Gỡ khó cho công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh

GD&TĐ - Việc không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp; từ đó góp phần làm cho công tác hướng nghiệp, phân luồng HS sau THCS được thuận lợi hơn; bên cạnh đó còn đưa dạy nghề về đúng với mục đích đã từng đề ra, giảm tiêu cực thi cử… 

Gỡ khó cho công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh

Đó là chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý và nhà giáo về Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD&ĐT mới công bố.

Ông Trần Ngọc Nghị - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ): “Đã đến lúc bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông”

Hiện nay, việc bỏ quy định cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý. Vì theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là tinh giản các cuộc thi của giáo viên và HS. Các cuộc thi nói trên được tinh giản sẽ góp phần giảm gánh nặng, áp lực cho ngành Giáo dục nói chung và cho nhà trường, bản thân giáo viên, HS nói riêng.

Hiện nay, trong chương trình giáo dục trung học thi nghề phổ thông hiện vẫn là môn học bắt buộc HS phải hoàn thành để xét tốt nghiệp. Tại địa phương, các nghề được chọn dạy cho HS cũng gắn liền với đời sống như nghề trồng lúa, điện gia dụng và tin học văn phòng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay nằm ở đội ngũ giáo viên dạy nghề phổ thông chỉ là kiêm nhiệm. Công tác giáo dục nghề phổ thông dù được quan tâm nhưng chủ yếu các em HS học để lấy chứng chỉ nghề; còn việc hướng nghiệp, phân luồng sau quá trình học nghề hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Mục đích của việc giáo dục nghề phổ thông trước đây vốn có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận. Đó là hướng cho HS tiếp cận một số nghề nghiệp để định hướng cho tương lai. Đó còn là mục tiêu quan trọng để phân luồng, hướng nghiệp cho HS sau THCS. Tuy nhiên, chính điểm cộng của việc học nghề đã khiến cho HS học nghề chỉ qua loa, không chú trọng vào nghề nghiệp, không chú trọng vào kiến thức mà học chủ yếu để được cộng điểm.

Thực tế là các em HS học nghề phổ thông với mong muốn có được tấm giấy chứng nhận nghề để được cộng điểm vào lớp 10. Còn chuyện học nghề để phân luồng, hướng nghiệp, giúp HS được tiếp cận với các nghề mà các em có sở thích, sở trường vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Hiện nay, tâm lý của phụ huynh, HS vẫn còn chuộng bằng cấp nên việc học nghề vẫn chưa thu hút người học. Với điểm cộng của việc học nghề, các em HS cho dù học lực trung bình, học yếu cũng mong muốn được vào học lớp 10 THPT chứ không muốn học GDTX hoặc học nghề. Vì vậy, việc không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp. Nếu làm được điều này chắc chắn công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS THCS sẽ đạt hiệu quả hơn. Việc bỏ cộng điểm nói trên cũng nhằm đưa dạy nghề về đúng với mục đích đã từng đề ra, giảm tiêu cực thi cử. Đây là điều mà ngành Giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng đang mong muốn.

Tuy nhiên, song song với chính sách không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10; các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư phát triển hệ thống trường nghề, đặc biệt là trường nghề ở địa phương. Phải làm sao để trường nghề thu hút được người học với các nghề nghiệp gắn liền với nhu cầu xã hội. Tiếp đến là đội ngũ giáo viên làm công tác dạy nghề phổ thông, giáo viên làm công tác hướng nghiệp cần phải được đào tạo bài bản, có cơ chế chính sách, chứ không phải làm kiêm nhiệm như hiện nay.

Thầy Nguyễn Hoàng Linh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thịnh, huyện Tam Bình (Vĩnh Long): “Phân luồng, hướng nghiệp sẽ khởi sắc”

Theo tôi, Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD&ĐT mới công bố với nội dung bỏ quy định Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý. Đây sẽ là cơ hội để ngành GD-ĐT nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS sau THCS sẽ đạt hiệu quả đáng kể.

Chính sách cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10 trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác hướng nghiệp cho HS THCS. Từ đó đã giúp nhiều em HS phát hiện được năng khiếu của bản thân và sở trường để có thể theo đuổi nghề nghiệp mình yêu thích. Các trường cũng tổ chức dạy nghề cho HS gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Góp phần cung ứng nguồn nhân lực địa phương cho phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, điểm cộng khuyến khích từ việc học nghề đã khiến thầy trò bị sao nhãng trong việc dạy và học nghề. Thay vì mục đích của việc giáo dục nghề phổ thông là hướng nghiệp, phân luồng thì thầy trò quá chú trọng, cố gắng dạy học để có chứng chỉ nghề loại khá, loại giỏi để được cộng điểm vào lớp 10. Cũng vì lý do này nên việc dạy nghề phổ thông ở một số nơi đã trở thành hình thức, bị chệch mục tiêu.

Nếu không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được áp dụng sẽ tác động đến tâm lý học, thi của các em HS, đặc biệt là HS cấp THCS. Vì trước đây các em suy nghĩ sẽ cố gắng lấy chứng chỉ nghề để có điểm cộng vào lớp 10 thì giờ đây các em phải suy nghĩ lại. Phải lượng sức mình khi lựa chọn con đường: Hoặc là tiếp tục học THPT hay là học GDTX, học nghề… Theo tôi, việc bỏ điểm cộng khuyến khích thi nghề phổ thông sẽ hướng các em HS khá, giỏi sẽ tiếp tục học THPT. Còn các em học trung bình, yếu sẽ có con đường rộng mở để học hệ GDTX, học nghề.

Hiện nay, Trường THCS Phú Thịnh có 320 HS khối 9 đang học nghề phổ thông Tin học văn phòng và các em chuẩn bị thi. Chúng tôi cũng mong muốn ngành Giáo dục khi triển khai chính sách không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cần có lộ trình và thời gian thực hiện. Tránh việc triển khai quá sớm gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong giáo viên, phụ huynh và HS. Khi có lộ trình cụ thể sẽ giúp các đơn vị trường học lựa chọn giải pháp để hoàn thiện đội ngũ giáo viên dạy nghề, hướng nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong trường phổ thông.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ