(GD&TĐ) - Càng ngày, những thông tin không vui về gia đình hình như lại nhiều lên. Con số các vụ li hôn năm sau cao hơn năm trước. Lý do li hôn cũng có nhiều, nhưng thật đáng buồn là lý do kinh tế chiếm tỉ lệ rất lớn. Người ta xây dựng gia đình bắt đầu từ tình cảm đôi lứa, giữ được ngọn lửa ấm trong mỗi gia đình gốc rễ cũng từ đó. Nhưng rồi mầm họa cũng lại bắt đầu từ chính lý do kinh tế.
Mái ấm gia đình không tự nhiên mà có |
1. Trên các phương tiện truyền thông, người ta đưa thông tin ở nước này nước nọ tới nay khái niệm gia đình đã... lỗi nhịp. Thông tin chừng như khách quan nhưng lại được ngầm hiểu như một sự cổ súy cho cách sống đơn thân, chỉ lo đến mình, không muốn chịu trách nhiệm khi có vợ (chồng), con cái. Rồi đến cả “mốt” không chồng nhưng vẫn “tự nhiên” có con. Cách đây chưa lâu, ở ta, chí ít cũng có đến ba nữ ca sĩ thuộc hạng “sao” không ngại ngùng khi tuyên bố chỉ có con chứ không cần chồng. Bố đứa trẻ là ai cũng... không cần biết. Đó thật sự là những câu chuyện buồn, trong sâu thẳm mỗi con người điều đó đã chạm đến sự thiêng liêng.
Những ai có dịp vào thăm trại trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ, kể cả trại nuôi dưỡng các cháu không may bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang..., sẽ thấy mái ấm gia đình thiêng liêng đến đâu, những đứa trẻ cần cha cần mẹ thế nào. Những đứa trẻ bị bóc khỏi mái ấm gia đình trở thành bụi đời, đi ăn xin, đánh giày, rửa bát thuê... nhắc chúng ta rằng xã hội vẫn còn đó những mảnh đời không có tương lai, bắt đầu từ chỗ không có mái ấm gia đình.
2. Đó là ở tình thế “nước chảy xuôi”- cha mẹ với con cái, nhưng cũng không thể không nói đến chuyện bất hiếu của con cái đối với cha mẹ. Đây đó vẫn có những cụ già con cái còn sống sờ sờ ra đó, lại làm ăn được hẳn hoi nhưng lại không chịu ở cùng, không chịu chăm nom cha mẹ lúc tuổi già. Những ông cụ, bà cụ không may rơi vào hoàn cảnh ấy thật là buồn bã, những ngày cuối đời sống trong cô độc và đau thương. Trong những khu chăm nom các cụ, khi hỏi về gia đình, lạ thay các cụ đều khoe con cái thành đạt, hiếu thảo. Nhưng, nhân viên ở đây cho biết, rất ít khi thấy con cái vào thăm. Năm đầu còn qua lại đôi ba lần “như đi viếng mộ người sống”, sau đó thì im dần rồi dứt hẳn. Con cái như vậy mà sao các cụ vẫn khoe con? Phải chăng các cụ nói lên điều mơ ước của mình để quên đi sự thật phũ phàng đang phải gánh chịu. “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”, nghe thật buồn và chất chứa âu lo.
3. Viết đến đây, tôi chợt nhớ một chi tiết trong truyện ngắn của Rasun Gamzatov, kể rằng: Do sợ mẹ già tay run cầm bát ăn cơm bị vỡ, nên người con trai đã mua cho mẹ một cái bát nhựa. Một hôm, anh ta thấy con mình ngồi khoét một miếng gỗ, anh ta hỏi làm gì, thì đứa bé nói: Con đục sẵn cho bố mẹ cái bát gỗ, để già bố mẹ ăn, nếu rơi cũng không vỡ. Nghe vậy, người cha bật khóc.
Chính vì thế, chúng ta càng tôn trọng, quý mến những tấm lòng thơm thảo, những người con có hiếu, những ông bố bà mẹ nhịn ăn nhịn mặc cho con được đến trường, có quần áo đẹp mặc cho bằng bạn bằng bè. “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”, dành tất cả những gì mình có cho con cái những mong chúng vào đời bình yên. Tấm lòng cha mẹ như trời biển. Câu ca dao xưa: “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” nhắc nhở bổn phận, trách nhiệm của con cái với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Tất nhiên mái ấm gia đình không tự nhiên mà có. Nó phải được xây dựng từ ý thức trách nhiệm, từ tình cảm chân thành và sâu xa của mỗi một thành viên. Đến giờ cuộc sống đã khác, nhu cầu vật chất tăng lên, tính cá nhân trong mỗi con người cũng có nguy cơ lớn hơn, nên việc củng cố, xây đắp gia đình khó khăn hơn. Nhưng chẳng lẽ khó lại không làm? Nếu chúng ta không ý thức đầy đủ tầm quan trọng của gia đình thì mái ấm sẽ trở thành “tổ nóng”, rồi nguội lạnh và tan nát. Hậu quả không chỉ người lớn gánh chịu, mà di họa lâu dài chính lại rơi vào những đứa con.
Gia Văn