Giới trẻ Trung Quốc đổ xô sang Mỹ học

"Tôi thấy nền giáo dục Mỹ tốt và phù hợp với mình hơn. Nó cho phép tôi làm điều tôi muốn" - Zhang Kaisheng, 16 tuổi nói với AP trong một bài viết đăng hôm thứ Tư.

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô sang Mỹ học
Nam sinh Zhang Kaisheng dự định nhập học vào một trường trung học ở Mỹ vào tháng 10 tới - Nguồn ảnh: AP

Nam sinh Zhang Kaisheng dự định nhập học vào một trường trung học ở Mỹ vào tháng 10 tới - Nguồn ảnh: AP

Dường như nhìn ra được kiểu giáo dục nhồi nhét vô tận khiến cho các kỳ thi đại học trở nên quá mệt mỏi đối với học sinh ở Trung Quốc, từ những lời khuyên của các bậc đàn anh từng học tại trường trung học của mình, Zhang Kaisheng đã quyết định chọn một con đường khác.
Mức độ ưa chuộng đáng kinh ngạc

Mùa thu này, như nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc khác (tất nhiên là số lượng ngày một tăng), Zhang dự định ghi danh vào một trường trung học ở Mỹ, nơi mà em và cả ông bà, cha mẹ đều hy vọng được tiếp nhận một nền giáo dục sâu sắc và toàn vẹn hơn, chi phí cũng đắt hơn. 

Tính cả tiền học phí, tiền ăn ở có thể vào khoảng 40.000 USD, tức cao gấp 3-4 lần so với mức chi trả tại một trường tư thục hạng sang ở Trung Quốc.

Với hơn 333.000 sinh viên trong các trường cao đẳng và đại học Mỹ hiện nay, Trung Quốc từ lâu đã là nơi “cung cấp” hàng đầu về sinh viên quốc tế đến Mỹ. 

Mức độ ưa chuộng nền giáo dục Mỹ của giới trẻ Trung Quốc tăng lên đáng kinh ngạc: Năm ngoái (2013), số lượng sinh viên Trung Quốc nhập học tại Mỹ cao hơn 50 lần con số 8 năm trước đó.

Các học sinh Trung Quốc cho biết họ muốn thoát khỏi các cuộc chạy đua học tập liên tục, suốt ngày lầm lũi như con chuột trong góc nhà, luôn phải học rất khuya và ít có cơ hội tham gia hoạt động ngoại khóa. Họ cũng tin rằng việc học tập tại Mỹ sẽ tạo cơ hội tiến vào các ngôi trường đại học danh tiếng của nước này, vốn là điều mà họ mơ ước.
"Sự cạnh tranh khốc liệt nhằm giành được suất học tập tại Mỹ đã bắt đầu”, Xu Yi - điều hành một cơ quan dạy kèm và tư vấn cho sinh viên Trung Quốc cho biết.
Mùa thu năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cấp 31.889 visa cho thanh niên Trung Quốc nhập học tại các trường trung học Mỹ, tăng vọt so với số 639 visa năm 2005, vượt qua cả số lượng đăng ký của học sinh Hàn Quốc vốn lâu nay đứng đầu về số học sinh nước ngoài học tập tại các trường trung học Mỹ.

Năm ngoái (2013), số lượng sinh viên Trung Quốc nhập học tại Mỹ cao hơn 50 lần con số 8 năm trước đó.

Cha mẹ giàu có, con cái tăng cơ hội
Sự giàu có của người Trung Quốc đang thúc đẩy sự gia tăng học sinh nước này muốn sang Mỹ học tập.
"Thế hệ trước của Trung Quốc không có được sự lựa chọn như giới trẻ bây giờ, nhất là điều kiện tài chính. Nhưng bây giờ, với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, các gia đình Trung Quốc hoàn toàn có thể chọn một trường quốc tế nào mà họ cho là tốt cho con em mình”, Wang Huiyao - chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu tại Bắc Kinh nói.
Các bậc cha mẹ Trung Quốc tin rằng chi phí khổng lồ phải bỏ vào các trường trung học Mỹ là sự đầu tư xứng đáng. "Nếu con tôi có thể phát triển vô số kỹ năng và được đào tạo toàn diện thì số tiền đó cũng như chi tiêu bình thường" - mẹ của Zhang Kaisheng, bà Wang Lihong, chủ tịch một chi nhánh ngân hàng nhà nước tại Bắc Kinh cho biết.
Rõ ràng, đối với nhiều học sinh, việc học tập tại Mỹ mở ra nhiều cơ hội mới. Riley Peng - con gái một doanh nhân Trung Quốc không thích kiểu học thuộc lòng được dạy tại Trung Quốc, đang tham gia vào một loạt lớp học và hoạt động ngoại khóa tại Choate Rosemary Hall ở Wallingford, Connecticut, bao gồm cả hoạt động trong nhóm xuyên quốc gia.
"Có rất nhiều điều mà đến giờ tôi mới có dịp trải nghiệm", Peng nói.
Nữ sinh người Trung Quốc - Lisa Li đang theo học trung học tại Mỹ - Nguồn ảnh AP
Nữ sinh người Trung Quốc - Lisa Li đang theo học trung học tại Mỹ - Nguồn ảnh AP

Người bạn của Riley là Lisa Li, hiện học tại Lawrence Academy ở Groton, bang Massachusetts, cho biết em từng cảm thấy rất thất bại nếu không đạt được điểm số cao trong lớp học tại Bắc Kinh. 

Mặc dù việc học tập ở Mỹ cũng khắt khe, nhưng Li nói em không cảm thấy áp lực như khi học ở Trung Quốc, thậm chí còn được khuyến khích khám phá thêm các khả năng khác, như âm nhạc.

"Trường dự bị tại Mỹ đòi hỏi tư duy trí tuệ cao, nhưng họ cũng nhấn mạnh sự sáng tạo và điều này giúp tôi tìm hướng được hướng đi của mình - biến những điều không thể thành có thể", Li nói.
Mẹ của em, bà Jin Min, hài lòng về điều này. "Bây giờ cháu khá sáng tạo, thay vì là một cái máy sao chép kiến thức hay cuốn bách khoa toàn thư", bà nói.
Việc học tập tại Mỹ là cơ hội phát triển cho con em các gia đình Trung Quốc giàu có, thạo tiếng Anh và hiểu văn hóa Mỹ. Sinh viên Trung Quốc thường được yêu cầu chứng minh trình độ tiếng Anh trước khi vào học các trường trung học Mỹ, một số trường còn cung cấp các khóa học đào tạo tiếng Anh trước khi vào học.
"Trung Quốc tự hào vì có nền tảng giáo dục tiểu học và trung học vững chắc, đặc biệt là trong toán học. Nhưng nó thiếu sự đổi mới" - Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu tại Bắc Kinh nói - "Học sinh Trung Quốc có thể ghi nhớ công thức nhưng họ thiếu kỹ năng mềm như kỹ năng thông tin liên lạc giữa con người, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ và văn hóa toàn cầu".
Tốt hơn không có nghĩa sẽ dễ hơn
Tuy nhiên, nhu cầu tăng cao của học sinh Trung Quốc còn tạo ra cơ hội kinh doanh cho các trường học của Mỹ, các nhà giáo dục lẫn doanh nghiệp.
Ở Pennsylvania, nhà đầu tư người Trung Quốc Giang Bairong đã mua lại các cơ sở của một trường học cũ, sau đó mở trường quốc tế Princeton mới về toán học và khoa học, liên thông với đại học Princeton, quan hệ đối tác với các trường trung học có liên quan đến Đại học Renmin của Trung Quốc.

Chưa chắc việc tiếp nhận nền giáo dục trung học Mỹ có thể giúp sinh viên Trung Quốc vào được các trường đại học hàng đầu của Mỹ.

Mùa thu năm ngoài, có khoảng 30 sinh viên nhập học và mục tiêu là đạt 250 học sinh trong 5 năm, một nửa trong số đó sẽ là sinh viên quốc tế - chủ yếu từ Trung Quốc.
Các trường công lập Mỹ cũng đang tranh nhau để có một miếng bánh thị trường này.

Ở Michigan, Lake Shore - trường trung học công lập ở vùng ngoại ô Detroit của Clair Shores đón khoảng 90 sinh viên Trung Quốc mỗi năm, tất cả đến từ trường quốc tế Bắc Kinh Haidian. 

Tại đây, các học sinh lớp 11 phải trả mức học phí và chi phí sinh hoạt chi tiêu cao hơn so với học sinh Mỹ cùng cấp lớp. Một trường tiểu học bị bỏ rơi đã được chuyển đổi thành ký túc xá để phục vụ số học sinh tăng thêm.

Có điều, không giống như các trường tư thục, trường công lập ở Mỹ không thể nhận học sinh nước ngoài học quá 1 năm, vì những quy định hạn chế của liên bang, mặc dù một dự luật nhằm thay đổi điều này đang được cả 2 đảng doạn thảo.
Dự luật nói trên đề xuất loại bỏ các hạn chế trong 1 năm đối với sinh viên nước ngoài tham gia học tại 12 các trường công lập Mỹ, miễn là họ trả tiền đầy đủ, không được trợ phí. Sự thay đổi này sẽ giúp các trường công lập nâng cao lợi nhuận của họ ngay thời điểm ghi danh.
Nhưng xét ở nhiều góc độ thì việc học tập xa nhà là một sự thay đổi lớn đối với con trẻ. Các chuyên gia cảnh báo các bậc cha mẹ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi gửi con cái sang học ở nước ngoài, nên tìm người giám hộ phù hợp hoặc chọn các trường nội trú có uy tín.

Keith Hernandez, phó chủ tịch công ty tư vấn giáo dục Duewest, còn cảnh báo thêm rằng chưa chắc việc tiếp nhận nền giáo dục trung học Mỹ có thể giúp sinh viên Trung Quốc vào được các trường đại học hàng đầu của Mỹ. 

Bởi đôi khi, kinh nghiệm về Mỹ quá nhiều sẽ làm giảm cơ hội của ứng viên nếu nơi tuyển sinh đang tìm kiếm sinh viên có nguồn gốc văn hóa đa dạng hơn.

"Chuẩn bị tốt hơn không có nghĩa mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn", Hernandez nói.
Theo motthegioi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.