Giúp học sinh ứng phó với căng thẳng

GD&TĐ - Sự biến động phức tạp của xã hội, các yêu cầu của chương trình học tập, sự kì vọng quá cao của cha mẹ… là những nhân tố chính, tạo áp lực và gây căng thẳng cho HS trong học tập và phát triển. Trước những căng thẳng tâm lý đó, ở các em xuất hiện nhu cầu cần được trợ giúp, tham vấn, từ các cán bộ có trình độ chuyên môn.

Các hoạt động cộng đồng là một trong những biện pháp giúp HS ứng phó với căng thẳng
Các hoạt động cộng đồng là một trong những biện pháp giúp HS ứng phó với căng thẳng

ThS Vũ Thị Thanh Nga, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, chia sẻ thêm về vấn đề này.

Nhiều áp lực đối với học trò

Theo ThS Vũ Thị Thanh Nga, ở lứa tuổi HS các em gặp rất nhiều áp lực từ các nguồn khác nhau như: Trong học tập, trong mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè và từ những tình huống bất thường trong cuộc sống hằng ngày. Nguyên nhân gây ra căng thẳng trong học tập của các em đến từ hai nhóm chính.

Trước hết ở nguyên nhân khách quan, đó là môi trường tâm lý - xã hội, nhà trường và gia đình. Những tệ nạn xã hội có mặt ở mọi ngóc ngách trong đời sống và tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng giá trị nhân cách và lối sống, quan hệ học tập của HS.

Stress là một hiện tượng bình thường trong cuộc sống, đôi khi chúng ta có thể vượt qua một cách dễ dàng, nhưng cũng có lúc chúng ta cảm thấy khó khăn, thậm chí bất lực trong việc ứng phó. Những biểu hiện stress có hại trong học đường sẽ được giảm đi một cách đáng kể nếu như chúng ta tiến hành trợ giúp, tham vấn cho HS những hiểu biết tối thiểu về stress, những nguyên nhân và phương pháp ứng phó với stress trong cuộc sống học đường nói chung và trong từng môn học nói riêng.

Với một số em có học lực yếu, việc đáp ứng các chương trình học tập cũng như kết quả kiểm tra đánh giá cũng là áp lực lớn, gây căng thẳng thường xuyên.

Một yếu tố khác cũng làm tăng áp lực cho HS chính là từ gia đình. Sự kỳ vọng thái quá của nhiều bậc cha mẹ mà không tính đến năng lực trình độ của con, khiến nhiều em xuất hiện trạng thái căng thẳng - một trong những nguyên nhân dẫn đến chán học, trốn học.

Nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ tâm sinh lý. HS bị mắc các triệu chứng như đau đầu, đau lưng, sức khỏe yếu… đều ảnh hưởng đến stress trong học tập. Hay nhận thức của HS trước các tình huống học tập như vốn hiểu biết có mâu thuẫn với nhiệm vụ học tập vừa mới, vừa khó, trong khi trình độ nhận thức còn hạn chế, bất lực với khả năng học tập của mình… Đó là các nguyên nhân quan trọng có thể làm tăng mức độ hoặc giảm mức độ stress trong học tập…

Tăng cường khả năng ứng phó với stress

ThS Vũ Thị Thanh Nga đưa ra 2 liệu pháp nâng cao khả năng ứng phó với căng thẳng cho HS.

Thứ nhất là nhóm liệu pháp tâm lý. Sự trợ giúp từ hình thức tham vấn tâm lý học đường ngày nay đang trở nên kịp thời và tích cực trong việc hỗ trợ HS đối mặt với stress. Hơn nữa đây là hình thức trợ giúp gần gũi và thiết thực với đời sống học đường. Mặt khác, thông qua đó, các em có thể nhận được sự trợ giúp chuyên nghiệp từ những người được đào tạo có chuyên môn từ tư vấn học đường.

Thông qua chương trình tham vấn tâm lý tại phòng tâm lý học đường hoặc tham vấn tâm lý trên lớp, HS có thể được hỗ trợ và từ đó tìm ra phương pháp ứng phó tốt nhất cho các rào cản tâm lý trong học tập.

Thứ hai là nhóm biện pháp hỗ trợ như điều chỉnh chế độ sinh hoạt như chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng. Việc bổ sung các khoáng chất đầy đủ cho cơ thể sẽ giúp cơ thể tránh được sự mệt mỏi nhất là khi gặp stress. Ngoài ra các chất ngọt cũng giúp mang lại lợi ích chống lại stress khi có nhiều phiền muộn; giới hạn các chất kích thích gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh như cafe, thuốc lá…; chăm sóc giấc ngủ.

Bên cạnh đó, ứng dụng kỹ thuật thư giãn như mát xa, tập thể dục… Mỗi cá nhân có thể lựa chọn cho bản thân một biện pháp riêng để giải tỏa những căng thẳng như chạy bộ hay các môn thể thao khác. Tiến hành tập thể dục thường xuyên, đều đặn sẽ làm giảm lượng hormon lưu hành trong máu do căng thẳng gây ra, giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.