Giường tầng trong khách sạn…

GD&TĐ - 23 năm tôi nước vào cổng trường Cao đẳng Sư phạm với chiếc ba lô toàn sách là sách và một chút xíu tiền còm do thầy cô bạn học ủng hộ, vào đấy “luyện gà” thi học sinh giỏi. 

Giường tầng trong khách sạn…

Trường na ná doanh trại quân đội, nhân dáng nặng nề với thành cao hào sâu, những hàng cồng to kệch cỡm dựng dài phía sau không có gì thơ mộng, nhìn thấy buồn buồn… 

Sau nữa là bờ sông, trước khi đến đấy phải qua một dãy nhà kho âm u mà đầu óc nai con của tụi tôi đoán lung tung song không biết chúng chứa những gì. Bữa ăn có kẻng gọi, những xoong nồi khủng, “thực khách” xếp hàng dài…

Rồi qua đi… Lâu lắm không ai nhắc đến thời đoạn ấy. Đúng 23 năm sau đến thành phố xa có việc, nghỉ tại một khách sạn trung bình không sao không vạch. 

Ăn xuống dưới, ngủ lên trên, đến giờ đi thì lên xe… Không để ý gì nhiều. Cho đến một hôm cô gái giúp việc bật mí: “Chú ạ, bà chủ khách sạn là cô giáo đấy. Mà ông chủ cũng thế!”. 

Thầy cô giáo thì cũng bình thường thôi, sao mà cô gái lại làm ra vẻ bí mật, lớn lao vậy? Đến hôm thứ năm thứ sáu gì đấy, chờ cơm, tôi bắt chuyện: “Chị là chủ ở đấy?”, hướng về người phụ nữ có vẻ lam lũ đứng sau quầy thu ngân, tôi hỏi đại. - “Ừ, tôi là chủ”, chị đáp. 

Người phụ nữ hoàn toàn mang hình thức người đàn bà làm ăn thuần túy, có phần thô vụng, thiếu cái gì đấy của một “cựu giáo chức” theo cách nhìn cố hữu của tôi. Tôi lại gợi chuyện: Chị học sư phạm ở đâu, từng dạy ở đâu… Và thế là khơi mạch cho dòng chảy ký ức tuôn trào, trong chị và cả trong tôi.

Ngày ấy, đúng ngày tụi tôi đến trường Cao đẳng Sư phạm là ngày khóa học của chị cùng đồng môn sắp kết thúc, chị nhắc mốc thời gian và tôi nhớ ngay. 

Chị và tôi tranh nhau mô tả lại ngôi trường thành cao hào sâu mà cả hai vô tình có mặt ở đấy. Chị nhắc đến hàng cồng phía sau, đến cảnh xếp hàng nhận cơm canh, dãy nhà kho đen xì âm u sát bờ sông… Hai người thay nhau nói, suýt chút quên bữa cơm phần đã dọn trên bàn.

Thế là thời gian còn lại của tôi ở khách sạn của chị bớt buồn tẻ, tôi cứ lân la gợi chuyện, và chị vui vẻ tiếp chuyện với khách cứ như gặp cố nhân. Và tôi tin chắc trực giác của mình bị lỗi, người chủ khách sạn này đích thực là sinh viên sư phạm và “cựu giáo chức”. Tự nhiên rất vui…

Khách sạn có ba tầng, cũng cao cao, nhìn xuống đại lộ đầy xe. Tôi leo lên sân thượng, lấy điện thoại di động hướng xuống chụp một loạt ảnh để kỷ niệm, xuống tầng dưới, lại chụp tiếp một loạt ảnh tương tự song với độ cao khác… Nhìn xuống hiên nhà bên dưới thấy có mấy chậu sen trồng dã chiến, vậy mà có hoa be bé vẫn lên cao trông khá hay…

Gần ngày trả phòng tôi có một phát hiện: Ngoài phòng 201 của tôi có vẻ bình thường, hai ba phòng khác trang bị giường tầng y chang giường sinh viên cao đẳng sư phạm năm xưa, có thang leo lên “giường trên”. Thì ra thế, chị chủ đã mang ký ức đặt vào trong khách sạn của mình, không lẫn đi đâu được. 

Tôi có thể đánh cá rằng cả cái thành phố này không có khách sạn thứ hai có giường tầng sinh viên trong phòng, như ở đây. Cái trường Cao đẳng Sư phạm khốn khó ngày trước vẫn nằm sâu trong ký ức cựu nữ giáo sinh này, nó không hiện ra ngoài dáng dấp mà phảng phất bên trong vài ba phòng khách, ở những chiếc giường tầng. 

Không hiểu khách nhận ra không, hay cho là bình thường thôi? Còn tôi, khi nhìn thấy chúng, những chiếc giường ấy, đã thảng thốt giật mình. Cô giáo!

Cái nghiệp chữ nghĩa đeo đẳng con người ta như thế. Chị rời phấn viết bao nhiêu năm, lăn vào đời với toan tính lời lỗ, dựng được cơ nghiệp là cái tòa nhà cao cao này, dáng dấp cô giáo không còn nữa, vậy mà... còn đấy mấy chiếc giường tầng. Chị không quên.

Ngày về, trả phòng, thanh toán xong, tôi tiến đến bên chị với hai tay đưa ra và nhận bàn tay vẫn còn mềm mại của nữ giáo sinh Cao đẳng Sư phạm năm xưa, nay vẫn còn mềm. Chưa bao giờ tôi thấy chữ nghiệp của nhà Phật hiển hiện sống động hơn thế, như lúc ấy.

Cám ơn đời đã ban cho một sự ngẫu nhiên kỳ thú như thế, sau hai mươi ba năm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ