(GD&TĐ) - Theo ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp: Số học sinh tốt nghiệp THPT một vài năm gần đây giữ ổn định và có xu hướng giảm trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ vẫn tăng, cộng với thời gian tuyển sinh vào ĐH, CĐ quá dài nên nguồn tuyển sinh vào học TCCN gặp nhiều khó khăn. Năm 2012 là đỉnh điểm trong tuyển sinh của các trường TCCN với 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được học sinh. Năm 2013, chủ trương của Bộ GD&ĐT là vẫn giữ ổn định công tác tuyển sinh TCCN như năm 2012, tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Năm 2013, chỉ tiêu đào tạo TCCN trong các trường ĐH giảm nhiều nên các trường TCCN không quá lo ngại về nguồn tuyển.
Về cơ bản, công tác tuyển sinh TCCN năm 2013 được thực hiện ổn định như năm 2012. Sẽ tiếp tục quy định thống nhất việc tuyển sinh TCCN theo hình thức xét tuyển. Riêng đối với các ngành năng khiếu, môn văn hóa được thực hiện theo hình thức xét tuyển, môn năng khiếu do hiệu trưởng nhà trường quyết định thi tuyển hoặc xét tuyển. Việc xét tuyển căn cứ kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2013 của thí sinh. Các trường có thể tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, tuyển nhiều loại đối tượng theo quy định với những tiêu chí xét tuyển phù hợp để tuyển sinh theo chỉ tiêu đào tạo đã được xác định của trường.
Không hẳn cứ kỹ sư mới là lựa chọn chính xác của người học |
Tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể của việc thu nhận hồ sơ và công tác tuyển sinh TCCN tại địa phương, các sở GD&ĐT có thể tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào TCCN của thí sinh trên địa bàn tỉnh (thành phố) và chủ động bàn giao cho các trường theo kế hoạch và yêu cầu thu nhận hồ sơ của từng trường.
Theo NGƯT TS Hoàng Ngọc Trí – Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật: Với các trường thành viên của Hiệp hội, gặp khó khăn trong nguồn tuyển là bài toán dường như không có lời giải. Họ đã tìm mọi cách từ tuyên truyền, đến cấp học bổng, giảm học phí... nhưng khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Nhiều trường TCCN cho rằng, nguyên nhân của thiếu nguồn tuyển là người học chưa có những hiểu biết đầy đủ về bậc học này trong khi đó chỉ tiêu đào tạo ĐH, CĐ luôn đáp ứng đủ nhu cầu người học thì với các trường TCCN khó khăn sẽ lại chồng khó khăn.
Để trấn an các trường TCCN trước những lo ngại khó khăn về nguồn tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2013 này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) Phạm Như Nghệ, cho rằng: Các nước trên thế giới cũng thế chứ không riêng gì Việt Nam, người học có quyền lựa chọn và đa phần học sinh vẫn không muốn vào trung cấp. Để giúp các trường TCCN có thêm nguồn tuyển, Bộ GD&ĐT chủ trương giảm dần chỉ tiêu đến năm 2017 ở các trường ĐH có đào tạo TCCN. Số lượng giảm rất nhiều nên các trường trung cấp không nên lo ngại.
Thực tế trên cho thấy, muốn giải quyết được những khó khăn của hệ thống các trường TCCN còn quá nhiều việc cần làm. Đó là việc quy hoạch lại ngành nghề đào tạo, tìm lời giải cho bài toán phân luồng HS sau THCS, và đặc biệt nhưng cũng vô cùng khó khăn là thay đổi nhận thức trong xã hội và người học về việc chọn học các trường chuyên nghiệp theo năng lực học tập của mình hay cứ gắng sức theo học CĐ, ĐH. Trước mắt, để tự cứu mình, nói như Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp Hoàng Ngọc Vinh – đó là các trường phải nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo.
Dĩ Hạ