Cơ hội của tôi, hỗ trợ của bạn, lợi ích của chúng ta
Fund-raising (gọi vốn đầu tư) là khái niệm thường được sử dụng trong kinh doanh, khi các start-up kêu gọi nhà đầu tư rót vốn cho doanh nghiệp của mình.
Tuy nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể fund-raising, kêu gọi hỗ trợ tài chính từ cộng đồng để thực hiện các mục tiêu cá nhân, mỗi khi “đói” kinh phí.
Lương Mạnh Hà (năm thứ thứ ba, trường ĐH Ngoại thương) thường xuyên ứng tuyển tham gia các chương trình hội thảo, giao lưu cho thanh niên, được tổ chức ở nước ngoài.
Do có sự chuẩn bị chu đáo, cộng thêm chút may mắn, tên Hà thường xuất hiện trong danh sách ứng viên trúng tuyển. Thế nhưng, ngay cả khi mọi chuyện đã gần như nắm chắc trong tay thì chuyến đi vẫn bị gác lại.
Hà kể: “Có những chương trình, mình được đài thọ toàn bộ chi phí song cũng có nhiều chương trình, ban tổ chức chỉ lo chi phí ăn ở, đi lại còn tiền vé máy bay thì ứng viên phải tự lo. Với sinh viên, lo được chi phí vé máy bay để “xuất ngoại” không phải chuyện dễ.
Đầu năm nay, mình đã từng apply và trúng tuyển hai chương trình ASEAN Youth Forum (tổ chức tại Malaysia), Asian Youth Energy Summit (tổ chức tại Singapore). Thế nhưng, cũng vì không lo được chi phí máy bay nên mình đành phải bỏ cuộc”.
Vừa qua, Hà đã vượt qua rất nhiều ứng viên để được lựa chọn là đại biểu duy nhất của Việt Nam tham dự “Great Silk Way Youth Camp 2014”, diễn ra vào cuối tháng Tám.
Nhưng đi kèm với tin vui, vẫn là nỗi lo tài chính. Hà cho biết, Ban Tổ chức sẽ hoàn lại 80% tiền vé máy bay và phí xin visa cho các đại biểu tham gia, còn chi phí ăn ở, đi lại sẽ được đài thọ toàn bộ.
Tuy nhiên, địa điểm diễn ra chương trình là thủ đô Baku của Azerbaijan thuộc Đông Âu, chỉ tính riêng vé máy bay khứ hồi loại rẻ nhất đã khoảng 1.200 đôla, cộng với 100 đôla phí visa.
Vì vậy, gom được số tiền khá lớn này để “ứng tạm”, trước khi nhận được 80% hoàn lại của Ban Tổ chức là một bài toán khó.
“Có bạn bảo, mình nên xin tiền bố mẹ nhưng mình hiểu hoàn cảnh gia đình và không muốn bố mẹ phải lo khoản chi phí đó. Mình cũng từng nghĩ đến việc bỏ cuộc nhưng nhớ đến những ngày vất vả chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ, nhớ đến cảm giác vỡ òa khi nhận được e-mail của Ban Tổ chức thông báo trúng tuyển, mình thấy tiếc”, Hà nói.
Được sự động viên, khích lệ của bạn bè, chàng trai trẻ quyết định sẽ thực hiện fund-raising cho chuyến đi lần này. Hà chia thành nhiều hình thức hỗ trợ, với các mức tiền khác nhau (100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng).
Các “nhà tài trợ” cũng sẽ được hưởng các quyền lợi tương xứng: Nhận e-book một bộ sưu tập tài liệu học tiếng Anh, bao gồm tài liệu ôn thi IELTS, TOEFL, GMAT (22 GB); một bộ sưu tập phim HD (hơn 300 GB) gồm nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển, “bom tấn”…
Hà từng đạt 7.5 IELTS, trong đó, điểm writing là 8.0 nên nếu “nhà tài trợ” có yêu cầu, Hà sẽ giúp chữa essay (bài luận) khi các bạn học Writing để thi IELTS.
Hà cũng nhấn mạnh, trong trường hợp không thể tham gia chương trình này vì bất cứ lý do nào, bạn sẽ gửi lại các “nhà tài trợ” toàn bộ số tiền nhận được.
Chỉ sau vài ngày đăng tải thông tin “gọi vốn” trên Facebook, ghi chú “My Opportunity, Your Support, Our Benefits” (“Cơ hội của tôi, hỗ trợ của bạn, lợi ích của chúng ta”) của Hà nhận được hàng trăm lượt “thích” và hàng chục lượt “chia sẻ”.
Nhiều bạn bè, người quen đã chuyển khoản cho cậu những số tiền nho nhỏ. Cộng thêm một khoản vay mượn từ người quen, Hà đã có đủ tiền để thực hiện chuyến đi như mong muốn.
Giúp bước chân trở nên thần tốc
Năm trước, Đặng Thị Kim Oanh (24 tuổi, cựu sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội) là một trong số 9 cá nhân trúng tuyển tham gia chuyến đi xuyên Việt, nằm trong dự án ICHA (do một nhóm du học sinh Việt Nam ở Mỹ, Singapore… khởi xướng và tổ chức).
Trước đó, Oanh đã từng đặt chân tới nhiều vùng đất nhưng Oanh nhận ra, đây là một chuyến đi đặc biệt, là hành trình giải đáp những câu hỏi đầy ý nghĩa: “Tôi đến từ đâu?”; “Tôi là ai?” và “Tại sao tôi tồn tại trên thế giới này?”, nên Oanh không muốn bỏ lỡ nó.
“Dự án có xin được một số kinh phí để hỗ trợ các thành viên tham gia. Tuy nhiên, để chúng mình cảm nhận việc trúng tuyển không phải là một giải thưởng du lịch, mà đây là một chuyến đi do chính những thành viên trong đó xây dựng, Ban Tổ chức vẫn yêu cầu chúng mình phải tự gây quỹ và kiếm tiền để thực hiện chuyến đi”, Oanh chia sẻ. Từ một vài gợi ý của Ban Tổ chức, Oanh bắt đầu nghĩ ra “chiêu trò” để gọi vốn.
Những dòng chữ này nhanh chóng xuất hiện trên Facebook của Oanh: “ICHA là hành trình trải nghiệm xuyên Việt của mình, Hè này, có thể mình sẽ thực hiện những điều mà trước đây mình chưa từng làm.
Mình có hơn một tháng để chuẩn bị, gần một tháng để trải nghiệm và những ngày sau đó sẽ thực hiện chuỗi hoạt động ảnh hưởng đến cộng đồng.
Ước mơ nào không phải trả giá? Nên các bạn trả giá để giúp ước mơ trong năm nay của mình thành hiện thực nhé! Mỗi sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ của các bạn sẽ giúp bước chân của mình “thần tốc” và ý nghĩa hơn”.
Các “nhà tài trợ” có thể tùy tâm đóng góp, chuyển khoản số tiền bất kỳ để ủng hộ chuyến đi này của Oanh.
Quyền lợi của “nhà tài trợ” là mỗi khi số tiền ủng hộ chạm đến một mốc nhất định, ví dụ 500.000 đồng, 1 triệu đồng thì họ sẽ được yêu cầu Oanh thực hiện một hành động vui vẻ hoặc “điên rồ” nào đó.
Để các “nhà tài trợ” yên tâm, Oanh cam đoan 100% số tiền mọi người quyên góp sẽ được chuyển tới quỹ dành cho dự án, để chi trả cho tất cả những họat động của dự án. Danh sách số tiền quyên góp được sẽ được cập nhật định kỳ trên Facebook cá nhân của Oanh.
Dần dần, tài khoản của Oanh bắt đầu nhận được những khoản hỗ trợ nho nhỏ của bạn bè, người thân. Sau một tháng gây quỹ, chuẩn bị tài chính, Oanh đã có “vốn” để bắt đầu hành trình xuyên Việt.
“Chuyến đi ấy rất thành công, mình có được khá nhiều trải nghiệm thú vị. Một phần của những thành công ấy chính là sự ủng hộ của mọi người đã tạo điểm tựa để mình thuận lợi ngay từ khi xuất phát”, Oanh chia sẻ.