Họp phụ huynh nên như thế nào?

GD&TĐ - Họp phụ huynh là hoạt động quen thuộc, được tổ chức  vào mỗi đầu và cuối năm học. Để buổi sinh hoạt với sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và phụ huynh  thực sự thân thiện, gần gũi, gắn kết đa chiều, có sức hấp dẫn các bậc phụ huynh, không phải giáo viên nào cũng làm được.

Họp phụ huynh là cơ hội để gia đình, nhà trường cùng trao đổi phương pháp hợp tác giáo dục con trẻ. 	Ảnh: Hữu Cường
Họp phụ huynh là cơ hội để gia đình, nhà trường cùng trao đổi phương pháp hợp tác giáo dục con trẻ. Ảnh: Hữu Cường

Họp theo lối mòn

Ở góc độ người làm trong ngành Giáo dục, đồng thời cũng là một phụ huynh, cô Nguyễn Thị Nguyệt, viên chức biệt phái Phòng GD&ĐT Hoành Bồ (Quảng Ninh) nhận thấy, đa số việc tổ chức họp phụ huynh hiện nay vẫn theo hình thức “truyền thống”. Tiến trình là ổn định tổ chức, điểm danh, thông báo của GVCN và công bố các khoản thu (chi) theo quy định, các khoản xã hội hóa (nếu có). Sau đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra một vài thông báo, ý kiến để thống nhất. Đôi khi cuộc họp kết thúc bằng việc thu tiền vì sự có mặt đông đủ các phụ huynh...

“Nói là chưa hài lòng thì không đúng, chỉ là tôi mong muốn có sự đổi mới trong các cuộc họp phụ huynh. Một cuộc họp tạo được sự thân thiện, gần gũi, gắn kết đa chiều, có sức hấp dẫn các bậc phụ huynh” – cô Nguyễn Thị Nguyệt cho hay.

Là người trong cuộc, cô Nguyễn Khoa Hạnh Ly – giáo viên Trường THPT Thanh Thuỷ (Phú Thọ) - cho biết: Thông thường trình tự, nội dung các buổi họp phụ huynh na ná như nhau, đó là: Thông báo kết quả học tập, rèn luyện đạo đức, phong trào thi đua của lớp; đưa ra các chỉ tiêu, một vài giải pháp thực hiện và mục cuối cùng bao giờ cũng là liệt kê các khoản đã thu, sắp thu của nhà trường. Sau đó, phụ huynh thảo luận, đại diện ban phụ huynh lên phát biểu…

Sở dĩ có tình trạng đó vì giáo viên đã quen với quy trình này, ngại thay đổi. Còn phụ huynh đi họp, phần lớn chủ yếu xem con mình có kết quả như thế nào, xếp danh hiệu gì, phải đóng bao nhiêu tiền, những khoản gì… Lối mòn về suy nghĩ đã ăn sâu vào cả giáo viên lẫn phụ huynh, nên không một ai có ý nghĩ phải làm điều gì mới hơn.

Tìm tiếng nói chung theo tinh thần tôn trọng, chia sẻ

Việc đổi mới họp phụ huynh như thế nào, theo cô Nguyễn Thị Nguyệt, còn tùy vào điều kiện, đối tượng của lớp, của trường, của địa phương. Thời đại công nghệ phát triển, mọi thông tin giữa phụ huynh và GVCN luôn kịp thời. Vậy nên, hãy “thổi” vào các buổi họp phụ huynh một luồng gió mới, một luồng không khí tích cực, yêu thương, quan tâm để tạo những tác động tốt đẹp đến môi trường học đường, quan hệ của các chủ thế trong giáo dục.

Ở đó, các bậc phụ huynh có thể hiểu hơn về con em mình, không chỉ là vấn đề học lực, hạnh kiểm. Thầy cô và phụ huynh được gặp gỡ, tiếp xúc trên cơ sở chia sẻ, cảm thông và tạo được những bất ngờ, phấn khởi từ các hoạt động – ví dụ như hình thức ngoại khóa. Các bậc phụ huynh tạo được sự gắn kết, thống nhất, để nhân tố gia đình thực sự giữ vai trò quan trọng, là điểm tựa cho các em nỗ lực, tự tin, sáng tạo và xây dựng một tập thể đoàn kết.

Trong các buổi họp, thành tích cần phát huy, khuyết điểm cần phải phê bình. Tuy nhiên, nên tạo cho các em một tâm thế đón nhận tích cực. Tạo điều kiện, khuyến khích cho học sinh bộc lộ những ưu điểm, những thế mạnh, sở trường của bản thân trong các cuộc họp phụ huynh cũng là một hoạt động ý nghĩa, tạo dấu ấn tốt từ các phía.

Nêu quan điểm về việc nên tổ chức họp phụ huynh ra sao, cô Nguyễn Khoa Hạnh Ly nhấn mạnh: Đầu tiên, việc GVCN phải nắm vững mục đích, yêu cầu của từng lần họp phụ huynh; định hướng, kế hoạch triển khai các nội dung, yêu cầu của nhà trường đến phụ huynh; đặc biệt là nắm vững tình hình học sinh của lớp chủ nhiệm. Từ đó, xây dựng kịch bản họp phụ huynh phù hợp với từng lần/cuộc họp sao cho phù hợp.

Trên cơ sở nắm vững kế hoạch, nhiệm vụ năm học, đặc điểm tình hình của trường, lớp, GVCN là người chủ động xây dựng và thống nhất với lớp về mục tiêu, kế hoạch, chương trình hành động và biện pháp thực hiện trong năm học. Đặc biệt là xây dựng được nội quy của lớp phù hợp trước khi họp phụ huynh đầu năm học; thống nhất cách đánh giá và những giải pháp điều chỉnh, bổ sung (đối với những cuộc họp từ lần 2 trở đi). Trong quá trình họp, GVCN cần chủ động điều hành để cuộc họp tập trung vào trao đổi, thảo luận, thống nhất về những vấn đề trọng tâm, tránh để sa đà vào những nội dung khác.

Các vấn đề về thu chi phải được chuẩn bị kỹ càng, rõ ràng, cụ thể, chi tiết, công khai, minh bạch, giải thích thuyết phục. Những mục thu tự nguyện hoặc thỏa thuận, phải triển khai bài bản, đúng quy trình, phát huy dân chủ, tự nguyện. Tuyệt đối không được áp đặt, ép buộc.

GVCN không nên trình bày quá dài dòng vế bất kỳ vấn đề nào của học sinh; kiên nhẫn lắng nghe, không ngắt lời khi phụ huynh đang nói. Nếu phụ huynh nóng tính, tỏ thái độ gay gắt, GVCN nên cố gắng giải thích nhẹ nhàng, rõ ràng, có chính kiến của mình, nói chuyện mạnh dạn, kiên định. GVCN và phụ huynh nên trao đổi cởi mở, góp ý chân thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ