Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm của cô Huỳnh Hữu Hạnh Nguyên - giáo viên Trường THPT chuyên (Tiền Giang) nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng nghe hiểu
Rèn thái độ tích cực cho học sinh khi học nghe hiểu
Theo cô Nguyên, khác với phần đọc hiểu, quá trình nghe chỉ diễn ra cho một lần duy nhất. Vì vậy yêu cầu về khả năng tập trung cao trong một thời gian dài đối với học sinh trở nên hết sức cần thiết.
Thông thường khả năng tập trung chú ý cao nhất của mỗi cá nhân từ 15 -20 phút, sau đó tập trung sẽ giảm dần. Chính vì vậy việc rèn luyện sức khỏe và sức tập trung cao cho bài nghe trong một khoảng thời gian dài là hết sức cần thiết.
Vì vậy, ở mức độ ban đầu giáo viên có thể bắt đầu bằng những nhận diện tương đồng về nghĩa trong các phát biểu ngắn, có ít từ vựng và cấu trúc khó hơn, đòi hỏi sức tập trung cao hơn với nhiều giọng nói đan xen.
Khi các em đã quen dần với các bài nghe dài và khả năng tập trung đã tốt hơn, các loại bài tập nghe có nhiều tạp âm cũng cần được đưa vào nhằm rèn luyện và phát triển đến mức cao nhất khả năng nhận diện và hiểu thông điệp nghe, tăng cường độ ổn định về khả năng tập trung khi làm bài.
Ngoài ra, theo cô Nguyên, giáo viên nên rèn luyện cho học sinh ngay từ ban đầu ý thức về kỹ năng diễn giải và làm quen với năng lực diễn giải từ những bài tập đơn giản nhất.
"Điều này là rất cần thiết để giáo viên cảnh báo với học sinh rằng, phần lớn tất cả các bài nghe, khả năng mà người nói lập lại chính xác từ vựng, cấu trúc được sử dụng trong đề thi là rất ít, hầu như không thể xảy ra.
Muốn vậy, giáo viên cần giúp các em làm quen dần với việc nhận diện diễn giải khi nghe. Thói quen này có tác dụng rất lớn trong việc giảm đi mức độ khó của đề thi, góp phần rất lớn đối với thành công của bài thi nghe hiểu" - cô Nguyên Trao đổi.
Sử dụng các hình thức trò chơi, kể chuyện, xem video
Cũng theo cô Nguyên, những hoạt động nghe nên được xây dựng dưới nhiều hình thức đa dạng phù hợp với lứa trình độ, nội dung bài học, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.
Những hoạt động rèn luyện kỹ năng diễn giải phù hợp sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao động cơ học tập môn nghe, giúp quá trình nghe trở nên tích cực và hiệu quả hơn.
Thay vì cho học sinh làm các bài tập nghe có vận dụng kỹ năng diễn giải, giáo viên có thể thay thế bằng các hình thức trò chơi, kể chuyện, xem video clip trong quá trình học nghe.
Chẳng hạn như: Trò chơi "Impromptu Speakinh". Dựa trên các nguyên tắc, giáo viên cho học sinh thay thế các từ vựng đơn giản theo từng chủ đề.
VD như: hobby, personality, trò chơi được tăng dần về độ khó khi giáo viên yêu cầu nói câu đồng nghĩa khác cấu trúc, câu đồng nghĩa khác cả từ vựng và cấu trúc, giải thích nghĩa của các thành ngữ.
Trò chơi này có tác dụng rất tốt trong việc phát triển vốn từ theo các chủ đề khác nhau, tăng cường khả năng nghe hiểu, rèn luyện kỹ năng diễn giải, tăng cường khả năng giao tiếp cho học sinh.
Hoặc ở các lớp nâng cao, giáo viên có thể tìm kiếm các video clips về chuyện cổ tích, phim tài liệu, talk show, phỏng vấn cho học sinh xem. Sau đó yêu cầu các em tóm tắt lại câu chuyện vừa nghe và vừa xem.
Chẳng hạn về mộ số video clip mà người viết đề tài đã sử dụng trong quá trình khảo sát như: video clip về chuyện "The Last Leaf"; "The Gìt of Magi", các chuyện cổ "The Little Match Girl"...
"Hoạt động này rất thú vị bởi các tài liệu mang tính thực tế và sự xuất hiện của hình ảnh, âm thanh. Hoạt động này có tác dụng rất lớn trong việc rèn luyện kỹ năng nghe, nói, óc quan sát, cải thiện rất lớn về khả năng diễn giảng và vốn từ vựng của học sinh" - cô Nguyên cho hay.