Giúp học sinh tập viết đoạn đối thoại phân môn Tập làm văn lớp 5

GD&TĐ - "Tập viết đoạn đối thoại" là một kiểu bài rất mới trong phân môn Tập làm văn lớp 5. Cả năm học, có chỉ 3 tiết dành cho nội dung này.

Giúp học sinh tập viết đoạn đối thoại phân môn Tập làm văn lớp 5

Theo cô Đặng Thị Bảy - Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Phong (Nghệ An), để đạt mục đích yêu cầu mà kiểu bài "Tập viết đoạn đối thoại" đã nêu ra ở trên cần có sự tác động, hỗ trợ của nhiều yếu tố: Trình độ dân trí, cơ sở vật chất của nhà trường, đối tượng học sinh, môi trường giao tiếp, kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học của giáo viên,...

Điều đáng quan tâm nhất ở đây là đối tượng học sinh và môi trường giao tiếp. Nếu các em được sống trong môi trường văn minh, văn hóa, có nhiều phương tiện tạo cơ hội, tạo điều kiện giao tiếp như sẽ tạo điều kiện, tiền đề giúp học sinh có khả năng giao tiếp tốt hơn, tích cực hơn, ứng xử nhạy cảm, linh hoạt hơn.

Đây là cơ sở, là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả học tập của học sinh về Tập làm văn nói chung và kiểu bài này nói riêng. Không có hoặc thiếu đi một số yếu tố cơ bản nêu trên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học là điều tất yếu.

Tuy nhiên, với những học sinh môi trường giao tiếp chỉ bó hẹp trong phạm vi từ nhà tới trường, ít khi được đi tham quan, giao lưu và ít được tiếp xúc với phương tiện kỹ thuật hiện đại tiên tiến; các phương tiện hỗ trợ dạy học còn hạn hẹp, vốn ngôn ngữ, phong cách, kỹ năng thể hiện trong giao tiếp của học sinh còn nghèo nàn...

Trước thực trạng trên, cô Đặng Thị Bảy đã có sáng kiến kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp giúp học sinh tập viết đoạn đối thoại.

Giúp học sinh phân biệt văn bản truyện với văn bản kịch

Để học sinh hiểu rõ bản chất của kiểu bài "Tập viết đoạn đối thoại", giáo viên cần giúp học sinh phân biệt được văn bản truyện (văn xuôi) với văn bản kịch (đối thoại).

Sự khác biệt thể hiện nổi bật nhất ở:

Ngôn ngữ : Trong văn bản truyện, ngôn ngữ thường được dùng đó là ngôn ngữ kể chuyện, là những lời trần thuật lại nội dung câu chuyện kể của nhân vật về những điều, những việc làm đã qua bằng sự thông báo của người dẫn truyện và những lời chỉ dẫn của tác giả là chủ yếu, để làm toát lên nội dung câu chuyện.

Ngôn ngữ trong văn bản kịch là lời thoại, là ngôn ngữ kịch. Nó đóng vai trò như một phương tiện xây dựng nên hình tượng nhân vật.

Hình tượng nhân vật được khắc họa sinh động qua xung đột kịch (hành động, lời nói) và mang tính điển hình rõ rệt, phản ánh hiện thực của cuộc sống với tính chất đa dạng và nhiều chiều.

Trong kịch bản: "Cốt truyện kịch phải được xây dựng tập trung với những sự kiện nổi bật và những tình huống điển hình" (Từ điển bách khoa việt nam, tập 2 trang 559)…

Hình thức trình bày văn bản: Khác biệt với văn bản truyện, văn bản kịch được trình bày theo một hệ thống các lời thoại của nhân vật trong một (hai) màn kịch.

Khi viết lời thoại phải viết tên nhân vật trước (chữ nghiêng), trước lời thoại phải đặt dấu gạch ngang (gạch đầu dòng) để báo hiệu đó là lời nói của nhân vật.

Các từ in nghiêng trong dấu ngoặc đơn đứng đầu hay giữa lời thoại thể hiện thái độ, tác phong, cử chỉ, tính cách, hành động của mỗi nhân vật (đã thể hiện ở các ví dụ nêu trên).

Giúp học sinh phân biệt ngữ liệu ở sách giáo khoa

Một việc làm không thể thiếu và góp phần cho sự thành công khi dạy học sinh tập viết đoạn đối thoại là phân tích các ngữ liệu trong sách giáo khoa. Thế nên, giáo viên cần giúp học sinh nắm và hiểu được sách đã cung cấp cho người đọc:

Tên đoạn đối thoại cần viết; đoạn trích của truyện làm cơ sở cho việc viết đoạn đối thoại; viết lời thoại dựa vào nội dung chính của đoạn trích.

Nhân vật xuất hiện trong đoạn đối thoại; gợi ý lời thoại, cụ thể là đã nêu lên sự việc diễn ra trong hoàn cảnh của đoạn đối thoại; một vài câu thoại mở đầu cho đoạn đối thoại mà học sinh có nhiệm vụ viết tiếp cho hoàn chỉnh đoạn đối thoại.

Cần lưu ý cho học sinh: Các từ in nghiêng trong dấu ngoặc đơn đứng đầu hay giữa lời thoại thể hiện thái độ, tác phong, cử chỉ, tính cách, hành động của nhân vật.

Đây là mấu chốt để phân biệt tính cách, hành động của nhân vật mà viết lời thoại sát đúng, phù hợp vói từng nhân vật.

Đồng thời khi thể hiện, tái hiện lại nhân vật trong kịch bản thì đây là cơ sở giúp cho người được giao nhiệm vụ sắm vai sẽ thâm nhập và thể hiện thành công hơn.

Như vậy, đề bài đã cung cấp cho học sinh: Một cốt truyện thể hiện trong đoạn trích làm cơ sở cho việc viết lời đối thoại; các nhân vật của truyện, ý nghĩa câu chuyện thể hiện trong đoạn trích.

Không những thế, đề bài còn cung cấp cho người học một số gợi ý lời đối thoại; đó chính là những sự việc và một vài câu mở đầu cho đoạn đối thoại cần viết. Như vậy kiểu bài tập này yêu cầu học sinh chuyển một đoạn văn xuôi thành một văn bản kịch.

ở đây, mức độ đặt ra chỉ là hoàn chỉnh một đoạn đối thoại đã có câu mở đầu, đã có nội dung cụ thể ở các gợi ý lời thoại. Nhiệm vụ của học sinh chỉ là viết tiếp lời thoại của các nhân vật trong đoạn kịch.

Giúp học sinh viết hoàn chỉnh lời thoại

Để hướng dẫn học sinh viết được lời thoại cho nhân vật, giáo viên nhấn mạnh tính cách nhân vật được thể hiện trong lời thoại.

Viết lời thoại cho nhân vật, trước hết phải bắt đầu bằng việc tìm hiểu tính cách nhân vật; và quan trọng hơn là hiểu tính cách đó thể hiện ra như thế nào trong hoàn cảnh cụ thể của câu chuyện.

Đây là yếu tố đặc biệt không thể bỏ qua khi viết lời thoại, để có lời thoại đúng và hay, phù hợp với nội dung đoạn kịch là phải biết dựa vào tính cách nhân vật.

Yếu tố tiếp theo rất đặc biệt quan trọng, là cơ sở, là yếu tố góp phần quyết định thành công trong kịch bản là cách sử dụng từ hô ứng.

Xưng hô trong lời thoại chính là sự bộc lộ trực tiếp tính cách riêng, thái độ, vị thế xã hội, mối quan hệ,... của nhân vật.

Sau khi nghe xong lời thoại, ta có thể hiểu và thấy rõ về hoàn cảnh, tính cách, nếp sống, thái độ cư xử... của từng nhân vật trong kịch bản.

Hơn thế nữa, khi hướng dẫn học sinh viết lời thoại, giáo viên cũng cần quan tâm đến các kĩ năng: Dùng từ, sử dụng dấu câu, đặt câu, nghĩa từng câu, chỗ ngắt nghỉ, nhấn giọng,...

Câu thoại phải viết ngắn gọn, súc tích, chính xác mà dễ hiểu, không chỉ về mặt ngữ pháp mà còn về mặt từ, ý; lời thoại phải bộc lộ nét riêng, hình tượng riêng của từng nhân vật, trước câu thoại thường đặt dấu gạch ngang để thể hiện đó là tiếng nói của nhân vật (các ví dụ đã nêu trên). Bởi trong kịch lời thoại là tất cả.

Như vậy, các lời thoại trong một màn kịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Lời thoại sau là sự tiếp diễn về kết cấu, nội dung, mục đích, thái độ, hành động, sự việc... được nêu ra trong lời thoại trước.

Lời thoại được viết theo lối mở, linh hoạt, không gò ép, áp đặt đơn điệu theo một hình thức nhất định nào đó.

Có nghĩa là cùng một tình huống (một sự việc, một hành động...) nào đó của một nhân vật, nhưng ta có thể viết lại bằng nhiều lời thoại khác nhau. Miễn rằng, khi kết thúc màn kịch thì "hậu" của nó không thay đổi.

Trong khi học sinh viết lời thoại, giáo viên cần hướng cho các em viết được hai hoặc ba lời thoại cho một gợi ý.

Sau đó, giúp các em thảo luận chọn ra lời thoại đúng, hay, phù hợp nhất với nhân vật. ë nội dung này, giáo viên dành thời gian cho học sinh tương đối nhiều hơn so với hoạt động khác.

Lời thoại đã được viết xong, giáo viên tổ chức cho học sinh sắm vai, tập nói lời thoại theo nhóm.

Trong từng nhóm, mỗi em được sắm vai một nhân vật, tái hiện lại lời nói, hành động của nhân vật mà mình lựa chọn.

Bước tiếp theo là các nhóm được thoại trước lớp, là cơ hội để các em phát huy, thể hiện khả năng của mình; tạo không khí thi đua, sôi nổi, vui nhộn trong lớp học.

Đây là hoạt động bổ ích nhất cho các em; qua tập thoại, các em sẽ đánh giá, so sánh được kết quả của nhóm mình - nhóm bạn.

Từ đây, các em lại rút kinh nghiệm chỉnh sửa, bổ sung lời thoại một lần nữa (nếu cần), để hoàn chỉnh lời thoại, hoàn chỉnh kịch bản; sản phẩm đích thực mà các em đã đạt được theo yêu cầu, mục đích tiết học đề ra

Các hoạt động cơ bản để tiến hành dạy học"Tập viết đoạn đối thoại"

Hoạt động 1: Tìm hiểu yêu cầu bài.

Hoạt động 2: Làm mẫu: Giúp học sinh thể hiện lời thoại của 1,2,... sự việc và nhận xét, chỉnh sữa lời thoại.

Hoạt động 3: Làm theo mẫu, cụ thể:

Thoại trong nhóm: Sắm vai, tập thoại, nhận xét lời thoại, góp ý chỉnh sửa cho nhau.

Thoại trước lớp: Một vài nhóm sắm vai, thoại trước lớp, lớp nhận xét, đánh giá, chỉnh sửa lời thoại.

Viết lời thoại: Học sinh tự viết lời thoại sau khi đã nghe nhận xét và rút kinh nghiệm của bạn.

Cả ba hoạt động trên có mối quan hệ khăng khít với nhau; hỗ trợ cho nhau, hoạt động này là điều kiện, tiền đề cho hoạt động kia và ngược lại. Với đối tượng học sinh của tôi, khi dạy không xem nhẹ hoặc bỏ qua hoạt động nào. Có thể nhấn mạnh thêm ở hoạt động 2, 3.

Hoạt động 4: Củng cố - đây là thao tác cuối cùng, trước khi kết thúc giờ học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.