Giữ hình ảnh của người thầy trong mắt học sinh

GD&TĐ - Thời gian qua, ngành Giáo dục xảy ra nhiều vụ việc đau lòng, phản cảm, làm dư luận không khỏi bức xúc như giáo viên cho học sinh tát bạn, giáo viên bị phát hiện sử dụng ma túy, thầy giáo dâm ô với học sinh và mới đây nhất, việc hai nữ sinh trường sư phạm mặc áo dài với quần đùi…

Người thầy luôn là thần tượng trong mắt học sinh.
Người thầy luôn là thần tượng trong mắt học sinh.

Những vụ nêu trên chỉ do một số cá nhân đang công tác trong ngành Giáo dục gây ra, nhưng việc làm của họ đã tác động rất lớn đến hình ảnh của đội ngũ giáo viên cả nước.

Trong khi hầu hết các nhà giáo đã và đang hết mình nỗ lực vì sự nghiệp trồng người, chăm lo cho các thế hệ tương lai của đất nước, thì vẫn có những cá nhân có những hành vi tha hóa, đã bôi xấu hình ảnh của nhà giáo.

Nếu là công dân có hành vi dâm ô với trẻ em, sử dụng ma túy sẽ phải chịu các chế tài của pháp luật là chuyện không phải bàn cãi. Nhưng đối với những giáo viên, người trực tiếp dạy dỗ học sinh, nhưng lại có hành vi dâm ô với chính học sinh của mình hoặc sử dụng ma túy là không thể chấp nhận được, những đối tượng này ngoài việc phải xử lý thật nghiêm, dứt khoát không cho phép tiếp tục công tác trong ngành Giáo dục.

Để giáo dục học sinh, trước hết học sinh đó phải tôn trọng giáo viên và ngược lại, giáo viên cũng phải biết tôn trọng, yêu quý học trò của mình, như vậy mới có thể dạy tốt, học tốt. Học sinh yêu quý tôn trọng giáo viên không phải là điều tự nhiên mà có, mà chính bản thân người giáo viên tạo ra sự tôn trọng đó. Từ cử chỉ, lời nói, hành động, thái độ ứng xử và phương pháp giáo dục của giáo viên đã tác động sâu sắc đến thái độ, biểu cảm của học sinh. Nếu học sinh quý mến và tôn trọng giáo viên thì khi đó chất lượng giáo dục của từng lớp học, của từng nhà trường sẽ được nâng lên.

Nhớ lại những vụ việc học sinh nói xấu giáo viên trên mạng xã hội thời gian qua, đó chính là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng giữa học sinh và giáo viên. Khi học sinh đã không hợp tác thì giáo viên khó có thể dạy học. Nếu giáo viên không khéo ứng xử thì sự việc không chỉ dừng lại ở những câu nói xấu thầy cô trên mạng xã hội.

Sinh viên sư phạm được đào tạo nghề giáo, được giáo dục về đạo đức, quy tắc nghề nghiệp, được trang bị kỹ năng làm thầy…để có thể ra trường và đứng trên bục giảng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của chính giáo viên, phải tự rèn luyện đạo đức, lối sống của mình, phải có cuộc sống lành mạnh, trong sáng, phải gương mẫu trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Đối với học sinh, giáo viên cần phải có biện pháp quản lý, giáo dục để thu phục nhân tâm hơn là biện pháp trừng phạt, áp đặt… sẽ gây ra tâm lý ức chế, phản giáo dục.

Ngành Giáo dục luôn luôn đề cao đạo đức nhà giáo, nếu những cá nhân nào không đảm bảo được phẩm chất, đạo đức, lối sống… không còn giữ được những tư cách trân quý của người thầy thì phải chuyển công tác khác, để hình ảnh của người thầy luôn là thần tượng trong mắt học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ