Hãy cùng nhau tạo ra môi trường giáo dục thân thiện

GD&TĐ - Giáo viên quỳ gối rồi đó! Giờ sao đây? Chỉ để thỏa mãn cho cái “tôi” của mình đã có những vị phụ huynh của trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức tỉnh Long An bắt ép cô giáo phải quỳ gối xin lỗi vì kỷ luật học sinh.

Hình ảnh này liệu có bị tổn thương sau việc cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ?
Hình ảnh này liệu có bị tổn thương sau việc cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ?

Cách hành xử đó không chỉ làm tổn thương đến những người thầy mà nó đã tổn thương cả xã hội.

Tôi từng rất tâm đắc với khẩu hiệu của một số trường học hướng tới là tạo dựng môi trường học đường sao cho “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đó là mong muốn tốt, thể hiện trọng tâm của việc giáo dục, không phải là một điều gì đó siêu tưởng.

Thế giới quanh chúng ta đã và đang thay đổi. Quan điểm giáo dục cũng đang được thay đổi, tất nhiên vị thế cũng như cách ứng xử với người thầy đang được thay đổi từng ngày cho phù hợp thời cuộc.

Chính vì vậy, đã có những phụ huynh không còn tôn vinh người thầy như là một tượng đài bất khả xâm phạm. Hình ảnh người thầy cũng không bắt buộc phải trở thành “vị thánh” toàn năng, toàn tài gánh trên vai tương lai của thế hệ trẻ.

Tôi thử đặt bốn câu hỏi, cũng là bốn giả thuyết mà nhiều giáo viên, cũng như nhiều phụ huynh khi chứng kiến hay đọc các bài báo nói về sự việc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi.

Theo bạn, điều gì đảm bảo sau khi chứng kiến cô giáo phải quỳ gối trước phụ huynh, mà em học sinh đó sẽ không tiếp tục phạm lỗi?

Liệu sau khi đã bắt cô giáo ấy phải quỳ gối xin lỗi, nhóm phụ huynh này sẽ không tiếp tục bắt các thầy cô giáo khác phải quỳ gối vì đã dám thẳng thắn phạt con mình?

Bạn có nghĩ, sau khi cô giáo quỳ gối, các em học sinh không liên minh lại với nhau về nhà “mách” cha mẹ để cha mẹ lại đến trường “xử lý” thầy cô giáo?

Và có điều gì đảm bảo, khi ở nhà trong số phụ huynh này không phải “quỳ gối” trước con cái mình?

Giáo dục con người là một hành trình nhạy cảm, đòi hỏi sự mềm dẻo trong cách ứng xử và linh hoạt trong cách giao tiếp, giải quyết tình huống.

Thay vì xem con em mình là đứa trẻ bé bỏng, các bậc cha mẹ hãy thử đối xử với chúng như với một người lớn. Tại sao bạn không lắng nghe một cách khách quan?

Tôi nghĩ chính phụ huynh là “những thẩm phán” đưa ra những phán quyết công bằng giữa học sinh và giáo viên. Cùng đồng nghĩa, khi con phạm lỗi phụ huynh phải lắng nghe từ hai phía để có cách giải quyết thỏa đáng cho cả hai thì sẽ không có những hình ảnh hay câu chuyện đau lòng bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi.

Tôi cũng khuyên các thầy cô, thay vì xem học sinh là cây non cần phải uốn nắn bằng các biện pháp kỹ luật nghiêm khắc, các thầy cô hãy thử các giải pháp cởi mở, gần gũi thiện chí và nhân ái hơn đối với các em thì câu chuyện cũng sẽ không vượt quá đà.

Mỗi chúng ta nên cân nhắc những việc làm của mình, đừng đẩy phụ huynh và giáo viên vào hai thế đối đầu. Hãy cùng nhau tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện, “cô giáo như mẹ hiền, trường học là ngôi nhà thứ hai của học sinh”  mà bây lâu nay ngành giáo dục luôn hướng tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ