Sao phải lấy tiền ngân sách trả thay nhà thầu?

GD&TĐ - Ủy ban Thường vụ Quốc hội dù thống nhất cao việc phải có trách nhiệm với các hộ dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, tuy nhiên không đồng ý với đề xuất dùng nguồn trái phiếu Chính phủ để bồi thường. Đây là quyết định rất đúng đắn, hợp lý được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

Sao phải lấy tiền ngân sách trả thay nhà thầu làm nứt nhà dân trong quá trình thi công dự án?
Sao phải lấy tiền ngân sách trả thay nhà thầu làm nứt nhà dân trong quá trình thi công dự án?

Có thể khẳng định rằng thời gian qua, việc quản lý, chi tiêu ngân sách ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt nên đã làm thất thoát, lãng phí ngân sách số tiền rất lớn. Một trong những nguyên nhân phải kể đến đầu tiên là việc tùy tiện dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các công trình, dự án thua lỗ, đội vốn.

Cách thức dùng tiền ngân sách trong trường hợp này khá giống nhau. Đó là dù thông qua đấu thầu với giá trúng thấp nhưng khi triển khai một thời gian thì... xin bổ sung, điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Điều đáng nói là nguyên tắc kinh doanh, đầu tư là lời ăn, lỗ chịu nhưng rất nhiều dự án, công trình nhà thầu tư nhân, doanh nghiệp vẫn được Nhà nước bỏ tiền ra để... bù lỗ, tăng vốn!

Chính vì quá “dễ dãi” trong việc tăng vốn, bổ sung vốn cho các công trình, dự án kém hiệu quả mà ngân sách thất thoát, lãng phí số tiền rất lớn làm cho người dân rất bức xúc, bất bình. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng bội chi ngân sách, trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm lợi ích, “sân sau” lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Trên thực tế đa số công trình, dự án đội vốn, tăng vốn là do năng lực quản lý, thi công của nhà đầu tư, nhà thầu yếu kém hoặc do tiêu cực, tham nhũng. Riêng vì nguyên nhân khách quan như do thời tiết, chênh lệch giá cả... tuy cũng có nhưng rất ít.

Do đó, việc lấy ngân sách bù lỗ cho việc quản lý, điều hành yếu kém của các nhà đầu tư, nhà thầu là bất hợp lý, thậm chí vi phạm nguyên tắc quản lý ngân sách, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh minh bạch, công bằng.

Trường hợp trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước thì cần phải làm rõ để xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật. Đặc biệt nếu có vụ lợi, tiêu cực hoặc cố ý làm trái thì cơ quan, cá nhân có liên quan phải bồi thường bằng chính tiền túi mình.

Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần cương quyết, tuyệt đối không “chiều” theo yêu cầu của nhà đầu tư, nhà thầu mà tùy tiện trích ngân sách chi trả cho các công trình, dự án thua lỗ, đội vốn. Điều này không những tạo ra tiền lệ xấu, thiếu công bằng, minh bạch trong hoạt động đầu tư, kinh doanh mà còn xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tiền thuế của người dân./.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ