Gợi ý đáp án môn Ngữ văn khối D (đề thi ĐH 2011)

Gợi ý đáp án môn Ngữ văn khối D (đề thi ĐH 2011)

(GD&TĐ)-Báo Giáo dục & Thời đại Online giới thiệu hướng dẫn giải đề thi ĐH môn Ngữ Văn khối D do các thầy cô trung tâm hocmai.vn thực hiện. Đáp án này chỉ có tính chất tham khảo. Đáp án chính thức sẽ được Bộ GD&ĐT công bố sau mỗi đợt thi.

 PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu I (2,0 điểm)

- Bài thơ Việt Bắc đậm đà tính dân tộc, được thể hiện qua những phương tiện nghệ thuật cụ thể:

    +  Thể thơ lục bát là thể thơ quen thuộc của dân tộc, đã được sử dụng thành công.

    +  Kết cấu đối đáp thường thấy trong ca dao, dân ca truyền thống, được dùng một cách sáng tạo để diễn tả nội dung, tình cảm phong phú về quê hương, con người, Tổ quốc và Cách mạng.

    + Cặp đại từ nhân xưng “mình – ta” quen thuộc trong ca dao, dân ca được sử dụng biến hoá linh hoạt và những sắc thái ngữ nghĩa biểu cảm phong phú vốn có của nó được khai thác rất hiệu quả.

    +  Những biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng… quen thuộc của quần chúng được dùng nhuần nhuyễn.

    + Những cách nói, lối nói gần gũi với văn học dân gian cũng được vận dụng sáng tạo: "Mình về mình có nhớ ta", "nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu" ...

    + Ngôn ngữ thơ bình dị, gần gũi với lời ăn, tiếng nói hàng ngày của nhân dân nhưng được chắt lọc, sử dụng linh hoạt nên giàu tính biểu cảm tạo hiệu quả nghệ thuật cao.

- Những phương tiện đó góp phần đắc lực giúp diễn tả tình cảm gắn bó thiết tha, nghĩa tình sâu nặng, nỗi nhớ thương lưu luyến cả những băn khoăn, trăn trở của kẻ ở - người đi, của đồng bào Việt Bắc với cán bộ cách mạng.

Câu II.(3,0 điểm)

a. Giải thích vấn đề:

- Câu nói khuyên ta không nên chỉ chạy theo những danh hiệu, sự hâm mộ của người khác mà phải chú trọng vào những công việc thiết thực, mang lại lợi ích cho cá nhân và cộng đồng.

- Vấn đề câu nói đặt ra ở đây là việc xác định mục đích, động cơ cho các hành động, việc làm của mỗi cá nhân và lớn hơn là việc xác định mục đích, thái độ sống của mỗi người.

b. Bàn luận vấn đề:

- Tại sao không nên "cố gắng trở thành người nổi tiếng":

+ Nổi tiếng, thực chất chỉ là những danh hiệu, sự hâm mộ, những lời ngợi khen về một phẩm chất, một thành quả, một đặc điểm nào đó của bản thân trong một thời điểm cụ thể. Như vậy, nếu mọi hành động và việc làm của ta đều nhằm mục đích muốn được người khác ngợi khen, hâm mộ, nhằm đạt được danh hiệu nào đó trong cuộc sống, rất có thể chúng ta chỉ chạy theo những thứ hư danh hão huyền mà bỏ qua những cái thiết thực, những sự thật khách quan.

+ Chạy theo sự nổi tiếng một cách mù quáng dễ dẫn con người đến lối sống phù phiếm, giả dối.

+ Tuy nhiên, từ một phương diện khác, nếu khao khát sự nổi tiếng với ước vọng được lưu danh trong lịch sử, muốn ghi lại dấu ấn cá nhân mình trong cuộc sống, muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa cho cá nhân và cộng đồng thì lại rất đáng khuyến khích.

- Tại sao "trước hết" cần phải "là người có ích".

+ Người có ích là người có những hành động thiết thực mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

+ Người có ích luôn luôn được mọi người yêu mến, tin cậy và luôn cảm thấy hạnh phúc khi giúp ích được cho mọi người.

+ Trở thành người có ích cũng chính là bước đi đầu tiên để trở thành "người nổi tiếng". Bạn chỉ được mọi người biết đến, yêu mến, khâm phục, ngưỡng mộ khi có những hành động, việc làm giúp ích cho mọi người, cho cộng đồng xã hội.

c. Bài học nhận thức và hành động

- Xác định đúng đắn mục đích của các hành động, việc làm, không chạy theo những danh hiệu phù phiếm, không thực chất.

- Phải cố gắng học tập, lao động với mục đích trở thành người có ích cho bản thân và cộng đồng, xác định thái độ sống vì mọi người, không ích kỉ, cá nhân.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)


Câu III. a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề

- Thạch Lam (1910-1942) là cây bút chủ chốt trong Tự lực văn đoàn nhưng những tác phẩm của ông lại mang những nét phong cách khác biệt so với nhiều nhà văn lãng mạn khác. Là một người đôn hậu, điềm đạm và rất đỗi tinh tế, ông có sở trường sáng tác những loại truyện không có cốt truyện, khai thác thế giới nội tâm nhân vật. Mỗi truyện ngắn như một bài thơ trữ tình đượm buồn.

- Hai đứa trẻ rút từ tập Nắng trong vườn (1938) là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn.

2. Phân tích

* Nhận định chung: Giống như nhiều tác phẩm khác của Thạch Lam, Hai đứa trẻ là một truyện ngắn không có cốt truyện đặc biệt. Truyện chỉ xoay quanh một buổi tối chờ tàu của chị em Liên và cuộc sống của cư dân phố huyện nghèo. Cái hấp dẫn của thiên truyện nằm ở nghệ thuật của nhà văn: một truyện ngắn tựa như "một bài thơ trữ tình" và nằm ở tấm lòng của nhà văn với những kiếp người nhỏ bé, cơ cực với cảm xúc bao trùm là một tâm trạng "đượm buồn".

a. Bức tranh phố huyện

- Bức tranh thiên nhiên: một bức tranh êm ả, yên bình về làng quê khi chiều buông xuống. Nhưng bức tranh ấy cũng gợi lên những sự tàn tạ, u buồn từ ánh sáng, đường nét, màu sắc và âm thanh của cảnh vật.

- Cảnh chợ tàn: hình ảnh hiện thực về một làng quê nghèo được hiện lên sinh động qua phiên chợ tàn với những vỏ bưởi, vỏ thị, rác rưởi khắp nơi hòa cùng mùi nồng nực sau một ngày hè oi ả.

- Bức tranh đời sống con người: Những đứa trẻ xóm chợ nghèo, chị Tý, gia đình bác xẩm, cụ Thi, bác phở Siêu - những cư dân phố huyện- lần lượt hiện lên trước mắt Liên hình ảnh về một cuộc sống buồn tẻ, nhàm chán, nghèo khó, tăm tối, tù đọng.

b. Tâm trạng của Liên

- Liên là một cô gái mới lớn có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, giàu lòng nhân hậu. Nhất là cô bé có một quá khứ tươi đẹp được sống một cuộc sống sung túc ở thành phố. Bức tranh phố huyện được nhìn qua đôi mắt, tâm hồn Liên vừa thể hiện rõ cái nghèo nàn, tăm tối lại vừa xót thương.

- Trước khung cảnh buổi chiều quê, cái khoảnh khắc của ngày tàn, Liên thấy lòng buồn man mác.

- Cảnh chợ tàn với cái mùi nồng nực bốc lên không gợi lên sự khó chịu mà ngược lại, mang ấn tượng cho Liên về một mùi "quen thuộc lắm" "như là mùi riêng của đất". Đó là tình cảm gắn bó với quê hương.

- Trước những cảnh đời nghèo khó, lam lũ ở phố huyện, Liên bày tỏ sự xót thương, thông cảm:

+ Thương lũ trẻ con nhà nghèo nơi xóm chợ đang phải tìm mót trong đống rác rưởi người ta để lại, thương đứa bé con nhà hát xẩm lê la trên đất, thương con chị Tí còn nhỏ mà phải theo mẹ vật lộn trong cuộc mưu sinh.

+ Cụ Thi "điên" khiến Liên sợ hãi song chị đã quen thuộc lắm nên khi nghe cụ cất giọng bất ngờ từ phía sau, Liên cũng không cần quay lại vội.

- Càng sống trong cảnh đời tù đọng, tăm tối, Liên lại càng nhớ về quá khứ tươi đẹp với tuổi thơ được sống ở Hà Nội. Hà Nội với Liên chỉ là nhứng món quà lạ miệng và "một vùng sáng rực và lấp lánh". Cái quá khứ ấy thôi thúc Liên vượt thoát khỏi hiện tại ngột ngạt nơi phố huyện nghèo.

- Tâm trạng chờ đón, mong mỏi đoàn tàu mỗi đêm chạy qua phố huyện thể hiện khao khát đổi đời, thay đổi cuộc sống thực tại và ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn.

- Nhưng niềm vui nhỏ bé ấy cũng nhanh chóng vụt qua, Liên cảm thấy buồn hơn khi trở về với hiện tại. Cô thấy mình như "sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết, như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ."

c. Đặc sắc nghệ thuật

- Kiểu truyện không có cốt truyện độc đáo mà đi sâu vào những cảm xúc mơ hồ, tinh tế của thế giới nội tâm nhân vật.

- Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật với những cảm xúc, cảm giác mơ hồ mong manh.

- Nhà văn trực tiếp bộc lộ cảm xúc, niềm xót xa, thương cảm và sự nâng niu trân trọng những ước mơ bình dị và khao khát đổi thay của những kiếp người cơ cực, nhỏ bé trong phố huyện nghèo.

- Thủ pháp đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, thế giới ước mơ ngập tràn ánh sáng, âm thanh rộn rã với cuộc sống thực tại tăm tối, tĩnh lặng, và tù đọng ...

- Giọng điệu riêng với lối kể chuyện thủ thỉ, tâm tình thấm đượm chất thơ, nhất là những trang miêu tả thiên nhiên và tâm trạng con người.

3. Đánh giá

Hai đứa trẻ là tác phẩm thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của Thạch Lam đồng thời vừa có giá trị hiện thực lại vừa thể hiện những tư tưởng nhân đạo mới mẻ và sâu sắc của nhà văn.

Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ

- Chế Lan Viên (1920-1989) là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới trước Cách mạng với những vần thơ "kì dị" và một nỗi u buồn, giá lạnh, bế tắc trước cuộc đời không lối thoát. Sau Cách mạng, tư tưởng nhà văn thực hiện cuộc hành trình từ "thung lũng đau thương" ra "cánh đồng vui", hòa nhập với cuộc đời mới, với kháng chiến, với dân tộc. Thơ Chế Lan Viên thường giàu trí tuệ, mang đậm chất suy tưởng, triết lí.

- Tiếng hát con tàu, trích trong tập Ánh sáng và phù sa (1960) được viết nhân đợt vận động nhân dân miền xuôi lên vùng Tây Bắc xây dựng kinh tế mới. Bài thơ thể hiện khát vọng hòa nhập với nhân dân, ước vọng được trở về với cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật và trên hết là một tình yêu nước sôi nổi, thiết tha.

- Đoạn thơ trích là nằm ở giữa bài thơ, thể hiện suy tưởng, triết lí về Đất nước, nhân dân và về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với nhân dân, với cuộc sống lớn của Đất nước.

2. Phân tích

a. Chất suy tưởng, triết lí

Sau tiếng gọi giục giã lên đường, nhà thơ hồi tưởng về cuộc kháng chiến mười năm gian khổ mà vĩ đại hào hùng, suy tư về mối quan hệ giữa nghệ sĩ với nhân dân, về cội nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

- Khổ thơ thứ nhất:  

+ Ngợi ca cuộc kháng chiến vĩ đại, không chỉ mang lại thắng lợi vẻ vang, giải phóng quê hương mà cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ còn làm sáng tỏ một chân lí: đó là vai trò to lớn của nhân dân. Chân lí ấy tựa ánh sáng của ngọn lửa vĩnh cửu "nghìn năm sau còn đủ sức soi đường" cho các thế hệ tiếp bước đi lên.

+ Khẳng định mối quan hệ của nhà thơ - người nghệ sĩ với đất nước. Đó là mối quan hệ máu thịt như tình mẫu tử. Mỗi đứa con của dân tộc đều đang trong cuộc hành trình về với "Mẹ yêu thương", đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của trái tim về với ngọn nguồn cách mạng.

- Khổ  thơ thứ hai:

Mối quan hệ gắn bó khăng khít và niềm vui say bất tuyệt của nhà thơ khi được về với biển lớn nhân dân, tìm về với mạch nguồn cảm xúc dạt dào bất tận.

b. Nghệ thuật sáng tạo hình ảnh độc đáo

- Hình ảnh ngọn lửa: một hình ảnh so sánh ấn tượng. Cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ tựa như ngọn lửa sáng soi trong đêm trường nô lệ để chỉ ra cho đất nước, cho nhân dân con đường giải phóng. Nó cũng chiếu tỏ một sự thật lịch sử về sức mạnh kì diệu của nhân dân.

- Hình ảnh Mẹ yêu thương: là một hình ảnh ẩn dụ cho Tổ quốc, nhân dân. Đó là mạch nguồn lớn nhất, dạt dào, bao la bất tận để các nhà thơ, văn nghệ sĩ khai thác, thể hiện, ngợi ca. Chính cuộc sống lớn của nhân dân, đất nước cung cấp nguồn dưỡng chất ngọt ngào, mang đến cho nghệ sĩ nguồn đề tài, cảm hứng sáng tạo nghệ thuật vô tận tựa như hình ảnh người mẹ bao dung, chở che nuôi dưỡng đứa con thơ. Cách gọi Mẹ yêu thương còn thể hiện sự yêu mến thiết tha, tình thương và sự thiêng liêng trong mối quan hệ giữa mỗi cá nhân và đất nước.

- Hệ thống các hình ảnh so sánh: Cuộc gặp gỡ đầy xúc động của nhà thơ với biển lớn nhân dân được so sánh bằng một hệ thống các hình ảnh vô cùng sống động: "nai về suối cũ; cỏ đón giêng hai; chim én gặp mùa; trẻ thơ đói lòng gặp sữa; chiếc nôi ngừng gặp cánh tay đưa."

3. Đánh giá

Đoạn thơ ngắn nhưng thể hiện những suy tưởng, triết lí rất sâu sắc về cuộc kháng chiến, về đất nước, nhân dân và mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với biển lớn nhân dân - nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Một lần nữa, người đọc thấy được nét đặc trưng trong phong cách thơ Chế Lan Viên ở chất trí tuệ, màu sắc triết lí và khả năng sáng tạo những hình ảnh nghệ thuật độc đáo, sâu sắc của nhà thơ.


Giáo viên : Tổ Ngữ văn Hocmai.vn

TIN LIÊN QUAN
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.