Xe buýt trường học: Làm gì để an toàn?

GD&TĐ - Gần đây, an toàn cho con trẻ trong các chuyến xe đi đến trường là vấn đề đặc biệt quan tâm không chỉ đối với nhà trường mà cả các bậc phụ huynh. “Làm thế nào để bảo đảm sự an toàn cho trẻ?” là câu hỏi được đặt lên hàng đầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự việc Trường Gateway (Hà Nội) khiến mọi người chưa hết bàng hoàng thì mới đây, vụ bé trai 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón của một trường mầm non tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh như một báo động đỏ đối với các trường học có xe đưa đón học sinh. Chúng ta cần “siết” lại quy trình đưa đón HS của các nhà trường. Nếu không có quy định cụ thể, đây là lỗ hổng quá lớn có thể lại xảy ra trường hợp tiếp theo.

Hiện nay, các nhà trường đều có thể áp dụng công nghệ 4.0 vào phương tiện xe đưa đón cao cấp để bảo vệ sự an toàn về sức khoẻ và tính mạng cho HS. Bên cạnh việc kiểm soát, theo dõi HS được áp dụng bằng công nghệ hiện đại, có tương tác trực tiếp với phụ huynh, trên xe đưa đón luôn bố trí người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách HS, hướng dẫn, nhắc nhở HS thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe.

Bên cạnh việc giáo dục HS chăm ngoan, học tốt, trường học phải thực sự là nơi an toàn cho trẻ. Nhà trường cần quan tâm, sát sao, tuyệt đối tránh các vụ việc xâm hại cố ý, kể cả thể chất hay tinh thần. Cần chú trọng vấn đề đạo đức nhà giáo và thực thi các quy định thực sự chặt chẽ và nghiêm minh.

Bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục năm học 2019 - 2020. Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Bộ GTVT để ban hành văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng thoát hiểm, gặp nguy hiểm trên xe ô tô, cũng như các kỹ năng cơ bản để ứng phó với tình huống khẩn cấp…

Thực tế, sau những sự việc xảy ra, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức các buổi ngoại khóa cho HS, trong đó có kỹ năng thoát hiểm trên xe ô tô. Nhiều phụ huynh lại đi tìm lớp kỹ năng sống cho con. Tuy nhiên, theo TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội “việc rèn luyện kỹ năng phải được thực hiện hàng ngày hàng giờ”.

Không thể “mất bò mới lo làm chuồng”. Với mọi trường hợp có thể xảy ra, các con cần được trang bị những kiến thức xử lý tình huống từ cơ bản đến nâng cao, tạo sự ổn định tâm lý và kịp thời phản ứng với các sự cố. Việc làm tốt công tác quản lý HS, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và phối hợp chặt chẽ với gia đình là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Nhà trường phải là nơi giáo dục, môi trường an toàn cho thế hệ tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ, không chỉ bằng quy trình, quy định mà cao hơn hết là bằng trách nhiệm và tình thương yêu của các thầy cô giáo. Việc “siết chặt” mọi quy định chỉ là giải pháp trong từng thời điểm. Vấn đề quan trọng là xây dựng môi trường GD dựa trên nền tảng đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật bền vững, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để trẻ em được an toàn, từ gia đình đến nhà trường và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ