Gỡ khó các mối quan hệ quanh Hội đồng trường

GD&TĐ - Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường ĐH đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Một trong những nội dung then chốt, có tính quyết định cho vấn đề này là Hội đồng trường (HĐT). 

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác tổ chức, hoạt động của HĐT vẫn còn lúng túng, nhất là mối quan hệ giữa HĐT ĐH địa phương với Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và với UBND cấp tỉnh, Bộ GD&ĐT.

Làm rõ lãnh đạo, quản trị và quản lý

Theo ông Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch HĐT Trường ĐH Tiền Giang – mối quan hệ giữa Đảng ủy, HĐT và Ban Giám hiệu trong một trường ĐH cũng chính là mối quan hệ giữa lãnh đạo, quản trị và quản lý. Đảng ủy có vai trò lãnh đạo, HĐT có vai trò quản trị và Ban Giám hiệu có vai trò quản lý.

“Trong trường ĐH địa phương, Đảng ủy cần chú trọng và phát huy mạnh mẽ phương thức lãnh đạo thông qua đảng viên, đặc biệt là những đảng viên nắm giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính quyền, đoàn thể. Đảng ủy phải làm thật tốt (phải thực chất, tránh hình thức) vấn đề quy hoạch cán bộ trong chính quyền, đoàn thể và trong chính Đảng ủy, đặc biệt là cán bộ chủ chốt theo quy định hiện hành. Vấn đề quy hoạch cán bộ là Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Hiệu phó… trong 1 - 2 nhiệm kỳ tới, về nguyên tắc đã được Đảng ủy trường thực hiện. Riêng với chức danh chủ tịch HĐT, nhiều khả năng chưa được quy hoạch do luật mới được ban hành. Tuy nhiên, Đảng ủy vẫn có thể linh hoạt bổ sung quy hoạch chức danh này trong số những cán bộ chủ chốt của trường đã được quy hoạch” – ông Nguyễn Viết Thịnh làm rõ thêm.

Bản thân nội hàm các khái niệm lãnh đạo, quản trị, quản lý cũng chưa được rạch ròi, bên cạnh điểm đặc thù cũng có những điểm chung. Vấn đề đặt ra là, trong các trường ĐH địa phương có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, những điểm đặc thù trong mối quan hệ giữa Đảng ủy, HĐT và Ban Giám hiệu cần như thế nào phải được phân tích, chỉ rõ trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.

Phân tích của ông Nguyễn Viết Thịnh: Trách nhiệm và quyền hạn của HĐT ĐH công lập nói chung, trường ĐH địa phương nói riêng bao gồm nhiều việc mà trước đây thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng hoặc cơ quan chủ quản trường ĐH. Vì vậy, với vai trò quản trị trường ĐH địa phương trong bối cảnh tự chủ ĐH, HĐT chính là “cấp trên” trực tiếp của Ban Giám hiệu, chỉ đạo Ban Giám hiệu thông qua các nghị quyết của HĐT.

Ông Nguyễn Viết Thịnh
 Ông Nguyễn Viết Thịnh

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ

Dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, theo ông Nguyễn Viết Thịnh, các cơ quan cấp trên của trường ĐH địa phương, cụ thể là UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT phải “có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ” của các trường ĐH địa phương. Trường ĐH thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật, không còn cơ chế “xin - cho” như trước đây.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT mặc dù là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH, nhưng chỉ quản lý ĐH nói chung và trường ĐH địa phương nói riêng về công tác nghiên cứu, kinh doanh, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục ĐH; còn lại với hầu hết các vấn đề khác, Bộ GD&ĐT không quản lý mà tạo điều kiện và bảo đảm cho ĐH nói chung và trường ĐH địa phương nói riêng được thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

Với UBND cấp tỉnh, Điều 69 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH ghi rõ: “UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH theo phân cấp của Chính phủ; hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục ĐH tại địa phương; thực hiện xã hội hóa giáo dục ĐH; bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ĐH tại địa phương”.

Theo ông Nguyễn Viết Thịnh, UBND cấp tỉnh (cùng các sở, ban, ngành liên quan) và Bộ GD&ĐT (các vụ, cục liên quan) cần thể hiện trách nhiệm cao, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ cho trường ĐH địa phương theo quy định của pháp luật. Mặt khác, các trường ĐH cũng cần phải tích cực, chủ động làm tốt trách nhiệm giải trình những thông tin liên quan theo quy định của pháp luật, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo. Trường phải nỗ lực làm sao để bảo đảm người học ra trường có khả năng tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo, có lượng kiến thức, kĩ năng, thái độ đáp ứng nhu cầu xã hội vốn thay đổi không ngừng. Một khi đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp của trường được giải quyết thì lượng và chất của sinh viên đầu vào cũng sẽ tốt theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ