(GD&TĐ) - Dịp 30/4, lớp 11G, tôi dạy và chủ nhiệm cách đây 25 năm tổ chức họp mặt, gặp gỡ các thầy cô chủ nhiệm. Địa điểm gặp mặt ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên (nơi tôi dạy ngày xưa). 10 năm trong nghề dạy học, bao biến đổi thăng trầm, bao thế hệ học sinh trưởng thành, gặp gỡ và chia xa... bỗng dần dần sống dậy trong ký ức tôi.
Hình ảnh về ngôi trường mái ngói ở ven đồi phi lao, vắng vẻ với con đường đi gập ghềnh, xuyên qua nhà dân mọc lô nhô, với những thửa ruộng lúa xanh tươi bỗng hiện lên trong ký ức tôi.
Tôi chưa hình dung lớp 11G gồm có những gương mặt nào. Chỉ biết được rằng, khóa học sinh ấy, chỉ kém tôi 5 - 6 tuổi, thậm chí 7 tuổi là cùng.
Ảnh minh họa/internet |
Trước đó 3 tuần, em Huệ, lớp trưởng gọi điện cho tôi, giọng reo vui: “Em tìm mãi mới có số điện thoại của cô. Cô ơi, năm nay là năm đầu tiên lớp tổ chức hoành tráng, chu đáo bài bản để mời các thầy cô chủ nhiệm lớp 3 năm học về dự họp lớp. Em rất mong cô bớt chút thời gian trở về dự tham gia với lớp. Đã hơn 20 năm, chúng em nhớ cô lắm, rất mong cô dẫu bận cũng bớt chút thời gian trở về với chúng em...” Tôi thực sự xúc động bởi cuộc điện thoại của Huệ. Nói đúng ra, qua điện thoại, tôi không nhớ nổi gương mặt em như thế nào... Chỉ biết rằng, đó là một giọng nói dễ thương, chân tình và đáng yêu - giọng nói mang tính đặc trưng của học sinh có những nghĩa cử ân tình và tri ân đối với thầy cô giáo cũ.
Công việc trôi qua, trước 30/4 ba ngày, Huệ lại gọi lại cho tôi, để tôi không quên... Tôi trả lời ậm ừ, rằng sẽ về với các em, nếu như không có việc gì đột xuất bất khả kháng.
Huệ nói, giọng rối rít: “Cô nhớ đấy nhé, cả thầy Thanh, cô Lịch cũng dự. Vui lắm, cô ơi... Em và các bạn mong cô trở về với chúng em...”
Tối 29, do làm việc khuya, mải mê bên máy vi tính, nhìn đồng hồ, đã gần 2 giờ sáng. Tôi tranh thủ đi nghỉ. Rồi ngủ quên mất. Tỉnh dậy, đã muộn, thấy nhiều cuộc gọi nhỡ, rồi những tin nhắn của Huệ và học sinh...
Mệt quá, tôi gọi Huệ và định từ chối cuộc gặp gỡ như đã hẹn. Nhưng, giọng Huệ thoáng buồn, thất vọng: “Cô lên với chúng em... Mọi người đang có mặt đợi cô. Thầy Thanh từ Thái Nguyên lên rồi. Mọi người đều biết cô sẽ đi từ Hà Nội lên, nên đến đông lắm. Các bạn muốn gặp cô lắm, cô ạ...”
Tôi quyết định dậy lên đường, và sau 4 giờ đồng hồ, cả đợi xe, tôi có mặt ở Đại Từ lúc hơn 12 giờ trưa.
Phải nói là sau những mệt nhọc chờ đợi trên đường đi, được gặp lại các em, tôi coi đây là phần thưởng xứng đáng dành cho mình, trước sự chờ đợi vui mừng của các em.
Những gương mặt sạm nắng, những đuôi mắt chân chim, những bàn tay đầy vết chai... đang ngồi cạnh tôi. Bỏ lại đằng sau những nhọc nhằn mưu sinh, bỏ lại đằng sau những mối lo cơm áo còn rất nhiều khó khăn với các em tôi, những học trò một thưở bên tôi, ríu ran ríu rít như những ngày nào... Đây rồi, một em Nguyệt hay nhè khi bị cô giáo bắt viết bản kiểm điểm vì mắc lỗi, một em Vân, thợ ảnh của lớp, một em Huệ năng động xăng sái như thưở nào, rồi em Dũng, cậu bé không chịu già đi trước ngưỡng của 40 – trẻ trung và ân tình chu đáo như những ngày nào...
Chuyện vui buồn, quá khứ được đan chen vào câu chuyện của hôm nay...
Các em đã đi qua những tháng năm cũ, để có ngày hôm nay. Mà không phải ai cũng thuận lợi và may mắn trọng cuộc đời...
Tôi đến đây. Để lắng nghe và chia sẻ cùng các em, hay ít ra để thấy rằng, mình còn hạnh phúc rất nhiều so với nhiều đồng nghiệp của mình, để biết rằng, ở một nơi xa vắng, có các em đang chờ đợi.
Không chỉ những món ăn, quà đặc sản, cùng chuyến đi chơi... Cuộc gặp gỡ này là cuộc tri ân của tấm lòng đến với tấm lòng, cuộc đời đến với cuộc đời...
Vậy mà chút nữa, tôi đã không đến. Vì mệt mỏi hay vì ngại đường xa... Nhưng, trong cuộc sống này, thiếu đi sự tri ân và sự mong mỏi của những ánh mắt, tấm lòng học trò... thì hạnh phúc của giáo viên đã qua thời giảng dạy sẽ là thiếu khuyết. Và nhất là, trong cuộc sống bề bộn này, nếu mải mê với cơm áo gạo tiền, mà lãng quên đi những tình cảm chân thành, dung dị và những thương nhớ ngày xưa... thì cuộc sống của mỗi cá nhân đơn điệu tẻ nhạt biết chừng nào.
Tôi vô cùng biết ơn các em vì điều đó.
Sa Mộc