Độ giãn cần thiết về thời gian
Trường THCS Phú Thọ là ngôi trường chung cho học sinh 2 xã Nghĩa Phú, Nghĩa Thọ (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Đây cũng là ngôi trường có 4 lớp 7 và 4 lớp 8 đang theo học mô hình trường học mới một cách có chọn lọc. Theo thầy Ngô Văn Hoạt – Hiệu trưởng nhà trường: Mặc dù không tránh khỏi những va vấp khi áp dụng mô hình khác với truyền thống ở bậc THCS, nhưng theo thầy Hoạt, hiện các giáo viên đã quen dạy học theo phương pháp mới. Và đặc biệt là tài liệu, cách kiểm tra, đánh giá học sinh tương đồng với dự thảo chương trình GDPT tổng thể, nên có thể coi đây là một lợi thế lớn của trường khi áp dụng tài liệu sách giáo khoa mới sau này”.
Bởi vậy, mặc dù là một trường vùng khó, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số nhưng thầy Hoạt cho rằng trường THCS Phú Thọ đã chuẩn bị tinh thần đón chương trình GDPT tổng thể. Trong dự thảo, nôi dung dạy học cũng có những chuyên đề tích hợp và chuyên đề riêng. Với chuyên đề tích hợp, giáo viên THCS có văn bằng đào tạo CĐSP trước đây theo tổ hợp môn như Văn – Sử, Hóa – Sinh, Toán – Lý… sẽ không quá bỡ ngỡ. Còn chuyên đề riêng thì nhiều giáo viên đã tự nâng cao trình độ, học văn bằng 2 đại học sẽ đáp ứng được.
Tuy nhiên, về phương pháp dạy học cần có thêm thời gian để được tập huấn nhiều hơn nữa. Dạy học theo chương trình mới, giáo viên ban đầu phải rất vất vả, đòi hỏi tâm huyết, trách nhiệm để hướng dẫn học sinh. Tránh tình trạng khuyến khích các cháu tự học thì chỉ những em khá giỏi, hoặc nhóm trưởng làm việc, hoạt động, còn những em yếu thì ngồi chơi, ỷ lại. Khi giáo dục cho các em được ý thức, phướng pháp tự giác, tự học, thì về sau giáo viên sẽ khỏe hơn.
Ông Hồ Bình Minh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Hợp cho biết: Với vị trí là cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương, tôi thường xuyên theo dõi cập nhật những thông báo, quyết định mới liên quan đến ngành. Dự thảo chương trình GDPT tổng thể mà Bộ GD&ĐT đã công bố rất chi tiết, đầy đủ cho từng bậc học. Và chương trình sách giáo khoa mới cũng đang được soạn thảo và sẽ được ra mắt trong thời gian tới. Như vậy, khi triển khai chúng ta đã có kế hoạch, lộ trình và tài liệu phục vụ. Phía cơ sở chỉ cần thực hiện theo mà thôi.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất chưa đồng bộ và đầy đủ tại các nhà trường là một khó khăn, và sắp tới sẽ còn vất vả nữa khi cắt giảm đầu tư công, việc kiên cố hóa trường lớp sẽ khó có nguồn ngân sách. Song song với đó, huyện Quỳ Hợp đang thiếu giáo viên. Chưa kể đến thừa cục bộ khiến cho bố trí giáo viên đáp ứng chương trình học mới là một vấn đề nan giải. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian triển khai chương trình GDPT tổng thể là khoảng đệm để các ngành giáo dục, nội vụ cùng bàn bạc, đưa ra giải pháp để cân đối giáo viên vào các khoảng trống.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Hợp cũng chia sẻ thêm: Triển khai chương trình GDPT tổng thể là bước ngoặt lớn của ngành giáo dục, nhưng hiện nay, không khí chuẩn bị của các trường vẫn đang khá lặng lẽ”. Vì vậy, theo tôi cần phải khởi động ngay và rõ nét hơn, trong đó đặc biệt người lãnh đạo phải quán triệt tinh thần chỉ đạo cán bộ, giáo viên thay đổi từ tư duy đến cách dạy, cách học. Tôi cũng đang mong chờ Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT Nghệ An sớm có những cuộc tập huấn, từng bước trang bị chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đổi mới giáo dục.
Khởi động từng bước cho đổi mới
Thời gian qua, ngành giáo dục Nghệ An cũng đang nỗ lực từng bước cải tiến giáo dục phù hợp với xu thế và thực tiễn xã hội. Tiếp thu những nhân tố tích cực từ những mô hình giáo dục mới. Bên cạnh đó, từng bước đổi mới cách thức thi cử, thay đổi cách đánh giá học sinh tiệm cận chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới. Từ việc áp dụng thông tư 22 đối với bậc tiểu học và gần đây nhất, quyết định đưa bài thi tổ hợp vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho lùi thời gian triển khai chương trình GDPT tổng thể giúp địa phương chuẩn bị đầy đủ hơn các điều kiện để thực hiện sự đổi mới toàn diện giáo dục này. Đây cũng là đề xuất của Sở tại tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016 – 2017, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2017 – 2018.
Thực hiện chương trình GDPT tổng thể và sách giáo khoa mới Bộ GD&ĐT đã có lộ trình rõ ràng. Về phía ngành giáo dục Nghệ An tâm thế cũng đã sẵn sàng cho việc đổi mới và thời gian qua các nhà trường cũng đã từng bước thay đổi phương pháp dạy học, cách đánh giá học sinh phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, bất cập,thừa thiếu cục bộ. Vì vậy, có thêm 1 năm chuẩn bị, giúp các địa phương rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai.
Đây cũng là khoảng thời gian vật lý cần thiết để Sở tiến hành tập huấn cho cán bộ, giáo viên phương pháp, kỹ năng chuyên môn dạy học tích hợp, phát huy năng lực toàn diện của học sinh. Và để cho chính các giáo viên thấm, hiểu được nhu cầu và yêu đổi đổi mới.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, làm tốt công tác truyền thông để các bậc phụ huynh và xã hội có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chương trình GDPT tổng thể, và đồng tình, đồng hành, ủng hộ ngành trong quá trình triển khai thực hiện.