Giúp con bay bổng cùng âm nhạc

GD&TĐ - Hiện nay, trên sóng truyền hình nở rộ nhiều chương trình thi thố tài năng ca hát và âm nhạc. Đây là tác nhân thuận lợi đối với những trẻ có khiếu âm nhạc từ nhỏ.

Giúp con bay bổng cùng âm nhạc

Các bậc phụ huynh nếu sớm phát hiện ra đam mê và năng khiếu của trẻ với âm nhạc hãy tận dụng cơ hội và quan tâm, giúp con trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê đó.

Bay xa với ước mơ

Âm nhạc, bao gồm cả tiếng hát ru, những làn điệu dân ca du dương trìu mến, cả những giai điệu mượt mà êm ái của những khúc romance, những bản serenade, những bản khí nhạc cổ điển… góp phần giúp trẻ nhỏ được thư giãn, phát triển thể lực mạnh khỏe, phục hồi sức lực, là tiền đề cho việc phát triển trí lực một cách lành mạnh, hoàn thiện sau này.

Nhạc sĩ Hà Hải, người có nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi đã chia sẻ những trăn trở của mình: Ngày nay, khi thiết bị giải trí cầm tay đã trở nên phổ biến, trẻ em có thể dễ dàng chơi game hay xem phim mọi lúc mọi nơi.

Bên cạnh việc đáp ứng đa dạng hóa nhu cầu giải trí thì điều đó cũng lại dễ tạo ra sự thiếu hụt những giá trị truyền thống, tính mềm mại, uyển chuyển trong tư duy và tình cảm.

Cần bù đắp sự thiếu hụt ấy bằng các tác phẩm nghệ thuật, bằng một nền âm nhạc lành mạnh dành cho các em, đem lại cho các em những nguồn sống phong phú, cao đẹp, nâng cánh các em bay cao, bay xa với những ước mơ thời thơ ấu.

Phát hiện và nuôi dưỡng đam mê

Cách cơ bản nhất để khơi gợi đam mê âm nhạc ở trẻ là cho trẻ nghe nhạc. Việc cho trẻ nghe nhiều loại nhạc khác nhau sẽ giúp con bạn có khả năng nhận ra được những khác biệt trong âm điệu, nhịp điệu, cảm xúc, bé cũng được phát triển khả năng tập trung vào âm nhạc tốt hơn.

Cho trẻ làm quen với nhạc cụ là một cách hữu ích. Những bộ phách, bộ gõ tam giác, xúc xắc, trống, ghita và đàn organ là những lựa chọn tuyệt vời. Bạn cũng hãy khuyến khích con thử một nhạc cụ thật sự, thậm chí kể cả khi bé khó sử dụng.

Theo kinh nghiệm của chuyên gia giáo dục sớm Lại Thị Hải Lý: Âm nhạc là một trong tám loại hình thông minh mà cha mẹ cần bồi dưỡng cho con.

Mình không cần con thực sự giỏi giang để “kết duyên” với âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ cần con biết một chút về âm nhạc, biết cách chơi một loại nhạc cụ nào đó để trong cuộc sống của con, mỗi khi thành công hay gặp khó khăn, bức xúc, con có một nơi tìm đến để thả hồn vào âm nhạc, con có một nơi yên bình làm dịu mát tâm hồn con.

Âm nhạc giúp trẻ con có sự liên tưởng, tưởng tượng tốt, yếu tố này giúp con thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp…

Khi trẻ lớn hơn, phát hiện năng khiếu của trẻ có thể dựa vào các phương pháp: Quan sát hoạt động trẻ ở nhà và ở trường; dựa vào điểm số của môn Nhạc; qua kết quả giáo viên tuyển chọn vào Đội văn nghệ trường (tất nhiên phải tuyển chọn một cách nghiêm túc, dựa vào chuyên môn thay vì cảm tính).

Cũng có thể lọc ra một số dấu hiệu tài năng, thí dụ tai nghe nhạc, trí nhớ âm nhạc, nhận thức về tiết tấu, bản chất giọng hát, ưu thế của bàn tay, ngón tay… tùy theo chuyên ngành.

Theo cô Thanh Nga - giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thì: Một người có năng khiếu, không khuyết tật về giọng, để điều khiển được giọng hát của mình, với phương pháp luyện tập tốt, thì mất 900 giờ, nếu mỗi ngày 1 giờ luyện tập thì mất 3 năm. Với các giọng hát đỉnh cao thì không thể lấy mốc 3 năm mà có khi mất vài chục năm học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ