(GD-TĐ) - Xuân về, uống ăn là… áp lực khiến cho không ít người đôi lúc phải bỏ mâm cỗ Xuân… chạy trốn! “Tẩu vi thượng sách” xem ra đúng trong tình huống này. Tuy nhiên mất vui, nên cần phải… đối mặt. Một số bệnh đồng hành cùng Nàng Xuân kiều diễm khiến cho ta phải dè chừng!
Thời kinh tế còn lắm khó khăn, Tết là dịp cái dạ dày hoan hỉ mở ra để bù đắp cho những tháng ngày triền miên thiếu thốn. Ngày nay, tình thế này hầu như đã bị lật ngược. Với nhiều người, khi mùa xuân gõ cửa cũng là lúc cái dạ dày bắt đầu những ngày dài thử thách. Nào thịt nướng, thịt nguội, thịt tái, nào cá hấp, cá chiên, cá sống mù tạc, nào dầu mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, rượu bia kính thưa các loại… Ôi thôi, vô vàn những thứ có thể ăn được, uống được từ bốn phương hội ngộ.
Xuân về, uống ăn quả là một… áp lực khiến cho không ít người đôi lúc phải bỏ những mâm cỗ Xuân… chạy trốn! Người xưa có câu: “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” (36 kế, chạy trốn là thượng sách) xem ra lại đúng trong tình huống này. Tuy nhiên, điều đó sẽ làm mất vui, thiếu sự hòa đồng với bà con, bè bạn, hàng xóm láng giềng. Ai cũng “tẩu vi thượng sách” cả thì bàn tiệc mừng Xuân không khéo lại để “cho ruồi nó bâu” sao? Vậy chỉ còn một cách đối mặt và đối ẩm sao cho khôn khéo mà thôi!
Nguy cơ ẩn mình trong cỗ tết
Ăn uống đem lại cho con người dinh dưỡng, nhưng chính ăn uống cũng là nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người. Uống ăn dường như là một con dao hai lưỡi, nếu sử dụng con dao này không khéo léo thì có ngày đứt tay và tất nhiên hậu quả sẽ là… đứt bóng. Do vậy, ông bà ta đúc kết: “Bệnh tòng khẩu nhập”, nghĩa là bệnh vào theo đường miệng.
Thực phẩm ngày Tết phong phú chất dinh dưỡng. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng thì 1 kg bánh chưng hoặc bánh tét có nhân thịt, đậu… cho năng lượng hơn 2000 kcalo, chả giò làm từ thịt đầu heo cho khoảng 550 kcalo/100 gram, mỗi miếng thịt gà và nửa quả trứng cho hơn 150 kcalo… Góp phần không nhỏ trong việc gây tăng cân béo phì là đoàn quân mứt Tết, với nhiều đẳng cấp. Bên cạnh đó các loại thịt cá, bơ, dầu mỡ… góp phần tạo nên một khối khổng lồ về năng lượng. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng bình quân của mỗi người khoảng 500 - 2000 kcalo tùy theo tuổi tác và cân nặng. Nên nếu “ham vui” một chút là cơ thể sẽ dồn dập bị khủng hoảng thừa. Năng lượng dư thừa đó sẽ lưu lại trong cơ thể dưới dạng… mỡ, khiến cho không ít người trở nên đẫy đà, bể “phọt” sau tết. Người lớn, trẻ em thi nhau… tăng cân đến độ béo phì. Và điều mà khoa học đã chứng minh, béo phì chính là “trọng phạm” của hàng loạt bệnh lý tim mạch và các bệnh khác như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, các bệnh xương khớp và thậm chí là ung thư…
Dưa hành củ kiệu cà pháo cũng là món được ưa thích trong ngày Tết vì “mặn mòi”, cho ít năng lượng, ăn với cơm cũng được và làm “mồi” lai rai cũng hay hay. Nhưng một điều nên nhớ là các loại thực phẩm ủ chua, ướp muối, ngâm dấm đều đã được điểm danh trong nhóm thực phẩm có khả năng gây ung thư, vì chứa chất Nitrosamin. Nếu cứ đánh chén tì tì loại này thì nguy cơ sẽ lớn dần theo năm tháng không khác nào một người nghiện hút thuốc lá vậy (Nitrosamin có nhiều trong thuốc lá).
Đến đây, có thể chúng ta đã phải giật mình tự thán: “Tết ơi, sao khổ thế!”. Nhưng xem ra, chuyện nói vậy mà… không phải vậy. Vấn đề là ở sự điều độ, cân bằng và hợp lý. Mỗi người nên có kế hoạch “lên thực đơn riêng” cho mình. Ăn sao cho không quá dư thừa năng lượng, nên ưu tiên nhiều rau, củ và trái cây.
Các bệnh đồng hành với… nàng xuân
Trong khi thiên hạ đang rộn ràng thăm viếng và trao nhau những “lời có cánh”, thì không ít người khắc khoải trong các phòng cấp cứu. Theo thống kê của một số bệnh viện, những ngày lễ Tết các trường hợp vào khám cấp cứu nhiều nơi tăng đột biến 20 – 30% so với ngày thường. Ngoài các trường hợp tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông do hậu quả của bia rượu quá mức mang lại, chỉ xin đề cập đến một số bệnh đồng hành cùng Nàng Xuân kiều diễm để mọi người cảnh giác mà thôi:
- Bệnh đường hô hấp: Tuy Nàng Xuân đã về thay ngôi ngự trị, nhưng bà chị lạnh lùng Mùa Đông hãy còn tiếc nuối quẩn quanh đâu đó khiến cho thời tiết nóng lạnh đan xen tạo ra những bất lợi cho cơ thể trong thời điểm giao mùa. Xuân về, Tết đến muôn hoa ngập tràn là lúc phấn hoa được tung vào trong đất trời mênh mang, lang thang theo gió trở nên bất lợi cho những người nhạy cảm với thời tiết, gây ra các bệnh cảm lạnh, cảm cúm, hen phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mùa xuân… Do vậy, những người có cơ địa dị ứng thời tiết và phấn hoa chỉ còn cách “ngồi đồng” ở nhà đón xuân mà không dám lang thang nơi muôn hoa rực rỡ. Khi trời lạnh, hãy giữ ấm cơ thể. Đừng vì áo đẹp muốn khoe trong ba ngày Tết mà thiếu ấm khiến cho cơ thể đành phải… buông lơi cửa ngõ phòng vệ.
Bệnh lý đường hô hấp và khu vực lân cận Tai - Mũi - Họng ngày Tết còn có sự góp mặt của các dị vật như hột dưa, hột bí, hột me, hột nhãn, kẹo, bánh… xâm nhập vào cơ thể qua các hốc tự nhiên do trẻ em có dịp tiếp xúc nhiều hơn, thiếu sự kiểm soát hoặc do táy máy nghịch ngợm và thậm chí là trẻ này đùa với trẻ kia gây ra cơ sự. Nguy hiểm nhất là dị vật đường thở có thể khiến cho trẻ có thể tử vong ngay sau đó khoảng 5 phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Gặp tình huống ngày, bình tĩnh đặt trẻ nằm sấp, ngực gối ngang đùi, đầu dốc thấp, dùng tay vỗ mạnh sau lưng để tống ngay dị vật ra. Nếu trẻ lớn hoặc người lớn bị thì quàng tay ôm từ phía sau, một bàn tay nắm chặt để ngay dưới xương ức để gia tăng sự tác động, ôm xốc người lên để tạo áp lực tống dị vật. Nếu bản thân gặp rủi ro, tự cứu, bằng cách áp mạnh ngực xuống mặt ghế, mặt bàn hoặc cạnh giường đầu thấp để tống dị vật ra ngoài.
- Ngộ độc thức ăn: Do du xuân quá trớn, biếng lười nấu nướng, dùng thức ăn nguội lạnh và bảo quản không tốt. Ngoài ra, có những món ăn lạ thuộc “hàng cao lương mỹ vị” chỉ ngày xuân mới được thiên hạ sưu tầm, gia công chế biến và hoan hỉ chiêu đãi nên cơ thể không quen món “sang”, ra lệnh “chối từ”. Tiếc thật! Trên nôn dưới tháo, bụng đau quằn quại. Các thầy thuốc kết luận: Ngộ độc thức ăn. Đành ngậm ngùi trên giường cấp cứu với chai dịch truyền chứ không phải là… bia.
- Tai họa cho gan: Các nhà chuyên môn cảnh báo bệnh gan nhiễm mỡ do tế bào gan bị bia rượu và nạn ăn “vặt” liên tục tấn công. Nếu đang bị sụt sịt vì nhức đầu sổ mũi cảm mạo ho hen mà cho thuốc uống đồng hành cùng với bia rượu thì nguy cơ tăng gấp bội phần, cho dù có thầm thì tự nói lời trấn an: “Chỉ dùng với lượng nhỏ thôi mà. Nào có hại gì đâu. Vẫn khỏe đấy chứ”. Vâng thì vẫn khỏe, không ai lăn đùng ra chết liền. Bởi nếu thế thì thiên hạ lên… chùa. Nhưng một điều luôn phải nhớ là sự sai lầm này sẽ “giúp” chúng ta đi gần về phía… nghĩa trang. Rượu còn gây ra các tai họa khác là viêm gan và xơ gan.
- Táo bón: Trái với những người bị ngộ độc thức ăn hoặc rối loạn tiêu hóa khiến cho “Tào Tháo” đuổi chạy dài. Một số người lại cứ phải “giữ” bàn cầu vì… táo bón. Ngày xuân bệnh táo bón gia tăng do ngồi nhà tiếp khách mà ít vận động. Thức ăn nhiều dinh dưỡng nhưng lại thiếu chất xơ nên khi qua đường tiêu hóa đã bị vắt kiệt nước gây táo bón. Người bị cao huyết áp nếu mắc táo bón thì nguy cơ đột quỵ tăng cao do phải… rặn nhiều gây tăng áp lực lên hệ thống mạch máu vốn dòn do bị xơ xữa.
Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước