Khi để con tự ra quyết định, con sẽ tự chịu trách nhiệm và cố gắng thực hiện tốt chọn lựa của mình. Cha mẹ nên đóng vai trò như người Huấn luyện viên, có nhiệm vụ định ra “chiến lược” phù hợp để con phát huy được hết khả năng của mình.
Để làm được điều đó đòi hỏi cha mẹ phải hiểu rõ sở thích, khả năng, cá tính, giá trị của con, không ảo tưởng nhưng cũng không đánh giá thấp tiềm năng của con. Cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con, giúp con hiểu rõ bản thân, và tạo động lực cho con nhưng không quyết định nghề thay cho con, giống như huấn luyện viên không ra sân thay cho cầu thủ.
Hãy luôn chia sẻ, quan sát, cổ vũ, đồng hành cùng con và cho con những lời khuyên hữu ích. Hãy luôn ở bên cạnh hỗ trợ tinh thần cho con một cách vô điều kiện vì đó sẽ là động lực mạnh mẽ nhất giúp con phát triển.
Sau khi đã hiểu rõ vai trò của cha mẹ trong việc hướng nghiệp cho con, bạn hãy vận dụng những hiểu biết về các lí thuyết hướng nghiệp vào công việc sau:
Giúp con hiểu rõ hơn về sở thích nghề nghiệp, khả năng và những kĩ năng thiết yếu của bản thân. Nhờ đó, con có cơ sở vững chắc để chọn nghề phù hợp với “rễ” của cây nghề nghiệp.
Khi giúp con tìm hiểu bản thân, bạn hãy thực hiện theo những bước sau:
Bước 1. Hồi tưởng lại quyết định chọn nghề của bạn
Bạn hãy nhớ lại quyết định nghề nghiệp của bản thân bạn khi ở lứa tuổi con bạn bây giờ và trả lời các câu hỏi:
Trước đây mình đã quyết định chọn ngành, nghề như thế nào? Vì sao mình lại chọn lựa như vậy?
Hiện tại, mình có muốn thay đổi quyết định đó không? Nếu có thì vì sao? Nếu không thì vì sao?
Nếu cha mẹ hiểu rõ quá trình hướng nghiệp của bản thân thì sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ con. Từ đó, giúp con tránh được những sai lầm mà cha mẹ đã mắc phải khi ở độ tuổi con bây giờ.
Lưu ý: Nếu muốn con chọn nghề mà mình mơ ước ngày còn trẻ nhưng không thực hiện được, cần phải cân nhắc kĩ bởi vì:
Nghề mà cha mẹ chọn đó nhiều khi lại không phù hợp với sở thích nghề nghiệp và khả năng của con. Điều kiện sống ở mỗi thời điểm rất khác nhau. Thời điểm hiện tại khác biệt rất nhiều so với thời điểm khi bạn bằng tuổi con. Do đó, những yếu tố tác động tới việc lựa chọn ngành nghề tại thời điểm đó sẽ có những điểm rất khác so với bây giờ.
Bước 2. Xem xét lại yếu tố chi phối quan điểm giúp con hướng nghiệp của bạn
Theo lí thuyết hệ thống, mỗi người sống trong một hệ thống và đều chịu ảnh hưởng từ những yếu tố khác nhau. Việc hiểu rõ yếu tố nào chi phối mạnh mẽ nhất là rất quan trọng trong việc giúp con hướng nghiệp.
Ví dụ: Có rất nhiều cha mẹ giúp con chọn trường học, ngành học vì nghe theo lời khuyên của bạn bè hoặc đồng nghiệp. Cũng có nhiều người lại chịu tác động của báo chí và truyền hình…
Lưu ý: Những quyết định như trên nếu không được xem xét từ “rễ” cây nghề nghiệp sẽ dẫn đến sai lầm khi giúp con hướng nghiệp.
Bước 3. Nắm vững một số kiến thức cơ bản về hướng nghiệp
Theo quy trình hướng nghiệp và lí thuyết mô hình lập kế hoạch nghề thì bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là tìm hiểu bản thân.
Lí thuyết cây nghề nghiệp cho thấy: Giúp con tìm hiểu bản thân tức là tìm hiểu những yếu tố thuộc về “rễ” cây nghề nghiệp, đó là: Sở thích nghề nghiệp; Khả năng; Cá tính; Giá trị.
Lưu ý: Nếu con bạn đang học phổ thông thì tìm hiểu yếu tố số 1 và 2 là quan trọng nhất.
Yếu tố số 3 và 4 cần thiết hơn vào giai đoạn chuẩn bị tìm việc làm.
Bước 4. Tiến hành các liệu pháp giúp con tìm hiểu bản thân
Kể chuyện là phương pháp tốt nhất mà bạn có thể dùng để giúp con tìm hiểu sở thích và khả năng nổi trội của các em. Bạn nên tranh thủ những dịp gia đình quây quần đầy đủ như bữa cơm tối, hay sinh nhật, giỗ chạp để nhắc lại những mẩu chuyện về thời thơ ấu, kỉ niệm về mỗi giai đoạn trưởng thành, từ lúc mới biết nói, chập chững bước đi, đến các mốc phát triển quan trọng như biết đọc, biết viết, cao lên, vỡ tiếng; những thành tích và thất bại; những nỗ lực; những lời khen ngợi của ông bà, cô chú, của thầy cô hoặc hàng xóm…
Khi kể chuyện, bạn nên quan tâm và lắng nghe, không nên lên mặt khuyên răn, dạy bảo dễ làm con khó chịu, làm phản tác dụng của mục đích kể chuyện.
Nếu bạn và con không có điều kiện thường xuyên gặp mặt thì có thể sử dụng nhiều cách khác để liên hệ và kết nối với con, ví dụ như sử dụng điện thoại, thư điện tử (email), mạng xã hội (facebook).
Công việc mưu sinh bận rộn với những lo toan vất vả làm bạn và con ít có thời gian trò chuyện, chia sẻ với nhau. Do đó, nếu hình thành thói quen kể chuyện thường xuyên, bạn sẽ giúp con có nhiều cơ hội suy ngẫm về bản thân để hiểu rõ hơn về sở thích, khả năng, cá tính của mình. Bước đầu tiên có thể khó khăn, nhưng khi đã trở thành thói quen, việc kể chuyện sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp, làm cho con luôn cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ cha mẹ, giúp cho bạn và con hiểu rõ hơn về bản thân, đồng thời làm cho quan hệ giữa cha mẹ với con trở nên khăng khít hơn.
Bên cạnh đó, biết rõ sở thích nghề nghiệp là cách giúp con nhanh chóng thu hẹp phạm vi tìm hiểu những ngành, nghề phù hợp.
Từ đó, đối chiếu kết quả trắc nghiệm đã làm với nội dung trong từng bảng để xác định 3 nhóm sở thích nổi trội theo thứ tự: nhóm sở thích nổi trội nhất; nhóm sở thích nổi trội nhì; nhóm sở thích nổi trội thứ ba.
Làm xong, con bạn sẽ biết được mình thuộc nhóm tính cách nào, có những sở thích nghề nghiệp nào và những công việc nào là phù hợp.
Để chọn được nghề phù hợp, việc xác định sở thích phải đi đôi với xác định khả năng vì có sở thích nghề nghiệp nhưng khả năng không phù hợp với yêu cầu của nghề thì khó có thể thành công trong nghề nghiệp.
Vì vậy, sau khi con bạn đã xác định ba nhóm sở thích nổi trội, bạn hãy tiếp tục giúp con tìm hiểu xem con có những khả năng nào thích hợp với các công việc trong nhóm đó.
Ngoài ra, cần tăng cường phát triển các kĩ năng thiết yếu. Đây là những kĩ năng luôn cần thiết trong cuộc sống, học tập và công tác, ví dụ như kĩ năng học và tự học, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng đọc và tìm hiểu thông tin, kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề…
Đây là nền tảng giúp mỗi người học hỏi các kĩ năng khác, hỗ trợ đắc lực cho sự tiến bộ và thành công. Do vậy, trong khi tuyển dụng, cùng với việc kiểm tra, đánh giá về chuyên môn, các nhà tuyển dụng luôn xem xét và đánh giá cao các kĩ năng thiết yếu của mỗi ứng viên.