẫn ngập nước. Tứ phía ngôi trường nước lũ còn “bao vây”. Nhận định, không thể tổ chức ngày khai giảng, nhóm 4 cô giáo trường này đã vượt sông đến kiểm tra trường, chỉ khi thấy trường còn “bình yên” lúc đó mới trở về nhà. “Chúng tôi lo lắng, không thể chợp mắt mới gọi điện rủ nhau lội nước đến xem trường thế nào. Sợ cái bàn kê chưa cao, nước cuốn đi, đồ dùng học sinh lỡ rơi xuống nước hỏng thì không biết lấy gì dạy học cho các em. Dòng nước chảy xiết, nhưng nhóm chúng tôi vẫn nắm tay nhau giữ thăng bằng, lội bộ đến” - cô giáo Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, toàn tỉnh có hơn 300 trường học không thể tiến hành khai giảng do mưa lũ, trong đó có khoảng 60% trường học bị ngập lụt, tập trung nhiều ở các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc, TP Hà Tĩnh. 

Nhắc tới chuyện không thể tổ chức khai giảng đúng ngày 5/9, nét mặt các cô thoáng buồn. “Trường Mầm non Hà Linh thì năm nào cũng ngập lụt; Giáo viên đã quen rồi nhưng đây là năm đầu tiên không thể tổ chức ngày khai giảng”, cô Ngô Thị Phương Thúy tâm sự.

Cô Thúy cũng cho biết: “Khi thấy mưa lớn, thủy điện Hố Hô xả lũ, giáo viên tập trung đến trường đưa bàn ghế lên cao, đóng thùng hết những vật dụng dạy học. Xác định mưa lũ có thể kéo dài 1 tuần nên các giáo viên đã chuẩn bị tâm lý hoạt động dạy học sẽ lùi lại một thời gian. Hết lũ sẽ dồn sức mình đến trường dọn dẹp, khai giảng năm học mới”.

Thầy Dương Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Hài (Hương Khê) tiếc nuối: “Công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng đã đầy đủ, cô trò đã “lên cót” đâu vào đấy, thế mà tối mồng 4/9 mưa xối xả, nước tràn về ngập luôn cả trường, vậy là phải ngừng luôn lễ khai giảng đón năm học mới”. Cũng theo thầy Việt, hiện có 200 học sinh của trường đang nằm trong diện có nhà bị ngập sâu trong nước. Thứ Hai tới đây không biết các em đã có thể tới lớp hay chưa. Nhà trường vẫn luôn giữ liên lạc với phụ huynh các em.

Lãnh đạo Trường Mầm non Phương Mỹ cũng tâm sự: “Lũ đến, giáo viên cố gắng di dời tài sản lên nơi an toàn, tránh bị ngập nước, đồ dùng hư hỏng. Năm nào mưa lũ đến, cơ sở vật chất trường lớp cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Giờ chỉ chờ nước rút, huy động phụ huynh, giáo viên đến dọn vệ sinh, kịp thời gian đón chào các em tới trường”.

Theo ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, lần này, thay vì tới trường để dự lễ khai giảng, thầy cô ở các trường nằm trong “tâm lũ” thay nhau trực và di dời tài sản. “Đến sáng 6/9, Hương Khê có 12 trường bị ngập, 27 trường bị cô lập, nhiều tuyến đường chia cắt nên việc dạy và học ở 61 trường với 26 ngàn học sinh trên địa bàn toàn huyện vẫn chưa thể triển khai”.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho hay: “Trước và trong mùa lũ, tập trung phương án bảo vệ cơ sở vật chất, sách giáo khoa, thiết bị dạy học. Sau lũ phải khẩn trương khắc phục để sớm đi vào dạy học. Ngành sẽ có các hoạt động phù hợp để động viên thầy trò và các nhà trường nhân dịp năm học mới”.

Đến trường… dọn rửa

Sáng 6/9, Hà Tĩnh trời hửng nắng, nước lũ bắt đầu rút, Trường Tiểu học Trung Lộc (Can Lộc) huy động hàng trăm phụ huynh, giáo viên đến dọn bùn non, rác, lau chùi bàn ghế để đón học sinh trở lại. Từ sáng sớm, phụ huynh mang theo chổi, thau chậu, cuốc xẻng đến trường cùng giáo viên dọn dẹp khi nước bắt đầu rút. Với phương châm nước rút tới đâu dọn tới đó, thậm chí nước lũ còn đọng lại ở sân, lớp thì dùng thau, chổi hất nước ra ngoài.

Trước đó một ngày, khi nước lũ còn mấp mé phòng, các cô giáo đã đến đem những đồ dùng nào bẩn ra lau chùi, giặt sạch. Nước lũ rút, đông đảo phụ huynh, giáo viên dùng chổi, giẻ lau kì cọ, tẩy sạch các vết bẩn rồi dùng xô, chậu xách nước vào xối sạch phòng học, bàn ghế, hành lang. “Mấy ngày mưa lớn, nhà cũng bị nước vào, đồ đạc còn bề bộn nhưng khi nhận thông báo từ lãnh đạo trường, tôi vui vẻ về trường ngay. Ai cũng muốn các phòng học sạch sẽ để học sinh quay trở lại trường sớm nhất” – cô Nguyễn Thanh Tâm cho hay.

Cô Đồng Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 14 lớp, 397 học sinh. Khi nước lũ trên thượng nguồn đổ về, trường chịu ảnh hưởng lớn do nằm ở vùng đất thấp. “Đây là điểm trường đầu tiên tại huyện Can Lộc bị nước lũ tràn vào. Sở dĩ bị ngập sớm và kéo dài bởi trường nằm cạnh đập tràn, bị kẹp giữa hai lạch nước, độ thoát nước xung quanh kém nên bị ngập sâu, đỉnh ngập cao nhất ở sân trường hơn 50cm” – cô Hà nói.

Theo cô Hà, trước đó để chuẩn bị cho lễ khai giảng, nhà trường đã 3 lần xin dời địa điểm nhưng đến chiều 4/9 buộc phải thông báo hoãn không khai giảng cùng với 10 xã khác trong huyện.

Ông Mai Trung, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lộc chia sẻ: “Ngay trong đêm, chúng tôi cùng nhà trường thống nhất huy động phụ huynh đến để dọn dẹp, lau rửa đất bùn với phương châm nước rút đến đâu rửa sạch đến đó. 5 giờ sáng, tất cả các thôn đồng loạt thông báo trên loa truyền thanh, đài truyền thanh xã cũng thông báo nhiều lần để phụ huynh biết và sáng 6/9 đã có trên 200 phụ huynh đến tham gia lao động”.

Sáng ngày 6/9, Hà Tĩnh vẫn còn 187 trường với hơn 71 ngàn học sinh từ bậc mầm non đến THPT vẫn chưa triển khai được các hoạt động dạy học, sinh hoạt tập thể sau khai giảng. Vì vậy, việc dạy và học ở các nhà trường sẽ tiếp tục trở lại khi đã đảm bảo đủ điều kiện an toàn để đón học sinh. Các trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch dạy bù để đảm bảo chương trình năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ