Việc phát triển năng lực nghề cho sinh viên cần phải được bắt đầu từ năm thứ nhất mới có thể đi vào chiều sâu và thiết thực, góp phần đào tạo được thế hệ giáo viên Toán phổ thông đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục ngày càng cao hiện nay.
Phát triển năng lực nghề nghiệp trong giờ chính khóa
Chia sẻ giải pháp phát triển năng lực nghề nghiệp dạy học Toán cho sinh viên sư phạm, tiến sĩ Lê Xuân Trường (Trường ĐH Đồng Tháp) cho biết: Công việc đầu tiên các giảng viên cần chú trọng là lồng ghép phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên khi dạy học các môn học trong chương trình, xem đây là nhiệm vụ bắt buộc của toàn bộ giảng viên.
Đối với các giảng viên dạy những môn khoa học cơ bản như: Giải tích cổ điển, Đại số đại cương, Lí thuyết số và cơ sở số học, Hình học sơ cấp, Đại số sơ cấp, Xác suất thống kê, trong quá trình dạy học cần liên hệ với chương trình, SGK phổ thông để sinh viên có điều kiện được tiếp cận với những điều liên quan đến dạy học phổ thông ngay từ năm thứ nhất, thứ hai.
Đối với giảng viên dạy phương pháp dạy học Toán phần lý luận: Vấn đề phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sẽ được lồng ghép trong từng chủ đề kiến thức.
Chẳng hạn, giao cho sinh viên tự làm một bài tập và viết hệ thống câu hỏi hướng dẫn học sinh giải bài tập, tổ chức tiết dạy mẫu để góp ý, tranh luận…
Phát triển năng lực nghề nghiệp ngoài giờ chính khóa
Tiến sĩ Lê Xuân Trường cho biết: Chương trình ngành Sư phạm Toán học tại Trường ĐH Đồng Tháp chú trọng đến việc tăng cường các môn dạy nghề hơn cho sinh viên. Điều này thể hiện ở việc đầu tư một tỷ lệ thích đáng vào các môn phương pháp dạy học.
“Trong chương trình, ngoài 3 môn phương pháp dạy học: Đại cương môn Toán, chuyên ngành Toán 1, chuyên ngành Toán 2 còn có 6 học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm TX, mỗi học phần 1 tín chỉ. Do đó, sinh viên của trường tốt nghiệp đáp ứng tương đối tốt nhu cầu xã hội” – tiến sĩ Lê Xuân Trường cho hay.
Tiến sĩ Lê Xuân Trường chia sẻ quy trình phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên trong các hoạt động ngoài giờ chính khóa với 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Lồng ghép rèn luyện năng lực nghề nghiệp theo nhóm tại trường với việc đưa sinh viên xuống trường phổ thông tìm hiểu đối tượng, dự giờ, thăm lớp.
Giai đoạn 2: Tổ chức phát triển ở sinh viên năng lực tổ chức một tiết lên lớp và các năng lực ngoại khóa môn Toán cho học sinh phổ thông.
Giai đoạn 3: Tổ chức cho sinh viên xuống các trường phổ thông để vận dụng những năng lực nghề nghiệp đã rèn luyện được ở trường sư phạm vào thực tiễn phổ thông.
Như vậy, chỉ khi sinh viên kết thúc đợt thực tập sư phạm và qua đợt tổ chức thi giảng tại trường sư phạm thì công việc bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho sinh viên mới kết thúc.
Phát triển năng lực diễn đạt ngôn ngữ Toán học
Giải pháp thứ 3 nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo sinh Toán học, theo tiến sĩ Lê Xuân Trường là phát triển cho sinh viên năng lực diễn đạt ngôn ngữ Toán học.
Việc rèn luyện có thể thông qua các buổi xemina trong giờ chính khóa dạy phương pháp dạy học Toán, hoặc xemina ngoài giờ theo chủ đề trong các buổi rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên; qua báo cáo sản phẩm tiểu luận; qua trình bày một lời giải toán phổ thông; qua tổ chức một tiết giảng mẫu…
Tiến sĩ Lê Xuân Trường lưu ý: Ngôn ngữ Toán học khác với ngôn ngữ tự nhiên ở chỗ gọn gang hơn; chủ yếu dung các kí hiệu thay thế.
Hơn nữa, mỗi kí hiệu Toán học hay mỗi kết hợp các kí hiệu đều có ý nghĩa duy nhất, điều đó làm cho ngôn ngữ Toán học có khả năng diễn đạt chính xác tư tưởng Toán học hơn ngôn ngữ tự nhiên.
Sinh viên phải có năng lực sử dụng ngôn ngữ Toán học vào việc viết tóm tắt một định nghĩa, định lý hay tính chất trong khi viết tiểu luận, cũng như thực hành một tiết dạy trong khi rèn luyện các năng lực nghề nghiệp trong dạy học Toán.
Phát triển năng lực kiểm tra, đánh giá
Tiến sĩ Lê Xuân Trường cũng đưa ra giải pháp phát triển cho sinh viên năng lực tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập của bản thân và năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Toán của học sinh khi dạy Toán.
Biểu hiện của năng lực này là: Năng lực tự đánh giá được kết quả học của bản thân; năng lực tự đánh giá của sinh viên với việc học tập của bạn; năng lực kiểm tra, đánh giá học sinh qua dạy học môn Toán THPT theo hướng tiếp cận năng lực. Đây là vấn đề mới, trong dạy học phân môn phương pháp dạy học Toán, giảng viên cần cập nhật nội dung này cho sinh viên qua các kênh: Bổ sung vào bài giảng tại lớp, lồng ghép thông qua các học phần rèn luyện, thông qua các buổi thảo luận.
Để đánh giá được đúng năng lực người học, phải chỉ ra được các thành tố của năng lực cần đánh giá qua mỗi nội dung, qua mỗi chủ đề dạy học. Đồng thời, phải có các tiêu chí rõ ràng nhằm đánh giá và có được thông tin phản hồi xác đáng về năng lực học sinh.
Đa dạng hóa các hình thức đánh giá
Năng lực nghề nghiệp của sinh viên chỉ được bộc lộ thông qua các hoạt động học tập và một số hoạt động bổ trợ, do vậy cần tổ chức học tập để sinh viên bộc lộ các thành tố năng lực và đánh giá theo các thành tố này. Như vậy, việc đánh giá theo một bài thi cuối kỳ sẽ không còn hiệu quả mà phải đa dạng hóa các hình thức đánh giá và chú trọng đến đánh giá quá trình.
Các hình thức đánh giá được tiến sĩ Lê Xuân Trường chỉ ra bao gồm: Đánh giá thông qua tiểu luận tự học, qua xemina; đánh giá thông qua làm bài tập trên lớp; qua thiết kế và thực hành một tiết dạy Toán THPT; đánh giá thông qua kiểm tra thường xuyên; qua bài thi hết học phần; qua tham gia các phong trào hoạt động câu lạc bộ, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên…
Những quan điểm trên được tiến sĩ Lê Xuân Trường nêu ra trong tham luận “Một số biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên ngành sư phạm Toán tại Trường ĐH Đồng Tháp” tại Hội thảo khoa học “Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên Toán phổ thông Việt Nam”.