Tham gia buổi làm việc có ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo các trường ĐH khu vực TP HCM và ĐBSCL.
Nỗ lực vượt khó
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Cà Mau báo cáo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tình hình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015; tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 - 2015; những kết quả đạt được trên một số mặt công tác năm học 2014 - 2015.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết: Cà Mau là tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn về giao thông, hạ tầng. Về lĩnh vực GD&ĐT, Cà Mau trước đây là “vùng trũng của vùng trũng”. Tuy nhiên với sự quan tâm của các cấp, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là ngành GD nên công tác GD có sự phát triển và giảm bớt khó khăn.
"Hiện so với các tỉnh, Cà Mau rất cần sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ. Chúng tôi xin ghi nhận sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT và các trường ĐH trong thời gian qua. Sau buổi làm việc này, mong Bộ GD&ĐT cùng các trường ĐH, CĐ tiếp tục giúp đỡ Cà Mau nhiều hơn trong lĩnh vực GD&ĐT…” - Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải phát biểu.
Báo cáo tình hình GD&ĐT Cà Mau trong thời gian qua, ông Nguyễn Minh Luân - GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau - cho biết: Toàn tỉnh Cà Mau có 132 trường mầm non, 267 trường TH, 118 trường THCS và 32 trường THPT, 5 TT GDTX, 1 Trung tâm Hướng nghiệp - Kỹ thuật tổng hợp và 4 trường CĐ, TCCN. Hiện nay Cà Mau 204/548 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt hơn 37,23%.
Năm học qua, bậc GD Tiểu học chủ động nâng cao nhận thức đánh giá HS TH theo Thông tư 30, từ đó áp lực điểm số, thi cử giảm nhiều, GV có điều chỉnh phù hợp về phương pháp trong giảng dạy và HS tích cực trong học tập. Bên cạnh đó, Mô hình Trường học mới, Công nghệ GD… tiếp tục được phát huy và được GV, phụ huynh, HS ủng hộ.
Bậc GD Trung học tiếp tục phát triển, công tác điều chuyển GV phù hợp và khắc phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ. Việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các đơn vị trường học ngày càng phát huy hiệu quả. Chất lượng cán bộ quản lý đảm bảo đủ chuẩn, trên chuẩn do thực hiện tốt quy hoạch đào tạo, thực hiện tốt vị trí việc làm…
Tuy nhiên ngành GD&ĐT Cà Mau còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Mặt bằng dân trí còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ huy động HS đến trường còn thấp: huy động trẻ đến nhà trẻ chỉ hơn 5%, MG hơn 60%, MG 5 tuổi hơn 95%. Tỷ lệ HS bỏ học còn cao, trong đó cấp THCS 1,92%; cấp THPT 5,7%.
Chất lượng GD chưa đồng đều, trường lớp vẫn còn thiếu; tình hình kiên cố hóa ở giai đoạn 3 còn hơn 2.600 phòng học; còn thiếu nhà công vụ cho GV (hiện tỉnh cần hơn 1.400 nhà công vụ cho GV) và hiện có 1.350 phòng học xuống cấp…
Liên kết, tháo gỡ khó khăn
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao địa phương ngành Giáo dục Cà Mau đã làm tốt công tác phổ cập GDMN 5 tuổi; tỷ lệ huy động HS ra lớp đạt cao ở bậc tiểu học, THCS, THPT.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Cà Mau cũng như các địa phương nghiên cứu để chủ động trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trường lớp trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Bộ trưởng mong muốn các trường ĐH, CĐ và tỉnh Cà Mau giữ vững sự kết nối, từ đó tiếp tục công tác hỗ trợ, giúp đỡ để phát triển sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung...
Chia sẻ giải pháp đào tạo giáo viên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, việc cần làm hiện nay là nghiên cứu đánh giá đúng thực trạng GV để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ… Trường ĐH Đồng Tháp sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Cà Mau trong công tác đào tạo, bồi dưỡng GV và hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị trường học.
Đại diện lãnh đạo các trường ĐH ở TP HCM và ĐBSCL như: Trường ĐH Sài Gòn, ĐH Kinh tế - Công nghiệp Long An, ĐH Bình Dương, ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Văn Hiến... cam kết hỗ trợ tỉnh Cà Mau trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ CBQL, giáo viên và kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp và trang thiết bị trường học.