Giúp thí sinh “ăn điểm” khi làm bài thi THPT quốc gia môn Lịch sử

GD&TĐ - Thầy Đỗ Quế Chuyên – Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Mường Chà (Điện Biên) - lưu ý các thí sinh phương pháp học tập và kỹ năng làm bài thi để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.  

Cá em không nên học môn Lịch sử theo lối đọc vẹt, học thuộc lòng. Ảnh minh họa/internet
Cá em không nên học môn Lịch sử theo lối đọc vẹt, học thuộc lòng. Ảnh minh họa/internet

Kế hoạch ôn tập

Từ nay đến kỳ thi THPT Quốc gia không còn nhiều thời gian, các em cần phải phân bố thời gian học hợp lý, tự xây dựng cho bản thân thời gian biểu theo từng tuần có mục tiêu rõ ràng. Kết hợp việc học, sinh hoạt, vui chơi, giải trí, ăn uống đúng điều độ, giữ gìn sức khỏe tốt nhất.

Trong khi học, các em không nên tạo cho mình quá nhiều áp lực, hãy tạo cho mình tâm lý thoải mái khi học, học không chỉ để thi mà còn để biết, để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.

Lúc cảm thấy mệt không thể tập trung thì các em hãy dành thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, đừng ép bản thân học trong khi tâm lý bị gò bó áp lực. Tuy nhiên sau đó các em phải học một cách nghiêm túc.

Lưu ý khi làm đề thi mở môn Lịch sử

Với cách đổi mới thi cử như hiện nay, đặc biệt là đổi mới cách ra đề, để đạt điểm cao môn Lịch sử các em cần chú ý những vấn đề sau:

Nắm chắc những nội dung kiến thức cơ bản chủ yếu trong chương trình lịch sử 12 thật ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu không nên dài dòng lan man quá chi tiết.

Từ những nội dung kiến thức cơ bản phải liên hệ với tình hình đất nước, khu vực và thế giới hiện nay, ví dụ như: vấn đề chủ quyền biển đảo, quan hệ quốc tế, toàn cầu hóa, chủ nghĩa khủng bố…

Đặc biệt, các em không nên học thuộc lòng mà phải hiểu và phân tích được các sự kiện lịch sử.

Để làm được điều này, các em cần chú ý nghe giáo viên giảng bài, ghi chép đầy đủ. Cuối mỗi bài phải chốt được các phần trọng tâm và rút ra đặc điểm nổi bật nhất của bài hay của một giai đoạn lịch sử.

Ngoài ra, các em cần nắm chắc tên bài, tên các tiểu mục, học theo dàn ý. Trước khi học cả bài hay từng phần nên nắm chắc dàn ý của bài đó hay phần đó. Điều này sẽ giúp các em nhớ kiến thức có hệ thống và nhớ lâu, dễ trả lời những câu hỏi tổng hợp.

Đặc biệt, các em cần chú ý thật kỹ nội dung các bài ôn tập để có thể tổng hợp, khái quát, hệ thống được nội dung chủ yếu của môn Lịch sử, quan tâm thật kỹ đến những từ khóa trong nội dung môn học. Thường thì từ khóa hay ở những phần ý nghĩa.

Không được bỏ sót bài nào. Bài nào không quan trọng cũng phải nắm được ý chính, đảm bảo nếu đề có ra thì mình cũng làm được.

Các em cần đọc kĩ đề thi để xác định rõ yêu cầu của đề. Mỗi câu hỏi cần xác định rõ thời gian, không gian và đối tượng mà câu hỏi đề cập đến. Trong câu hỏi không có từ nào là thừa cần gạch chân kỹ nhất những từ khóa, Nếu chúng ta bỏ qua khâu này thì rất dễ bị lạc đề.

Một điều các em cần lưu ý đó là: Viết đề cương sơ lược, dàn ý (các ý chính) cho mỗi câu, để trong quá trình làm bài không bị sót ý hoặc là thiếu nội dung. Thực tế rất nhiều em bỏ qua khâu này nên đã mất điểm vì bài làm không đủ ý. Vì vậy làm xong mỗi câu cần đọc lại xem còn thiếu ý và cần thiết phải chỉnh sửa gì không.

Ngoài ra, cần căn cứ vào biểu điểm và dung lượng kiến thức theo dàn ý đã nháp để phân phối thời gian cho hợp lí. Tránh giành thời gian quá nhiều cho 1 câu, các câu khác không kịp làm, câu dễ làm trước, câu khó làm sau.

Bố cục bài viết cần rõ ràng, các ý chính viết mạch lạc, ý chính quan trọng lên làm câu mở đoạn, lập luận logic, chặt trẽ. Trong bài viết không được viết tắt, không nên sai lỗi chính tả, hạn chế tẩy xoá, chữ viết không cần quá đẹp cứ dễ đọc là được.

Các em không cần thiết phải nhớ rõ, đầy đủ các mốc thời gian. Nếu không nhớ một số mốc thời gian thì thôi không nên cố bắt ép phải nhớ. Trong quá trình làm bài không được để trắng mục nào, câu nào nên cố gắng thà làm thừa còn hơn là thiếu ý.

Một số lỗi cần tránh trong quá trình làm bài thi:
Giúp thí sinh “ăn điểm” khi làm bài thi THPT quốc gia môn Lịch sử ảnh 1  Thầy Đỗ Quế Chuyên
- Lỗi nhiều nhất, lớn nhất là không đọc kỹ đề, không hiểu rõ nội dung, yêu cầu của đề dẫn đến lạc đề hoặc không làm bài.

- Lỗi phân bố thời gian làm bài không hợp lí, câu nào nắm chắc kiến thức thì tham lam làm bài quá dài theo cảm hứng không theo yêu cầu của đề, câu nào không nắm chắc thì làm quá ngắn hoặc không làm bài.

- Ngoài ra còn nhiều lỗi như sai sự kiện, nhầm nhân vật lịch sử, làm lặp lại ý…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ