Ông Hải rút đơn xin từ chức là hoàn toàn bình thường

GD&TĐ - Xung quanh vụ việc ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận I TP.HCM nộp đơn, rồi rút đơn xin từ chức khiến dư luận bàn tán, lời ra, tiếng vào mấy ngày qua. Việc ông Hải nộp đơn xin từ chức sau đó rút đơn là chuyện bình thường của nền hành chính, công vụ.

Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, thời điểm trước khi nộp đơn xin từ chức. Ảnh: Dân trí
Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, thời điểm trước khi nộp đơn xin từ chức. Ảnh: Dân trí

Nhiều ý kiến thông cảm, chia sẽ với ông Hải khi rút đơn nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng ông Hải không hoàn thành nhiệm vụ nên nghỉ, nói không đi đôi với làm, “chém gió”...

Qua báo chí ông Hải cho biết sau khi gửi đơn xin từ chức vào đầu năm thì đã nhận được nhiều sự động viên, an ủi, kỳ vọng và sự thuyết phục của các cấp lãnh đạo. Ông đã suy nghĩ kỹ và mong muốn được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng TP.HCM, sẵn sàng làm việc ở những nơi khó khăn, nguy hiểm và nhận bất kỳ nhiệm vụ nào được phân công...

Từ đó, có thể thấy rằng mặc dù ông Hải không thực hiện được cam kết về dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trong năm 2017 như đã hứa ban đầu nhưng lãnh đạo TP.HCM đã nhận thấy được sự nỗ lực, cống hiến và nhiệt huyết của ông Hải.

Việc không thực hiện được cam kết có nhiều lý do, khách quan và chủ quan. Thậm chí, ngay từ khi ông Hải tuyên bố chấn chỉnh vỉa hè, lòng đường nhiều người dự đoán là ông sẽ thất bại, vì giải quyết vấn đề này không hề đơn giản!

Do đó, lãnh đạo TP.HCM đã động viên ông ở lại, theo như trình bày của ông Hải khi rút đơn. Đáng chú ý ngày 16/3/2018, ít lâu sau khi ông Hải có đơn từ chức thì TP.HCM đã thay đổi nhân sự ở vị trí người đứng đầu cấp ủy quận 1. Có thể không liên quan đến quyết định từ chức của ông Hải nhưng đây là động thái mà dư luận cần lưu tâm, khi biết rằng trong đơn từ chức ông Hải có đề cập đến việc muốn làm được việc này phải “có sự vào cuộc đồng lòng của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị”.

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc ông Hải nộp đơn, rồi rút đơn xin từ chức là chuyện hoàn toàn bình thường. Có thể khẳng định rằng nếu không có sự động viên, thuyết phục của lãnh đạo TP đề nghị ở lại thì ông Hải đã được giải quyết cho từ chức từ rất lâu rồi! Bởi vì, từ khi ông Hải gửi đơn từ chức đến nay đã hơn 5 tháng.

Văn hóa từ chức đã có từ lâu và thành thông lệ ở các nước trên thế giới, tuy nhiên ở nước ta lại khá mới mẽ. Vì thế, khi có ai đó có đơn từ chức, nghỉ hưu sớm là xã hội quan tâm, săm soi, ý kiến này nọ. Chúng ta nên biết rằng trong văn hóa từ chức thường đi đôi với việc không từ chức, nghĩa là rút đơn từ chức. Thực tế nhiều trường hợp trên thế giới, thậm chí ngay ở nước ta cũng có trường hợp có ý định từ chức nhưng được vận động ở lại, tiếp tục chức trách nhiệm vụ thì họ rút đơn, đồng ý ở lại tiếp tục công việc...

Do đó, nên xem việc rút đơn từ chức của ông Hải là chuyện bình thường của nền hành chính - công vụ. Khi đó một người tự ứng cử các vị trí mà mình nhận thấy có đủ điều kiện, năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời sẵn sàng từ chức khi chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ, vì lý do nào đó. Tuyệt đối không nên coi đó là lật lọng, nói không đi đôi với làm, vì như vậy không những không xây dựng được văn hóa từ chức mà còn đi ngược lại văn hóa từ chức, nền hành chính văn minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.