Góc nhìn học giả Việt: Sự vận động của giáo dục 4.0 tại New Zealand

GD&TĐ - Kỷ nguyên 4.0 đã thúc đẩy nhu cầu học tập suốt đời ở người lao động. Giờ đây, người lao động buộc phải liên tục cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng để đáp ứng sự chuyển đổi của thị trường việc làm.

TS Phạm Đình Trực cho biết các khóa micro-credentials tại The Mind Lab được thiết kế phù hợp với nhu cầu học tập linh hoạt và thực tiễn của người đi làm.
TS Phạm Đình Trực cho biết các khóa micro-credentials tại The Mind Lab được thiết kế phù hợp với nhu cầu học tập linh hoạt và thực tiễn của người đi làm.

New Zealand - quốc gia nằm trong Top 3 nền giáo dục hướng tới tương lai suốt 3 năm liền (theo bảng xếp hạng Economist Intelligence Unit) được đánh giá cao trong việc phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để người học có thể đón đầu các thay đổi trong thị trường lao động tương lai. 

Cùng lắng nghe những chia sẻ từ các giảng viên Việt hiện đang làm việc tại New Zealand để cùng tìm hiểu thêm về những gì nền giáo dục này đã và đang triển khai. 

Sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, chính phủ và doanh nghiệp để mở rộng cánh cửa giáo dục cho người đi làm

Kỷ nguyên 4.0 đã thúc đẩy nhu cầu học tập suốt đời ở người lao động. Giờ đây, người lao động buộc phải liên tục cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng để đáp ứng sự chuyển đổi của thị trường việc làm. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã có nhiều chính sách hiệu quả để khuyến khích và hỗ trợ người đi làm tiếp tục duy trì việc học tập.

Tại New Zealand, các tổ chức giáo dục, chính phủ cùng doanh nghiệp của đảo quốc này đã liên kết chặt chẽ với nhau để thiết kế các chương trình học không chỉ phù hợp với nhu cầu của người đi làm, mà còn đảm bảo được chất lượng đầu ra theo tiêu chuẩn giáo dục quốc gia.

Người lao động tham gia và hoàn thành những khóa học này sẽ được trao chứng chỉ và được công nhận về kiến thức và kỹ năng sau quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, chính phủ cũng có riêng những gói hỗ trợ tài chính hoặc miễn giảm học phí hoàn toàn để khuyến khích người lao động duy trì việc học tập.

TS Phạm Đình Trực, hiện đảm nhiệm vị trí Giám đốc sau đại học tại The Mind Lab (một trường tư thục thế hệ mới kết hợp giữa mô hình đại học truyền thống và mô hình tech-startup) cho biết: “The Mind Lab thường xuyên nhận được "đơn đặt hàng" từ chính phủ hoặc các doanh nghiệp để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của tổ chức. Gần đây nhất, đội ngũ giảng viên nhà trường đã thiết kế các khóa micro-credentials, một dạng khoá học ngắn chuyên biệt về một phạm trù kiến thức hoặc kỹ năng nhất định.

Các khóa học micro-credentials này đều được kiểm định để đảm bảo được các điều kiện của cơ quan New Zealand Qualitfications Authority (Cơ quan đánh giá chất lượng bằng cấp ở New Zealand) trước khi chính thức đưa vào giảng dạy. Vì vậy, người học hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng khi tham gia các khóa học ngắn này”.

Chia sẻ thêm về các khóa học này, chị Võ Thị Mỹ Dung, hiện cũng là Giám đốc sau đại học tại The Mind Lab, cho biết: “Với các khóa học micro-credentials, giảng viên chỉ là người cố vấn và định hướng, còn học viên sẽ nắm quyền quyết định xuyên suốt quá trình học.

Theo đó, người học không chỉ tiếp thu kiến thức từ nhà trường, mà có thể chủ động học tập thêm từ tình huống thực tế, công việc và học hỏi lẫn nhau. Sau chương trình, đa phần các học viên đều tự tin hơn để đáp ứng được sự thay đổi trong công việc".

Chị Võ Thị Mỹ Dung (thứ hai bên phải) nhận định, sau khóa học, đa phần các học viên đều tự tin hơn và đáp ứng được sự thay đổi trong công việc.

Chị Võ Thị Mỹ Dung (thứ hai bên phải) nhận định, sau khóa học, đa phần các học viên đều tự tin hơn và đáp ứng được sự thay đổi trong công việc.

Linh hoạt cập nhật và lồng ghép xu hướng mới trong đào tạo

Bàn về xu hướng giáo dục 4.0 không thể bỏ qua việc linh hoạt cập nhật các xu hướng mới nhất trong chương trình đào tạo. Đơn cử như chương trình đào tạo ngành Khoa Học Dữ liệu, anh Phạm Đăng Ninh - giảng viên tại Đại học Auckland (New Zealand) nhận định: “Ngoài các kiến thức chuyên ngành về Toán thống kê (Statistics) và ngành Khoa Học Máy Tính (Computer Science), chúng tôi nhận thấy sinh viên cần phải có thêm kiến thức về 1 lĩnh vực ứng dụng cụ thể như y tế, giáo dục, truyền thông, tài chính,… để có đủ kiến thức chuyên môn và lĩnh vực ứng dụng sau khi tốt nghiệp”.

Anh Phạm Đăng Ninh cho biết, ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên ngành Khoa Học Dữ liệu phải có thêm kiến thức về một lĩnh vực ứng dụng.

Anh Phạm Đăng Ninh cho biết, ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên ngành Khoa Học Dữ liệu phải có thêm kiến thức về một lĩnh vực ứng dụng.

Chính vì vậy, tại các trường ĐH ở New Zealand như trường ĐH Auckland, sinh viên theo đuổi ngành Khoa học Dữ liệu được tạo điều kiện để có thể cá nhân hóa lộ trình học.

Trong lộ trình chuẩn 3 năm bậc Cử nhân Khoa học dữ liệu và 4 năm chương trình Thạc sĩ (gồm 3 năm đầu theo lộ trình Cử nhân và 1 năm cuối cho chương trình Thạc sĩ), sinh viên được chủ động lựa chọn môn học thuộc lĩnh vực ứng dụng  khác ngoài các môn học thuộc Khoa Học Dữ Liệu.

Cũng tại ĐH Auckland, sinh viên còn được tạo điều kiện để tiếp cận với sự thay đổi liên tục của môi trường công việc thực tiễn. Hằng tháng các khoa đều tổ chức đều đặn các hội thảo nghề nghiệp lẫn tọa đàm với chuyên gia để mang sinh viên đến gần với doanh nghiệp và hiểu được nhu cầu tuyển dụng.

Đồng thời, sinh viên nghiên cứu luôn được khuyến khích để phát triển đề án từ các vấn đề thực tiễn. Qua đó, sinh viên được tiếp cận bài toán ứng dụng cụ thể dựa trên dữ liệu của các công ty để có sự hiểu biết chuyên sâu hơn về những gì đã học trên trường, đồng thời cập nhật xu hướng mới nhất của ngành nghề.

Khi ngành học truyền thống chuyển động số

Giáo dục 4.0 còn thể hiện thông qua sự chuyển đổi số của nhiều ngành học truyền thống. Nổi bật nhất có thể kể đến các ngành học thời thượng như Fintech (Công nghệ Tài chính), Medtech (Công nghệ Y tế), Foodtech (Công nghệ Thực phẩm)…

Nhận định về xu thế trên, anh Nguyễn Cao Cường, giảng viên cao cấp khoa Kinh doanh Nông nghiệp và Thương mại của đại học Lincoln (New Zealand) chia sẻ: “Khi các công nghệ mới bắt đầu được áp dụng rộng rãi, các lĩnh vực truyền thống đều đang ở bước ngoặt lớn. Bản thân các công nghệ này cũng được cải tiến liên lục, nên chương trình đào tạo đại học phải luôn cập nhật các xu hướng để đảm bảo chất lượng đầu ra”.

Anh Nguyễn Cao Cường cho biết, các lĩnh vực truyền thống đều đang ở bước ngoặt lớn, nên chương trình đào tạo phải liên tục cập nhật.

Anh Nguyễn Cao Cường cho biết, các lĩnh vực truyền thống đều đang ở bước ngoặt lớn, nên chương trình đào tạo phải liên tục cập nhật.

Trước khi trở thành giảng viên, anh Cường đã từng công tác tại công ty về lĩnh vực tài chính - đầu tư hàng đầu như Prudential Group, UFJ Bank Japan. Vì thế, anh nhận thấy rõ cách thức công nghệ đang thay đổi tài chính hiện nay. Nên khi tham gia vào công tác giáo dục, anh Cường sớm quan tâm đến việc đưa Fintech thành bộ môn chính thức để bắt kịp thực trạng phát triển toàn cầu.

Được biết, ĐH Lincoln nơi anh giảng dạy là trường đầu tiên tại New Zealand đưa Fintech vào giảng dạy tại trường kinh doanh như một môn học độc lập thông qua chương trình Thạc sỹ về Fintech và Quản lý Đầu tư (Master of Fintech and Investment Management).

Cũng trên tinh thần chuyển động số, ĐH Waikato mới đây đã hợp tác cùng đại học ĐH Kinh tế Quốc dân đã tiên phong triển khai chương trình liên kết Cử nhân ngành Kinh doanh số (Digital Business) ngay tại Việt Nam. Đây là chương trình đại học kết hợp giữa kiến thức nền tảng quản lý doanh nghiệp và kỹ năng IT.

Trong 3 năm rưỡi, sinh viên sẽ được đào tạo về kiến thức CNTT thuộc lĩnh vực kinh tế số và kỹ năng quản lý doanh nghiệp. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh cao khi theo đuổi sự nghiệp ở vị trí quản lý và điều hành các dự án kinh doanh giải pháp công nghệ trong nhiều lĩnh vực …

Có thể nói, từ khoá “4.0” đang tạo ra thách thức chưa từng có đối với nền giáo dục trên toàn thế giới, trong đó có New Zealand và Việt Nam. Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là một động lực giúp người làm công tác sư phạm liên tục vận động đổi mới để xây dựng nền giáo dục hướng đến tương lai và tạo nên tác động tích cực cho các thế hệ sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...