Tết tràn ngập yêu thương từ ánh mắt, nụ cười của ông cụ "người dưng"

GD&TĐ - Hạnh phúc từ ánh mắt, từ nụ cười của một ông cụ khắc khổ đã mang lại không khí Tết sớm cho vợ chồng tôi. Yêu thương lắm Tết à.

Tết tràn ngập yêu thương từ ánh mắt, nụ cười của ông cụ "người dưng"

Xuân về, đất trời như bừng tỉnh sau một giấc ngủ mùa đông lạnh giá. Những cánh én chao lượn nghiêng mình trên bầu trời như những vũ công chuyên nghiệp đang biểu diễn trên một sân khấu rực rỡ. 

Những chồi non chúm chím trên cây như những chiếc đèn ngủ xinh xinh. Đứng trên ban công, nhìn xuống dòng người đang tấp nập mua bán dưới những con phố tôi thấy lòng hân hoan hạnh phúc.

Mặc dù đã có nhà riêng trên thành phố nhưng năm nào cũng vậy, cứ 28 tết là hai vợ chồng tôi lại thu xếp công việc để về quê đón tết cùng những người thân yêu.

Đường về quê nhộn nhịp. Hai bên đường, tiếng người bán quất bán đào đon đả mời chào. Tiếng người mua gà ồn ào không kém, tất cả đều tạo nên một bầu không khí náo nhiệt của ngày Tết.

Chồng tôi ngồi bên cạnh miệng huýt sáo không ngừng, tôi và anh mới cưới nhau được 2 năm, chúng tôi vẫn đang kế hoạch cho việc sinh con. Chúng tôi gần nhà nhau nên tiện lợi cho việc qua lại giữa gia đình hai bên nội ngoại.

Khung cảnh làng quê yên bình đã hiện ra trước mắt, tôi và anh reo lên sung sướng. Đi qua một quán tạp hóa nằm sát đường liên xã, tôi vội vàng bảo anh dừng xe. Mấy đứa em nhà tôi chúng rất thích ăn món bánh đa ở đây.

Nhớ hồi trước khi vẫn là sinh viên, mỗi lần về nhà là bọn nó bắt tôi phải đèo chúng bằng chiếc xe đạp cà tàng để đi mua cho bằng được. Thời gian trôi đi nhanh thật, chúng đã lớn nhưng mỗi khi tôi về vẫn cứ nhõng nhẽo như ngày nào.

Tôi bước vào quán, nhanh chóng tôi đã chọn được vài chiếc bánh đa và đứng đợi thanh toán. Trước tôi là một cụ già cũng đang đợi tính tiền. Tiếng bà bán hàng thánh thót:

“Của cụ hết bảy mươi tư nghìn ạ”.

Đôi bàn tay nhăn nheo rám nắng, có chút run run cụ lấy trong túi áo ra một chiếc túi nilong được gấp thành hình vuông bằng bàn tay. Thường ở quê các cụ hay có thói quen cất tiền trong những chiếc túi kiểu như vậy.

Thế nhưng chiếc túi trắng được cụ kiềng bằng dây chun khá cẩn thận khiến tôi nhìn không rời mắt. Phải khó khăn lắm cụ mới cởi được 2 chiếc dây ra. Cụ bắt đầu đếm tiền, toàn những đồng tiền lẻ một nghìn, hai nhìn, thỉnh thoảng mới có tờ năm nghìn và mười nghìn. Bà bán hàng khá điềm tĩnh bảo cụ cứ từ từ mà đếm.

Khuôn mặt cụ bắt đầu hiện rõ sự buồn bã:

“Cô ơi, của tôi có năm mươi tám nghìn thôi”

Tiếng bà bán hàng dịu xuống:

“Cụ thông cảm, con bán hàng hộ nên nếu cụ không có đủ tiền thì cụ đổi gói kẹo khác giúp con ạ”.

Nhìn ánh mắt vô hồn của cụ nhìn vào hai gói mứt sen và mứt lạc trên bàn thanh toán làm tôi thấy nghẹn ngào. Tôi vội vàng đưa bà bán hàng số tiền còn thiếu của cụ.

Cụ cảm ơn tôi và nở một nụ cười đã móm mém.

“Cụ đứng đợi con một lát nha” – Tôi nói.

Tôi chọn thêm mấy hộp kẹo và một thùng sữa nữa, xong xuôi tôi tính tiền và bảo cụ:

“Nhà cụ gần đây không con đưa cụ về ạ”.

Giọng điềm tĩnh cụ bảo:

“Nhà tôi cách đây cũng tầm 2 km cô ạ”.

“Vậy cụ lên xe đi về cùng con, chứ cụ đã có tuổi thì bao giờ mới về nhà được ạ” – Tôi nói.

Khuôn mặt cụ rạng rỡ, cụ lên xe và chỉ đường cho chúng tôi. Chiếc xe đỗ trước sân một ngôi nhà khá đơn sơ. Tôi mang thùng sữa và mấy gói kẹo vừa mua vào nhà cho cụ. Cụ rót ấm nước chè rồi mời vợ chồng tôi uống.

“Cụ ở đây một mình ạ?".

“Bà nhà tôi mất đã lâu, tôi ở đây một mình thôi cô chú. Nhà tôi được hai đứa con gái, chúng đều đi lấy chồng xa lắm. Hoàn cảnh cũng khó khăn, thỉnh thoảng mới về thăm tôi được lần thôi".

Nhìn căn nhà trống hoác, cảm giác như một cơn gió thoảng qua có thể cuốn phăng được mọi thứ. Một chiếc giường, một chiếc đài nhỏ là tất cả những gì đáng giá nhất trong ngôi nhà đó. Tôi bỗng thấy rưng rưng.

Cụ rón rén đi từng bước chậm chạp lại bên chiếc bàn thờ nhỏ. Để hai gói mứt mới mua vào một chiếc đĩa, thắp một nén hương cụ chắp tay trước di ảnh của bà và nói:

“Bà ơi, ngày Tết đã về rồi. Bà có nhớ không, ngày xưa bà thích ăn mứt sen và mứt lạc nhất, hôm nay tôi mua cho bà rồi đây".

Tôi và chồng ngậm ngùi nhìn nhau, ngay khi ở quán tôi đã thắc mắc trong đầu tại sao ông lại chọn gói mứt lạc trong khi răng ông đã yếu không thể ăn được. Giờ thì câu hỏi của tôi đã có hồi đáp...

Để thay đổi không khí, chồng tôi bắt đầu cởi mở và hỏi chuyện cụ rất nhiều. Cụ vui vẻ kể chuyện ngày xưa tình yêu của ông dành cho bà thế nào. Chồng tôi khá hào hứng, thỉnh thoảng lại tếu táo trêu cụ vài câu. Cụ thích thú đôi lúc cười khanh khách.

Trời về trưa đã nắng, chúng tôi xin phép cụ ra về. Một sự tiếc nuối hụt hẫng hiện rõ trong cụ:

“Lâu lắm rồi hôm nay tôi mới vui như thế này đấy. Cảm ơn cô chú đã mua quà lại còn dành thời gian nghe ông cụ này luyên thuyên nữa”.

Nhìn ánh mắt buồn đã mờ đục của cụ dõi theo chiếc xe mà chúng tôi cảm thấy lòng buồn man mác.

Đi qua một con đường, nhìn thấy mấy người bán đào liên tục gọi mời. Tôi xuống xe chọn lấy một cây và mua thêm một cặp bánh chưng của bà bán hàng gần đó đang vẫy gọi. Tôi bảo chồng quay lại phía nhà ông cụ lúc trước.

Chồng mỉm cười nhìn tôi, có lẽ suy nghĩ của anh và tôi đang giống nhau. Anh và tôi khi còn là sinh viên đã tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện nên luôn mong muốn giúp đỡ mọi người. Hạnh phúc của chúng tôi là nhìn thấy niềm vui từ họ.

Quay lại nhà cụ, chồng tôi nhanh chóng cầm cành đào và cặp bánh chưng bước vào nhà rồi gọi to:

“Cụ ơi, vợ chồng con chúc Tết cụ ạ”.

“Ôi, cô chú sao lại làm thế. Tôi ngại lắm”.

“Cụ nhận đi ạ. Thấy cụ vui là chúng con mừng rồi".

Vợ chồng tôi đưa quà rồi hẹn sẽ xông đất và “lì xì” cho cụ vào ngày đầu năm. Cụ nghẹn ngào sung sướng ôm chầm lấy hai vợ chồng tôi.

Lên xe, chồng tôi cứ hát đi hát lại vài câu ca quen thuộc “Xuân ơi Xuân Xuân đã về, có nỗi vui nào như mùa Xuân sang…”. Lòng tôi thấy nhẹ nhàng và yên bình hơn bao giờ hết.

Hạnh phúc từ ánh mắt, từ nụ cười của một ông cụ khắc khổ đã mang lại không khí Tết sớm cho vợ chồng tôi. Yêu thương lắm Tết à.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.