Tạo hứng thú cho học sinh
Thầy Võ Bá Tòng cho rằng, đưa lý thuyết vào thực tế, gắn với những ứng dụng có trong cuộc sống, giáo viên sẽ giúp học sinh nhớ bài lâu hơn. Những câu đố vui vật lý, những câu chuyện vui về các phát minh, định luật hoặc cuộc đời các nhà Vật lý học cũng sẽ giúp giờ học Vật lý hấp dẫn, sinh động hơn.
Cùng với đó, giáo viên cần thay đổi phương pháp, hình thức dạy học phù hợp, mới lạ ở từng bài; từ đó, sẽ tránh được sự đơn điệu, nhàm chán, giờ học sinh động, hấp dẫn, học sinh hứng thú và có nhiều cơ hội hoạt động tích cực hơn.
Xác định nội dung kiến thức trọng tâm
Giải pháp tiếp theo thầy Võ Bá Tòng chia sẻ là xác định dạy những đơn vị, nội dung kiến thức trọng tâm, từ cơ bản đến nâng cao, định hướng giải bài tập, giải đề thi thử cho học sinh, đặc biệt hướng dẫn cho học sinh cách học (cách học để nhớ lâu, học một biết hai, ba…).
Giải pháp này được thầy Võ Bá Tòng tiến hành như sau:
Kiến thức lý thuyết truyền thụ cần ngắn gọn, tinh giản nhưng phải đảm bảo đầy đủ, chính xác; cô đọng lại kiến thức trọng tâm từng bài để giúp học sinh ôn tập được dễ dàng. Giáo viên đi sâu những phần, chương có khả năng ra đề thi cao; khái quát các công thức cơ bản thành quyển sách nhỏ dễ mang theo bên mình như một cẩm nang, học sinh có thể học ở bất cứ nơi nào thuận lợi.
Lưu ý giảng kĩ những phần kiến thức trọng tâm, quan trọng, nhắc lại nhiều lần để cho học sinh khắc sâu; dạy từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, bổ sung nâng cao các bài tập khó, lạ theo mức độ tăng dần, giải đề thi thử, giải bài tập.
Giáo viên tập trung soạn đề sao đạt chất lượng và đảm bảo mức độ phân hóa học sinh để có giải pháp tiếp the; đa dạng câu hỏi, đa dạng kiến thức, đặc biệt các dạng đề lạ, đề khó có tính chất vận dụng cao để học sinh tiếp cận và làm quen dần.
Phát huy khả năng tự học của học sinh.
Để thực hiện điều này, theo thầy Võ Bá Tòng, sau mỗi tiết dạy, giáo viên cho bài tập nhanh bằng hình thức trắc nghiệm khoảng 5 bài tập và 5 câu lý thuyết… để củng cố và khắc sâu kiến thức. Giáo viên sửa tại lớp và chấm điểm khuyến khích.
Ở nhà: Giáo viên giao bài tập ở nhà, bài học lý thuyết; bài tập trắc nghiệm theo định hướng của Bộ GD&ĐT và của Hội đồng bộ môn của Sở GD&ĐT; kiểm tra bài tập ở nhà vào tiết tiếp theo.
Giáo viên tổ chức học nhóm ở trường và ở nhà; tổ chức hình thức học tập "đôi bạn cùng tiến" để học sinh giúp đỡ và dò bài cho nhau.
Hình thành kĩ năng, phương pháp giải bài tập
Nhấn mạnh việc hình thành kỹ năng tái hiện kiến thức, khả năng tư duy, vận dụng kiến thức, kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay vào từng bài tập cụ thể, thầy Võ Bá Tòng cho rằng giáo viên cần tăng cường việc hướng dẫn giải bài tập bằng máy tính cầm tay, giúp học sinh giải nhanh và hiệu quả hơn các bài tập.
Giải pháp này được tiến hành như sau:
Bước 1. Hướng dẫn khái quát về cách sử dụng máy tính cầm tay CASIO fx -570ES, 570ES Plus, VINA CAL Fx - 570ES Plus.
Bước 2. Áp dụng máy tính cầm tay vào các bài tập từ đơn giản đến nâng cao dần
Bước 3: Vận dụng thường xuyên vào bài tập, bài kiểm tra. Cho những bài tập tương tự để học sinh luyện tập và rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay.
"Giải pháp này sẽ tăng khả năng giải bài tập trắc nghiệm. Số lượng câu trong bài tập trắc nghiệm sẽ được giải nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, không có giải pháp nào là hoàn toàn tối ưu. Bất cứ biện pháp dạy học nào khi áp dụng trong từng đơn vị cũng sẽ có những thuận lợi và những khó khăn nhất định. Bởi nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể từng đơn vị, vào điều kiện thực tế của từng trường và tùy vào đối tượng học sinh.
Nhưng qua thực nghiệm, tôi nhận thấy rằng đây là những giải pháp cần thiết cơ bản nhất, là nền tảng để nâng cao chất lượng bộ môn Vật lí ở trường THPT. Người dạy có thể tùy điều kiện mà vận dụng trong việc dạy học. Bên cạnh đó, sự kiên trì, nhiệt tình, nhiệt tâm và lòng say mê nghề sẽ đem lại hiệu quả trong dạy học nói chung, dạy học Vật lí nói riêng" - thầy Võ Bá Tòng chia sẻ.