Giữ gìn tiếng mẹ đẻ để thêm yêu quê hương

GD&TĐ - Các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngoài đưa chữ Khmer vào giảng dạy trong trường học, còn tổ chức dạy miễn phí ở chùa mỗi dịp hè...

Những lớp học tiếng dân tộc Khmer trong nhà trường và cộng đồng giúp HS hiểu được giá trị phong tục tập quán và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Những lớp học tiếng dân tộc Khmer trong nhà trường và cộng đồng giúp HS hiểu được giá trị phong tục tập quán và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Giữ gìn tiếng nói, chữ viết

Nhiều năm qua, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đưa bộ môn Ngữ văn Khmer vào trường phổ thông giảng dạy, qua đó bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc. Tại tỉnh Trà Vinh, chương trình giảng dạy tiếng Khmer được đưa vào chương trình học chính khóa của cấp tiểu học và THCS với thời lượng 4 tiết/tuần. Toàn tỉnh hiện có hơn 250 trường dạy tiếng Khmer, với hơn 900 GV. 

Công tác dạy và học chữ Khmer cho HS dân tộc Khmer trong tỉnh Trà Vinh luôn được ngành GD-ĐT, chính quyền địa phương quan tâm. Trường ĐH Trà Vinh là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam Bộ. Bằng hình thức đào tạo chính quy, vừa làm vừa học và đào tạo từ xa, trường đã đáp ứng nhu cầu GV tiếng Khmer cho các địa phương có đông đồng bào sinh sống. Ngoài ra, nhằm chuẩn hóa đội ngũ GV dạy tiếng Khmer, trường còn đảm nhiệm vai trò bồi dưỡng GV đang đứng lớp theo yêu cầu của địa phương…

Thạc sĩ Lâm Quang Vinh, Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Năm 2013, Trường ĐH Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ.

Khoa thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực này. Đến nay, khoa đã đào tạo hơn 1.000 cử nhân khoa học các chuyên ngành, trong đó có Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam Bộ. Nhà trường tiếp tục nghiên cứu đào tạo, phát triển văn hóa ngôn ngữ, nghệ thuật Khmer và một số dân tộc khác, đóng góp vào nhiệm vụ bảo tồn, phát triển bền vững văn hóa dân tộc thiểu số ở vùng Nam Bộ.

Đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng chiếm hơn 30% dân số. Với tỷ lệ HS dân tộc khá đông, những năm qua, công tác giáo dục dân tộc luôn được tỉnh quan tâm và có nhiều chính sách ưu đãi. Đặc biệt, triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo Nghị định 82 của Chính phủ, toàn tỉnh có hơn 150 trường dạy tiếng Khmer với 1.600 lớp, hơn 40.000 HS theo học. Đội ngũ GV dạy tiếng Khmer của tỉnh Sóc Trăng có trên 350 người.

Tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và có những chính sách ưu đãi cho GV dạy tiếng Khmer được an tâm công tác. Tỉnh thường xuyên bổ sung thêm biên chế cho các trường có dạy tiếng dân tộc. Ngành GD tham mưu với UBND tỉnh phối hợp với Trường ĐH Trà Vinh mở các lớp đào tạo trình độ ĐH Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam Bộ hệ vừa làm vừa học (Sở GD&ĐT đóng học phí trong suốt 4 năm đại học). Sở tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho GV dạy tiếng Khmer theo chương trình 165 tiết và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT…

Một tiết học Ngữ văn Khmer ở tỉnh Trà Vinh.
Một tiết học Ngữ văn Khmer ở tỉnh Trà Vinh. 

Phát huy vai trò lớp học trong cộng đồng

Bên cạnh dạy học tiếng Khmer trong trường phổ thông, dịp hè hằng năm, sư sãi trong các chùa Khmer mở lớp học dạy tiếng nói, chữ viết Khmer, thu hút hàng nghìn HS tham gia. Các lớp học này có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào. Từ các chính sách của Nhà nước, các mô hình xã hội hóa của Hội Khuyến học, Ban Quản trị các chùa Khmer, các vị Achar… ra đời và góp phần không nhỏ nhằm duy trì, nhân rộng những điểm dạy chữ Khmer trong cộng đồng.

Bên cạnh việc dạy và học chữ Khmer tại các trường phổ thông, nhiều địa phương ở Trà Vinh đã phát triển và nhân rộng giảng dạy chữ Khmer trong cộng đồng. Với tinh thần trách nhiệm cao của các vị sư sãi, Achar tham gia dạy chữ cho các HS Khmer trong các tháng hè. Các lớp dạy chữ Pali-Khmer cho tăng sinh, HS suốt trong năm học được phát triển mạnh tại các huyện Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang…

Ông Achar Kim Sô Phol, ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh) từ năm 1993 đã bắt đầu tham gia dạy chữ Khmer cho các vị sư ở chùa, dạy bổ túc nâng cao chữ Khmer cho HS trong thời gian nghỉ hè. Theo Achar Kim Sô Phol, ngoài niềm tin và tâm huyết, việc được dạy chữ Khmer cho đồng bào là nghĩa vụ của người học trước truyền lại cho người học sau. Việc giảng dạy của các thầy, Achar phần lớn với tinh thần trách nhiệm cộng đồng, cùng nhau dạy chữ cho con em. 

Các chùa và Hội Khuyến học cũng nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, phật tử trong việc giúp, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các em được học chữ Khmer. Một số chùa trên địa bàn xây dựng mô hình nuôi heo đất tập thể, hằng năm chùa trích tiền từ nuôi heo đất và từ sự hỗ trợ của phật tử để mua sách vở, trao học bổng, khen thưởng HS.

Dịp hè hằng năm, các chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng đều mở lớp dạy chữ Khmer cho sư sãi và con em đồng bào trong phun sóc. Đây là hoạt động đã có từ lâu và mang ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, văn hóa Khmer, đồng thời, giúp HS ở vùng nông thôn có kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi và bổ ích. 

Em Tăng Thị Đi Na, ngụ phường 2, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết: Em học lớp 8, trong trường phổ thông có được học Ngữ văn Khmer nhưng dịp hè hằng năm em vẫn vào chùa để học với thời gian khoảng 2 tháng. Kiến thức mà các sư truyền dạy sẽ giúp em hoàn thiện môn Tiếng Khmer ở trường. “Đối với bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, thế hệ trẻ như em phải tiếp nhận, gìn giữ và phát triển nhiều hơn. Trong đó điều quan trọng nhất với em là tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình”, Đi Na chia sẻ.

Để khuyến khích, tỉnh Sóc Trăng có chính sách cho người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè gồm: Các vị sư sãi, Achar, Ban Quản trị chùa dạy chữ và tiếng Khmer tại các điểm chùa, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà văn hóa ấp, điểm trường trong 2 tháng hè. Mức hỗ trợ là 40.000 đồng/tiết. Số tiết hỗ trợ không quá 4 tiết/ngày/lớp. Sách giảng dạy tiếng Khmer theo bộ SGK tiếng Khmer do Bộ GD&ĐT ban hành…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ